Tổng cầu bắt đầu hồi phục
Theo TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương, yếu tố quan trọng nhất gây suy thoái kinh tế trong thời kỳ Covid-19 là do tổng cầu suy giảm và hầu hết các nước trên thế giới đều thực hiện các chính sách mạnh mẽ để hỗ trợ tổng cầu.
Trong quý III/2020, các yếu tố tổng cầu tại Việt Nam như đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu đều có dấu hiệu phục hồi.
Trong quý III/2020, các yếu tố tổng cầu tại Việt Nam như đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu đều có dấu hiệu phục hồi.
Cụ thể, tổng vốn đầu tư toàn xã hội quý III/2020 tăng hơn gấp đôi mức tăng của quý II và tăng 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái; lũy kế 9 tháng đầu năm, vốn đầu tư toàn xã hội tăng 4,8%.
Sự gia tăng vốn đầu tư toàn xã hội chủ yếu nhờ lực kéo của vốn đầu tư từ ngân sách và từ trái phiếu chính phủ, trong khi các nguồn vốn đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài giảm hoặc tăng chậm.
Vốn đầu tư của khu vực tư nhân trong quý III/2020 tăng 1,6%, bằng một nửa so với mức tăng 3,2% trong quý II; vốn đầu tư của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài bắt đầu phục hồi trong quý III/2020 mặc dù vẫn ở trạng thái giảm 0,02% so với mức giảm 2,4% trong quý II.
Vốn đầu tư khu vực nhà nước đạt mức tăng 21,5% trong quý III/2020, lũy kế 9 tháng đầu năm tăng 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó vốn từ ngân sách và vốn trái phiếu chính phủ duy trì đà tăng cao, lần lượt tăng 48,9% và 8,1%, kéo tốc độ tăng của những nguồn vốn này lên 33,3% và 9,3%.
Mặc dù vốn FDI đăng ký trong quý III/2020 tiếp tục giảm sâu do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng tốc độ giải ngân đã có dấu hiệu cải thiện bởi chính sách hạn chế đi lại giữa các nước, chính sách đóng cửa quốc gia đã được nới lỏng; chuỗi cung ứng, nguồn cung thiết bị, vật tư, nguyên liệu cho các dự án đang triển khai bắt đầu được thiết lập trở lại.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, vốn FDI đăng ký giảm 18,9%, vốn FDI giải ngân giảm 3,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Đối với cầu tiêu dùng nội địa, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ (chưa loại trừ yếu tố tăng giá) quý III/2020 tăng 14,4% so với quý II và tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đẩy chỉ số này trong 9 tháng đầu năm tăng 0,7% so với cùng kỳ.
“Sự tăng liên tục của doanh thu bán lẻ hàng hóa cho dù dịch bệnh tái bùng phát vào cuối tháng 7/2020 cho thấy niềm tin của người tiêu dùng đã trở lại và được củng cố; người dân đã không quá lo sợ và phản ứng thái quá trước dịch bệnh. Đây là cơ sở quan trọng để phục hồi lại tổng cầu và đưa nền kinh tế trở lại trạng thái tăng trưởng bình thường khi chúng ta từng bước mở cửa lại đón khách quốc tế”, TS. Tú Anh nhấn mạnh.
Đáng chú ý, đến hết tháng 9/2020 có gần 99.000 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 3,2%; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 34.600 doanh nghiệp, tăng 25,5%; có 29.500 doanh nghiệp tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế là gần 3,602 triệu tỷ đồng, tăng 19,2% so với 9 tháng đầu năm ngoái.
Trong nguy luôn có cơ
“Doanh nghiệp Việt Nam đang phải chịu những hậu quả nặng nề do đại dịch, tuy nhiên, đại dịch cũng tạo ra những thay đổi ở phạm vi toàn cầu và khu vực trong thương mại và đầu tư, đặc biệt là việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng. Các nước đang phát triển có thể có cơ hội mới trong việc tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu”, TS. Tú Anh nói.
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhận định, với ngành ngân hàng, Covid-19 không chỉ mang lại những tác động tiêu cực như tăng trưởng tín dụng thấp, nợ xấu tăng, lợi nhuận giảm, mà đại dịch cũng mang lại một số điểm tích cực.
Một là, dịch bệnh giúp đẩy nhanh xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 7/2020, số lượng và giá trị giao dịch thanh toán qua thẻ ngân hàng tăng 29,7% và 15,8%, giá trị thanh toán qua Internet tăng 39,1%, thanh toán qua mobile banking tăng 184,2% về số lượng và 186,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Hai là, dịch Covid-19 đã đẩy mạnh xu hướng Fintech (công nghệ tài chính), Bigtech (“đại gia” công nghệ) thâm nhập vào thị trường tài chính, tạo sức ép cạnh tranh khiến ngành ngân hàng phải đẩy nhanh tiến trình số hóa.
