Kinh tế có thể tăng trưởng 7% nếu khơi thông ngay các nguồn lực hiện hữu

0:00 / 0:00
0:00
Nhận định về kịch bản tăng trưởng kinh tế cao 7% trong năm 2024 mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Chính phủ, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, cần ưu tiên các giải pháp khơi thông mạnh mẽ nguồn lực và khai thác hiệu quả cơ hội hiện hữu.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Thưa ông, kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Chính phủ về lựa chọn kịch bản điều hành cao đang gửi đi những thông điệp tích cực. Con số này cao hơn khá nhiều so với dự báo 6-6,3% của nhiều tổ chức quốc tế về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024. Ông suy nghĩ thế nào về kịch bản này?

Trước hết, phải hiểu kịch bản tăng trưởng mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra không phải là dự báo tăng trưởng như các tổ chức quốc tế, trong nước đưa ra, mà là kịch bản điều hành của Chính phủ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra 2 kịch bản: một là tăng trưởng cả năm đạt 6,5%, mức cận trên của mục tiêu Quốc hội giao; hai là tăng trưởng cả năm đạt 7%, cao hơn kịch bản tại Nghị quyết 01/2024/NQ-CP.

Đáng nói là, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Chính phủ chọn kịch bản cao. Tôi đánh giá cao việc lựa chọn kịch bản cao và điều này thể hiện quyết tâm rất cao của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ trong điều hành, vì đồng nghĩa sẽ có những giải pháp, liều lượng, mức độ đủ mạnh, rồi các giải pháp bổ sung cho 6 tháng cuối năm.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, đây là kịch bản tăng trưởng có điều kiện, chứ không phải đơn giản là tự nhiên theo chu kỳ quý III, quý IV thường tăng trưởng cao hơn các quý đầu năm. Tất nhiên, cơ sở của kịch bản cao là có. Đó là bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều diễn biến tích cực, kinh tế vĩ mô trong nước ổn định, niềm tin kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài với Việt Nam cải thiện đáng kể...

Nhưng đi sâu vào số liệu, thì có những thách thức. Tăng trưởng của từng ngành, từng địa phương chưa đồng đều. Có ngành phục hồi tích cực, như sản xuất điện tử...; có ngành mới có dấu hiệu phục hồi và có ngành chỉ dừng lại ở thế giảm bớt khó khăn, như sản xuất phương tiện vận tải... Tương tự, có địa phương duy trì tăng trưởng cao, nhưng nhiều địa phương, thậm chí những địa phương từng là động lực tăng trưởng, lại chậm lại rõ rệt.

Kết quả điều tra về các yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng cho thấy, khó khăn giảm đi không nhiều so với năm ngoái. Đặc biệt, khi đơn hàng vừa trở lại thì khó khăn về tuyển dụng lao động, về nguồn cung nguyên vật liệu lại nổi lên. Chưa kể, áp lực chi phí gia tăng đáng kể khi giá cả, lãi suất, tỷ giá đang chịu nhiều sức ép ở các tháng cuối năm, sự đình trệ trong hoạt động của nhiều dự án. Những tồn tại về trái phiếu doanh nghiệp, phòng cháy, chữa cháy, hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT)... vẫn còn.

Về tình hình doanh nghiệp, dù số liệu đã đảo chiều, với số doanh nghiệp gia nhập và trở lại thị trường cao hơn số doanh nghiệp rút lui trong 6 tháng đầu năm, nhưng sức còn yếu và chưa thể trở lại vai trò là động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế trong năm nay...

Trong các giải pháp để thực hiện được kịch bản cao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Chính phủ tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ và làm mới các động lực tăng trưởng về đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng và khai thác tối đa các động lực tăng trưởng mới từ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh... Những giải pháp này có hóa giải được các thách thức mà ông vừa đề cập?

Trước tiên, phải nhấn mạnh, kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm đang bám rất sát định hướng điều hành kinh tế năm nay của Quốc hội, Chính phủ là ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô. Các dấu hiệu tăng trưởng, phục hồi hay giảm bớt khó khăn đang là dư địa rất tốt để Chính phủ tiếp tục giữ quan điểm điều hành này trong các tháng cuối năm.

Tuy nhiên, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP theo quyết nghị của Quốc hội là 6,5%, chứ chưa nói đến 7%, đang rất thách thức, như nêu ở trên. Tôi cho rằng, Chính phủ đã biết. Các báo cáo của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đều chỉ rõ thách thức và theo đó, nhiều giải pháp đang được đưa ra, có giải pháp trước mắt, có giải pháp lâu dài.

