Theo khảo sát kinh doanh của S&P Global, nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã tăng trưởng tháng thứ tư liên tiếp trong tháng 5. Tuy nhiên, đà tăng trưởng này nhờ được thúc đẩy bởi lĩnh vực dịch vụ đang hồi sinh, trong khi hoạt động sản xuất trở nên tồi tệ hơn trong bối cảnh nhu cầu hàng hóa tiếp tục giảm.
Sản lượng tại Đức đang sụt giảm sâu hơn dự kiến đối với hầu hết các ngành công nghiệp. Trong tháng 3/2023, số lượng đơn đặt hàng mới cho các doanh nghiệp sản xuất của Đức đã giảm 10,7% so với tháng 2, đây là mức giảm theo tháng mạnh nhất kể từ tháng 4/2020.
Cyrus de la Rubia, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Thương mại Hamburg cho biết: “Tình trạng tốt của lĩnh vực dịch vụ cho thấy chi tiêu của người tiêu dùng đang hoạt động tốt hơn dự kiến, mặc dù sức mua của các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi lạm phát. Trong khi đó, ngành sản xuất có thể sẽ bị kéo xuống bởi sự sụt giảm trong ngành sản xuất của Trung Quốc đã bắt đầu vào quý hai”.
Theo S&P Global, tâm lý đối với triển vọng trong lĩnh vực sản xuất lần đầu tiên trở nên tiêu cực sau 5 tháng, trong khi các công ty dịch vụ vẫn lạc quan hơn.
Đức đã tuyên bố từ bỏ hoàn toàn việc sử dụng khí đốt Nga vào giữa năm 2024. Tuy nhiên, những nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung khí đốt này sẽ khiến nền kinh tế Đức phải tiêu tốn hơn 1.000 tỷ USD từ nay đến năm 2030, theo ước tính của Bloomberg. Chi phí khổng lồ này dự kiến sẽ bao gồm các khoản đầu tư vào hiện đại hóa mạng lưới điện và kế hoạch loại bỏ dần các nhà máy điện hạt nhân và than đá.
Bên cạnh đó, Đức đang đối mặt với các khoản nợ công tăng nhanh khi nước này tăng cường hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp chịu tác động của giá năng lượng tăng vọt và các tác động của đại dịch COVID-19 vừa qua. IMF cho biết, nợ công của Đức đã vượt quá 2.300 tỷ EUR, tương đương 68,3% GDP của nước này.
IMF dự kiến tăng trưởng của nền kinh tế Đức sẽ tăng dần lên mức 1% đến 2% trong giai đoạn 2024 - 2026, thời điểm những tác động của chính sách thắt chặt tiền tệ suy giảm và nền kinh tế được điều chỉnh để thích nghi với cú sốc năng lượng.