Sáng ngày 29/9, Ủy ban Kinh tế tổ chức phiên họp thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2022.
Phát biểu mở đầu phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, năm 2021 là năm đất nước có rất nhiều sự kiện lớn, song đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường đã tác động đến mọi mặt kinh tế xã hội.
“Các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân đang phải chịu ảnh hưởng tiêu cực và dự báo vẫn có thể kéo dài trong thời gian tới”, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.
Dù khó khăn, thị trường vốn vẫn tăng trưởng tốt
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhận định, thị trường vốn đã tăng mạnh so với năm 2020.
Thị trường cổ phiếu có 754 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 Sở giao dịch chứng khoán, 903 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM và gần 3,5 triệu tài khoản đầu tư chứng khoán.
Đến hết ngày 31/8/2021, chỉ số VN-Index đạt 1.331,47 điểm, tăng 20,67% so với cuối năm 2020; quy mô vốn hóa thị trường đạt 6.529 nghìn tỷ đồng, tăng 23,3%. Giá trị giao dịch bình quân 8 tháng đầu năm đạt 23,8 nghìn tỷ đồng/phiên, tăng 2,2 lần so với bình quân năm 2020.
Thị trường trái phiếu có 455 mã trái phiếu niêm yết; quy mô giao dịch bình quân 8 tháng đạt 11,1 nghìn tỷ đồng/phiên, tăng 6,5% so với bình quân năm 2020. Thị trường chứng khoán phái sinh với khối lượng giao dịch bình quân 8 tháng đạt 209,2 nghìn hợp đồng/phiên, tăng 33% so với năm trước.
Tuy nhiên, thị trường vốn và thị trường tiền tệ phát triển chưa cân đối, tỷ lệ tín dụng so với GDP ở mức cao, vốn trung, dài hạn của nền kinh tế chủ yếu vẫn dựa vào hệ thống ngân hàng. Do đó, các tổ chức tín dụng đang bị tạo sức ép và rủi ro lớn. Đồng thời, các tổ chức quốc tế, tổ chức xếp hạng tín nhiệm cảnh báo nguy cơ rủi ro tài chính. Các thị trường tài chính, chứng khoán đã có thời điểm tăng nóng.
Trong khi đó, đại biểu Trần Văn Lâm, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng: “Trong tình hình khó khăn, thị trường chứng khoán vẫn tăng trưởng vượt bậc, đó là tín hiệu tốt. Tương lai nền kinh tế trung và dài hạn vẫn được duy trì ở mức tốt”.
Dự kiến kế hoạch phát triển năm 2022
Các đại biểu dự báo bước sang năm 2022, dịch Covid-19 còn có thể kéo dài, thế giới sẽ phải chấp nhận sống chung lâu dài với dịch bệnh. Kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, tốc độ tăng trưởng dự kiến thấp hơn so với năm 2021.
Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến kế hoạch năm 2022 sẽ tập trung vào 16 chỉ tiêu lớn, trong đó cần chú trọng vào một số chỉ tiêu như tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt khoảng 6 - 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 3.900 USD; Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,5 - 25,8%; Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đạt khoảng 4%; Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP khoảng 4%…
Để thực hiện được những chỉ tiêu này, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh cơ quan các cấp cần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát không vượt quá 4%, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế; điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế; lãi suất, tỷ giá biến động phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường…
Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiểm ẩn rủi ro, đặc biệt là cấp tín dụng với mục đích đầu tư, kinh doanh bất động sản, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp… Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn giảm lãi vay, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Ngoài ra, điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, thận trọng, bám sát diễn biến của dịch Covid-19, tình hình kinh tế xã hội trong nước và quốc tế để phân tích, đánh giá, cập nhật tình hình thực hiện các chỉ tiêu và kịp thời đề xuất các biện pháp điều hành ngân sách nhà nước phù hợp…
Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao nội dung báo cáo, ghi nhận những cố gắng của Chính phủ, các cơ quan, bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp và toàn thể nhân dân trong giai đoạn vô cùng khó khăn vừa qua.
Song, Phó Chủ tịch Quốc hội tiếp tục đề nghị các cơ quan của Quốc hội phối hợp các cơ quan hữu quan tổ chức các chuyên đề lấy ý kiến, đề xuất giải pháp cụ thể về chính sách tài khóa, tiền tệ, giữ vững chỉ tiêu lạm phát.
Những kết quả nổi bật
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đánh giá: “Năm 2021, nước ta đã diễn ra nhiều sự kiện trọng đại, là năm đầu thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030 và các kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 trong bối cảnh đất nước đối mặt với những khó khăn thách thức lớn nhất từ sau đổi mới và lớn hơn nhiều so với năm 2020”.
Tuy nhiên, Thứ trưởng khẳng định nền kinh tế vẫn đạt được những thành tựu đáng kể. Trong đó, nước ta đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu HĐND các cấp, phê chuẩn và kiện toàn các chức danh chủ chốt, quan trọng của Nhà nước.
Bên cạnh đó, nước ta tiếp tục thực hiện mục tiêu kép linh hoạt trong bối cảnh mới với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự nỗ lực, cố gắng, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan trung ương và địa phương.
Đồng thời, công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được thực hiện quyết liệt, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát dưới 4%, bảo đảm các cân đối lớn, thu ngân sách nhà nước ước vượt dự toán.
Cả năm, ước thực hiện có 8/12 chỉ tiêu chủ yếu đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Đặc biệt, nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế.
Tuy nhiên, dự kiến 4/12 chỉ tiêu chưa đạt mục tiêu đề ra. Tăng cường kinh tế ước chỉ đạt 3,5 - 4%; kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn một số rủi ro, sức ép lạm phát tăng; xuất khẩu giảm tốc trong khi giá hàng hóa nhập khẩu tăng mạnh, ước nhập siêu cả năm khoảng 2 tỷ USD; xuất, nhập khẩu còn phụ thuộc vào một số ít thị trường và khu vực FDI, tỷ trọng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước còn thấp.