Kinh tế Đồng Tháp phục hồi nhanh và toàn diện

0:00 / 0:00
0:00
Trong năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Tháp tiếp tục phát triển, các ngành, lĩnh vực tăng trưởng mạnh.

Nhiều ngành, lĩnh vực tăng trưởng mạnh

UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, năm 2023, tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tác động của chính sách, giải pháp phục hồi kinh tế - xã hội thúc đẩy các ngành, lĩnh vực tiếp tục tăng trưởng. Quy mô nền kinh tế ngày càng được mở rộng, đạt trên 110.800 tỷ đồng.

Cụ thể, tình hình sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2023 phát triển tốt, nông sản được tiêu thụ thuận lợi, nhiều mô hình sản xuất tiên tiến được nhân rộng. Giá trị tăng thêm của khu vực nông, lâm, thuỷ sản (theo giá so sánh năm 2010) đạt 61.921 tỷ đồng (tăng thêm 2.981 tỷ đồng so với năm 2022), tốc độ tăng trưởng đạt 4,51%.

Ngành công nghiệp phục hồi và phát triển khá với động lực chính là công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu của tỉnh và của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 70.271 tỷ đồng, tăng 6,16% so với cùng kỳ năm 2022. Giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) đạt 11.354 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của ngành ước đạt 6,4%.

Hầu hết các sản phẩm công nghiệp chủ yếu như gạo xay xát, lau bóng; chế biến thức ăn chăn nuôi; sản phẩm da giày, may; thuốc viên các loại... đều duy trì sản xuất ổn định và có tăng trưởng so với năm 2022.

Thu hút đầu tư dự án hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp (KCN) khả quan hơn so với các năm trước. Tỉnh đang tích cực phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt phát triển Khu kinh tế cửa khẩu, đồng thời khẩn trương đầu tư hoàn thiện hạ tầng KCN Tân Kiều, Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Tháp giai đoạn III, Cụm công nghiệp Quảng Khánh giai đoạn I, nhằm nhanh chóng đưa vào khai thác.

Đến nay, 3 khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh là KCN Sa Đéc, KCN Trần Quốc Toản và KCN Sông Hậu thu hút được 61 dự án đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký là 11.587 tỷ đồng, có 12 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, tổng vốn đầu tư đăng ký là 232 triệu USD, giải quyết việc làm cho khoảng 15.000 lao động. Tỷ lệ lấp đầy diện tích đất công nghiệp đạt 89,69%.

Hoạt động thương mại và dịch vụ diễn ra khá sôi động, đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của người dân. Nhiều chương trình kết nối cung cầu, giao thương, quảng bá sản phẩm được tổ chức, thúc đẩy phân phối hàng hóa của tỉnh vào hệ thống siêu thị lớn trong nước và giao dịch thông qua các sàn thương mại điện tử uy tín (Voso, Postmart, Lazada, Shopee, Sendo). Sức mua tăng với tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ năm 2023 ước đạt 127.907 tỷ đồng, tăng 15,2% so với năm 2022, đạt 101,04% kế hoạch năm.

Tình hình xuất khẩu duy trì tăng trưởng so với năm 2022, trong đó xuất khẩu gạo có nhiều thuận lợi nhờ nhu cầu nhập khẩu của các thị trường tăng cao, sản lượng xuất khẩu tăng 41,37% và kim ngạch tăng 66,66% so với năm 2022 (đóng góp 27% vào tổng kim ngạch). Tuy nhiên, xuất khẩu thủy sản gặp nhiều khó khăn nên tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa (không tính hàng hóa tạm nhập tái xuất) chỉ đạt khoảng 1,25 tỷ USD.

Ngành du lịch tăng trưởng khả quan, ước tính cả năm 2023 thu hút 4 triệu lượt khách, tăng 13,6% so với năm 2022, bằng 105,26% kế hoạch; tổng thu du lịch ước đạt 1.900 tỷ đồng, tăng14,15% so với năm 2022, đạt 105,55% kế hoạch.

Bên cạnh đó, tỉnh đã huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư. Trong năm 2023, tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 8.151 tỷ đồng, bằng 107,39% dự toán năm và tăng 8,1% so với năm 2022.

Tổng số vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 của tỉnh là 6.498,329 tỷ đồng. Kết quả giải ngân đến ngày 15/11/2023 là 5.006,809/6.498,329 tỷ đồng, đạt 77,05%. Tỉnh phấn đấu giải ngân cả năm đạt 100%.

Môi trường đầu tư, kinh doanh của Đồng Tháp tiếp tục được cải thiện. Chủ trương đồng hành cùng doanh nghiệp được triển khai thiết thực, góp phần quảng bá hình ảnh chính quyền thân thiện, năng động, sáng tạo và tạo dựng niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư.

Tính đến ngày 19/11/2023, trên địa bàn tỉnh có 597 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký là 3.213,97 tỷ đồng, đạt 91,85% kế hoạch. Ước cả năm 2023, có 650 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký 3.350 tỷ đồng, nâng số doanh nghiệp đang hoạt động lên 5.250 doanh nghiệp.

Về thu hút đầu tư, lũy kế 11 tháng của năm 2023, tỉnh Đồng Tháp thu hút được 11 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký là 6.342 tỷ đồng (năm 2022, thu hút 22 dự án, tổng vốn đăng ký 4.079 tỷ đồng).