Ba là, những thay đổi cơ bản trong hành vi khách hàng dẫn tới những nhu cầu mới về sản phẩm, dịch vụ. Đây là cơ hội để các tổ chức tài chính rà soát, phát triển các sản phẩm nhằm phục vụ khách hàng tốt hơn và nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Ông Phạm Doãn Sơn, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cho biết, trong bối cảnh khó khăn chung của ngành ngân hàng do dịch bệnh Covid-19, LienVietPostBank đã chủ động xây dựng kịch bản ứng phó và triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng.
“Với hàng loạt giải pháp đồng bộ, kịp thời, hiệu quả của Ban lãnh đạo, tỷ lệ nợ xấu do khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại Ngân hàng hầu như không đáng kể đã giúp lợi nhuận trước thuế quý III/2020 tăng 42% so với cùng kỳ năm trước, qua đó đóng góp mạnh mẽ vào kết quả lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2020”, ông Sơn chia sẻ.
Hoạt động dịch vụ, thu thuần dịch vụ của LienVietPostBank tiếp tục bứt phá trong 9 tháng đầu năm 2020, với mức tăng trưởng 80% so với cùng kỳ năm 2019 do Ngân hàng xác định đây là nguồn thu ổn định, ít rủi ro nên tập trung đẩy mạnh các mảng kinh doanh như thẻ, thanh toán, bảo hiểm…
Trong đó, LienVietPostBank tạo dấu ấn trên thị trường kinh doanh bảo hiểm (bancassurance) khi những năm gần đây luôn nằm trong Top các ngân hàng tăng trưởng doanh số kinh doanh bảo hiểm cao nhất toàn thị trường, riêng 9 tháng đầu năm 2020 đạt mức tăng hơn 2 lần cùng kỳ năm trước, đóng góp tỷ trọng 64% vào tổng thu thuần dịch vụ của Ngân hàng.
Ngày 15/102020, LienVietPostBank đã cho ra mắt sản phẩm LienViet24h nhằm cung cấp cho khách hàng dịch vụ ngân hàng số toàn diện 3 trong 1 (tích hợp thẻ phi vật lý Ví Việt; dịch vụ Internet Banking, Mobile Banking; dịch vụ thẻ) với những tiện ích như tiết kiệm online, chuyển tiền nhanh, xác thực người dùng thông qua nhận diện khuôn mặt… đáp ứng các nhu cầu của khách hàng chỉ trên một ứng dụng.
Tại Ngân hàng TMCP Quốc Tế Việt Nam (VIB), ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB cho hay, do dịch Covid-19 nên Ban lãnh đạo đã chủ động giảm tốc trong 6 tháng đầu năm, nhưng bật tăng mạnh mẽ từ quý III.
Mức tăng trưởng này có được là nhờ sự chuẩn bị hạ tầng quản trị mạnh của Ngân hàng trong 5 năm qua.
Về hoạt động tín dụng, VIB tập trung vào các sản phẩm vừa nằm trong chiến lược ưu tiên, vừa trực tiếp kích cầu góp phần tăng trưởng kinh tế trong hoàn cảnh đại dịch.
Theo đó, cho vay người dân mua nhà để ở tăng 28%; cho vay tiêu dùng qua thẻ tín dụng tăng mạnh nhất trong các sản phẩm của mảng tín dụng bán lẻ, đạt hơn 50%; cho vay vốn lưu động phục vụ kinh doanh tới cá nhân và hộ gia đình tăng 16%.
Mặt khác, VIB duy trì vị thế số 1 về thị phần cho vay mua ô tô với mức tăng trưởng 11% trong 10 tháng đầu năm.
Về hoạt động phi tín dụng, VIB đẩy mạnh dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt thông qua thẻ và ngân hàng điện tử, đồng thời chú trọng các hoạt động thu phí của Ngân hàng.
Thanh toán qua thẻ 10 tháng đầu năm tăng 40%, trong khi số lượng giao dịch trực tuyến tăng 109% so với số lượng khách hàng hoạt động tăng 77%.
Hiện nay, có 98% số lượng lệnh chuyển tiền và 88% tổng số lượng giao dịch của toàn VIB được thực hiện qua hệ thống ngân hàng điện tử.
“Các hoạt động thu phí đóng góp 27% doanh thu hoạt động ngân hàng bán lẻ, trong đó, doanh số bán mới bancassurance của chúng tôi tăng 8%, tiếp tục giữ vững vị trí số 1 trên thị trường”, ông Vũ nhấn mạnh.
Thực tế cho thấy, với những doanh nghiệp có nền tảng vững chắc, trong nguy luôn có cơ nếu sẵn sàng dám thay đổi để nắm bắt cơ hội.