Kinh tế đang hồi phục tốt, nhưng vẫn còn nhiều thách thức chờ đợi nửa cuối năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nửa đầu năm 2022, nền kinh tế Việt Nam ghi nhận nhiều điểm sáng. Tuy nhiên, các chuyên gia nhìn nhận, vẫn còn nhiều thách thức chờ đợi trong nửa cuối năm.
Kinh tế đang hồi phục tốt, nhưng vẫn còn nhiều thách thức chờ đợi nửa cuối năm 2022

Điểm sáng tăng trưởng

Kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi tốt với tốc độ tăng trưởng GDP quý II/2022 đạt 7,72%, cao nhất từ năm 2011 đến nay. Động lực chính cho sự tăng trưởng là ngành công nghiệp chế biến - chế tạo, đóng góp 2,58 điểm phần trăm cho tốc độ tăng trưởng trên. Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2022 tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước, tính riêng quý II đạt 10,8%. Lĩnh vực dịch vụ cũng song hành với đà phục hồi tốt với tốc độ tăng trưởng là 6,6%.

Xu hướng tích cực còn thể hiện ở lĩnh vực xuất - nhập khẩu. Tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu 6 tháng đạt 371,1 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước và cán cân thương mại thặng dư 710 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 185,9 tỷ USD, tăng 17,3%; kim ngạch nhập khẩu đạt 185,2 tỷ USD, tăng 15,5%; riêng nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 94% kim ngạch.

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Hoàng Hải Ninh, giảng viên bộ môn Kinh tế đầu tư, Khoa Kinh tế, Học viện Tài chính đánh giá, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều biến động mạnh, rủi ro như hiện nay, có thể thấy tình hình kinh tế Việt Nam trong nửa đầu năm nay là khá tích cực với con số 6,42%, con số này cao hơn tốc độ tăng năm liền trước khi nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo ông Ninh, kết quả này đến từ việc Chính phủ đã triển khai đồng bộ các chính sách linh hoạt, phù hợp trong điều hành kinh tế, đồng thời, các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp giúp khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội, mở cửa du lịch được thực thi, nền kinh tế nước ta 6 tháng đầu năm tiếp tục phục hồi mạnh mẽ ở hầu hết các ngành, lĩnh vực.

“Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt cùng với các chính sách hỗ trợ tiếp tục được cụ thể hóa tạo điều kiện cho kinh tế phục hồi. Điều này làm cho cuộc sống dân cư được ổn định, các doanh nghiệp có cơ sở, điều kiện để phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phục hồi nền kinh tế”, ông Ninh nói.

Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ 6 tháng mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị phấn đấu GDP năm nay đạt mục tiêu tăng 7%, cao hơn 0,5 điểm phần trăm so với mục tiêu Quốc hội giao và Chính phủ đề ra, với mong muốn tạo động lực tăng trưởng kinh tế cho năm tới.

Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra hai kịch bản tăng trưởng kinh tế nửa cuối năm 2022. Kịch bản 1: GDP quý III và quý IV cần tăng 7,9% và 5,5% để mục tiêu cả năm nay GDP tăng trưởng 6,5%. Kịch bản 2: GDP quý III và quý IV cần tăng 9% và 6,3% để GDP cả năm tăng 7%.

Nhiều thách thức cho nửa cuối năm

Theo giới chuyên gia, để đạt được mục tiêu đã đặt ra, từ nay đến cuối năm 2022, nền kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức lớn.

Tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022: Cải cách và phát triển bền vững” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức mới đây, ông Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhìn nhận, nền kinh tế Việt Nam có độ mở 200% nên khi thế giới gặp bất trắc, bất ổn, bất định, thì kinh tế Việt Nam cũng chịu tác động nặng nề.

Cuộc xung đột Nga - Ukraine đến nay vẫn chưa rõ khi nào mới chấm dứt và sẽ có những diễn biến ra sao, trong khi suy thoái đang đe dọa xuất hiện ở một số nền kinh tế, nên Việt Nam cần phải theo dõi sát sao.

Điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ cần theo dõi chặt chẽ, linh hoạt, nhưng phải nhìn nhận thực tế là dư địa can thiệp không còn nhiều

Ông Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Hiện nay, sự suy thoái kinh tế kỹ thuật ở một số nền kinh tế trên thế giới đã xuất hiện. Lạm phát cùng với suy thoái sẽ ảnh hưởng đến kênh xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt, ông Tuấn cho biết tình trạng hủy đơn hàng đã xuất hiện ở một vài doanh nghiệp.

“Điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ cần theo dõi chặt chẽ, linh hoạt, nhưng phải nhìn nhận thực tế là dư địa can thiệp không còn nhiều, nhất là khi bối cảnh kinh tế thế giới rất phức tạp. Theo tôi, ưu tiên thời điểm này là khôi phục tăng trưởng, nên chỉ tiêu lạm phát có thể nới ở mức phù hợp, dưới 5%, để có dư địa thực hiện các giải pháp phục hồi kinh tế ngay năm nay”, ông Bùi Quang Tuấn nêu quan điểm.

Còn ông Hoàng Hải Ninh dự báo, áp lực lạm phát đang có xu hướng gia tăng. Hiện nay, lạm phát toàn cầu tăng cao, CPI bình quân 6 tháng đầu năm của Việt Nam tăng 2,44% chủ yếu là do giá cả như: xăng dầu, khí đốt, nguyên vật liệu, logistics và nhu cầu du lịch, ăn uống, đi lại… đều tăng. Lạm phát cơ bản tăng 1,25% cho thấy lạm phát tăng chủ yếu là do yếu tố giá cả trong điều kiện vòng quay tiền vẫn ở mức thấp (chỉ khoảng 0,4 lần trong 6 tháng đầu năm).

Bên cạnh đó, tình hình quốc tế diễn biến phức tạp có thể tác động tiêu cực đến kinh tế trong nước. Dẫn chứng là các biến chủng mới vẫn tiếp tục phát sinh và lây lan có nguy cơ tái bùng phát những đợt dịch mới. Tình hình căng thẳng Nga - Ukraine kéo dài khiến giá cả, lạm phát không thể sớm điều chỉnh giảm. Nhiều quốc gia đã phải điều chỉnh chính sách tài khóa, tiền tệ theo hướng thắt chặt nhằm kiểm soát lạm phát, kéo theo sự tăng trưởng, phục hồi chậm, nguy cơ khủng hoảng lương thực và năng lượng gia tăng.

Trong khi đó, Trung Quốc vẫn đang tiến hành cơ cấu lại nền kinh tế và tiếp tục theo đuổi chiến lược Zero-Covid sẽ làm giảm sức cầu thương mại, đầu tư, du lịch và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Mặt khác, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới có thể bị ảnh hưởng đáng kể do một số nguyên nhân như: sức cầu hàng hóa tiêu dùng giảm trong bối cảnh bất định tăng, lạm phát tăng; lãi suất tăng khiến vay tiêu dùng, hoạt động đầu tư - kinh doanh của doanh nghiệp giảm và tình trạng đứt gãy nguồn cung còn diễn ra, khiến nguyên vật liệu đầu vào bị thiếu hoặc tăng giá.

Cuối cùng là biến động tỷ giá của các ngoại tệ mạnh. Ông Ninh cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều biến động ít nhiều sẽ tác động tới nền kinh tế Việt Nam cũng như tới tỷ giá VND/USD, nhưng sẽ ở những mức độ khác nhau.

“Việc các ngân hàng trung ương trên thế giới thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ làm tăng lãi suất cho vay (bằng đồng USD hay các ngoại tệ khác), từ đó làm giảm nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng như làm suy yếu nhu cầu mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp. Việc lãi suất đồng USD tăng cũng gây áp lực lên nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam”, ông Ninh phân tích.

Còn lãi suất huy động (bằng VND) sẽ chịu áp lực tăng và có xu hướng tiếp tục tăng từ nay đến cuối năm 2022 do lãi suất USD tăng và áp lực lạm phát tại Việt Nam tăng trong những quý tới. Tuy nhiên, mức tăng được dự báo sẽ không lớn, khoảng 30 - 50 điểm cơ bản cho cả năm 2022.

Đối với tỷ giá VND/USD, ông Ninh đánh giá, có xu hướng biến động tăng nhưng mức độ không quá lớn. Điều này là do một số nguyên nhân như Việt Nam duy trì chính sách tỷ giá ổn định trong cả giai đoạn USD giảm giá. Do đó, khi USD tăng giá, chúng ta không cần điều chỉnh tỷ giá với biên độ lớn như các nước xung quanh.

Tin bài liên quan