Đa dạng hoạt động xúc tiến

Trong năm 2023, Đồng Tháp tổ chức thành công chuỗi sự kiện xúc tiến quảng bá thương mại, du lịch, đầu tư với quy mô cấp tỉnh và cấp khu vực. Nhiều sự kiện, chương trình được tổ chức đa dạng, quy mô lớn, góp phần quảng bá hữu hiệu tiềm năng, thế mạnh nhằm thu hút đầu tư, cũng như tạo điều kiện thuận lợi kết nối tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, mở rộng giao thương, thu hút du khách.

Các hoạt động xúc tiến thương mại của tỉnh liên tục được đổi mới, tập trung và có chiều sâu trên cơ sở phân tích, đánh giá, tổng hợp và đáp ứng nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp.

Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Trung tâm Xúc tiến thương mại, du lịch và đầu tư tỉnh Đồng Tháp phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tổ chức Khu giới thiệu sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc sản, đặc trưng của Đồng Tháp trong khuôn khổ Lễ hội Xoài Đồng Tháp năm 2023; Ngày hội “Hội quán Đất Sen Hồng - Đồng hành cùng phát triển” lần thứ I năm 2023; Festival hoa - kiểng Sa Đéc lần thứ I năm 2023…

Đồng thời, Trung tâm và doanh nghiệp địa phương tham gia trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm nhằm kết nối giao thương, phát triển thị trường tại các chương trình, sự kiện xúc tiến thương mại ngoài tỉnh như: Hội chợ triển lãm ngành rau - hoa - quả Hortex Vietnam 2023 tại TP.HCM; Chương trình giao thương doanh nghiệp Việt - Trung tại TP. Cần Thơ; Hội chợ Thương mại quốc tế Việt Nam lần thứ 32 (Vietnam Expo 2023); Hội chợ triển lãm nông nghiệp Quốc tế lần thứ 23 - Argoviet 2023; Hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam 2023; Sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” (Việt Nam International Sourcing 2023); Hội chợ Thương mại quốc tế Việt -Trung (Lào Cai) năm 2023...

Ngoài ra, tỉnh còn tổ chức đoàn tham gia Hội chợ triển lãm sản phẩm kinh tế - quốc phòng Việt Nam - Campuchia 2023 tại Campuchia; Hội chợ Thaifex - Chương trình Thaifex Anuga Asia 2023 tại Thái Lan; Hội chợ chuyên ngành thực phẩm và đồ uống hàng đầu Châu Á... Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia khảo sát thị trường tại Thái Lan, Hàn Quốc, Hà Lan, Tây Ban Nha…

Về xúc tiến du lịch, tỉnh tổ chức thành công chuỗi sự kiện văn hóa - du lịch như Tuần lễ du lịch gắn với Lễ hội hoa xuân Sa Đéc và Đường hoa xuân Sa Đéc; Lễ hội quýt hồng Lai Vung lần thứ I; Lễ hội vía Bà chúa xứ Gò Tháp năm 2023… Qua đó, góp phần quảng bá hình ảnh về vùng đất, văn hóa, tiềm năng du lịch của Đồng Tháp tới đông đảo du khách, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Tỉnh còn tổ chức đoàn tham gia quảng bá, xúc tiến du lịch tại các sự kiện như: Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội; Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Đồng bằng sông Cửu Long với các tỉnh, thành miền Trung tại Đà Nẵng; Hội chợ du lịch quốc tế TP.HCM - ITE HCMC 2023; Tuần lễ Văn hóa, Du lịch - Liên hoan ẩm thực Nam Bộ gắn với Lễ hội Ok Om Bok tỉnh Trà Vinh năm 2023…

Phối hợp với các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM xây dựng, kết nối các tour, tuyến liên tỉnh nhằm tăng cường sự liên kết hợp tác phát triển du lịch.

Công tác xúc tiến đầu tư cũng được tỉnh Đồng Tháp tích cực triển khai bằng nhiều hình thức, nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu và đăng ký đầu tư tại địa phương. Đặc biệt, tỉnh tổ chức thành công Hội nghị hợp tác thương mại và đầu tư giữa Ấn Độ và Đồng tháp năm 2023 tại TP. Cao Lãnh. Hội nghị thu hút 400 đại biểu, trong đó có 159 đại biểu là doanh nghiệp, nhà đầu tư Ấn Độ.

Tại Hội nghị, các doanh nghiệp, nhà đầu tư Ấn Độ trực tiếp kết nối thương mại với các doanh nghiệp Đồng Tháp và đi khảo sát một số khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh để quyết định lập dự án đầu tư.

Vào cuối tháng 11 vừa qua, tỉnh cũng tổ chức thành công Hội nghị hợp tác đầu tư và thương mại giữa tỉnh Đồng Tháp và doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM, với sự tham dự của hơn 200 đại biểu, trong đó có khoảng 50 doanh nghiệp, nhà đầu tư, các hội - hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản và Đồng Tháp, nhằm giới thiệu tiềm năng, lợi thế của tỉnh và đề xuất hợp tác với đối tác Nhật Bản trên các lĩnh vực mà địa phương có thế mạnh.

Tin bài liên quan