Song ở thời điểm này, tôi muốn ưu tiên và tập trung các giải pháp khơi thông kịp thời và tận dụng hiệu quả hơn các nguồn lực và cơ hội chúng ta đang có. Thử nhìn lại, ta có nhiều nguồn lực và cơ hội hiện hữu có thể đóng góp vào tăng trưởng ngay trong các tháng cuối năm, cũng như năm tới.

Trước hết là về đầu tư công. Trong dịch bệnh và giai đoạn phục hồi, với Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội, đầu tư công thực sự là động lực tăng trưởng khi các khu vực kinh tế khác bị dừng lại, đình trệ. Năm nay và nhất là năm tới, khi Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội kết thúc, đầu tư công dần trở về quỹ đạo bình thường trong vai trò là vốn mồi, nguồn vốn đầu tư quan trọng tạo lập nền tảng về cơ sở hạ tầng, hỗ trợ đầu tư tư nhân, đầu tư FDI...

Như vậy, nếu lúc này tận dụng hiệu quả và thực hiện đúng, đầy đủ hơn kế hoạch đầu tư công trong năm nay, sẽ đóng góp lớn cho tăng trưởng. Chậm có nghĩa là không hiệu quả, nhất là ở góc độ đóng góp vào tăng trưởng ngay trong năm nay, tạo tiền đề cho tăng trưởng năm tới. Hay như chương trình phát triển hơn 1 triệu căn nhà ở xã hội - đây vừa là cơ hội và động lực tăng trưởng, vừa có mục tiêu xã hội rất lớn, nhưng kết quả thực hiện vẫn còn hạn chế, khó khăn, bất cập, chưa như mong muốn và kỳ vọng.

Về khơi thông nguồn lực, với các dự án đầu tư dở dang của khu vực tư nhân, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản, gỡ được khó khăn, vướng mắc càng sớm, thì đóng góp vào phục hồi và tăng trưởng càng nhanh, tỷ lệ rất đáng kể. Thực tế, nguồn lực và cơ hội đầu tư của khu vực tư nhân bị ách tắc ở đây rất lớn. 6 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng đầu tư tư nhân dù có cải thiện rất đáng kể (6,7% so với mức 1,8% của cùng kỳ năm 2023), nhưng vẫn thấp, chỉ bằng một nửa so với các năm trước dịch bệnh.

Thưa ông, giải pháp tháo gỡ ách tắc cho các dự án đầu tư được Chính phủ đặc biệt quan tâm, với hoạt động của các tổ công tác ở Trung ương và địa phương... Liệu có cần lưu ý thêm điều gì không?

Đúng là Chính phủ đã rất quyết liệt, quyết tâm giải quyết và kết quả đạt được đã có. Ví dụ, việc áp dụng sớm Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản được kỳ vọng sẽ tháo gỡ vướng mắc cho nhiều dự án. Song Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần nỗ lực và đảm bảo ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn, nâng cao hiệu quả thực thi.

Song song với phát triển dự án mới, cần xử lý, tháo gỡ kịp thời, hiệu quả các dự án tồn đọng. Quốc hội đang thực hiện giám sát thị trường bất động sản và nhà ở xã hội để tìm thêm giải pháp gỡ khó. Ngoài ra, dù đã có nhiều biện pháp, nhưng cũng có các dự án chậm đi vào hoạt động do vướng thủ tục về phòng cháy, chữa cháy, phải có cách nào để sớm xử lý dứt điểm, khơi thông nguồn lực này.

Để tháo gỡ hiệu quả các khó khăn, cần tính tới giải pháp đột phá, nhưng dễ thực hiện, thực hiện được nhanh, như việc tự động gia hạn thời gian triển khai dự án bằng thời gian dịch bệnh (thêm 3 - 5 năm) sẽ tạo thuận lợi cho nhà đầu tư tiếp tục triển khai dự án, vừa để giảm áp lực thực thi, chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp và cơ quan nhà nước trong giải quyết thủ tục. Chúng ta đã có thực tiễn và kết quả cho thấy, các giải pháp “tự động thực hiện” luôn có tác động tích cực, hiệu quả ngay. Bài học thấy rõ từ quyết định gia hạn tự động đăng kiểm phương tiện vận tải, hỗ trợ người lao động trong đại dịch...

Quốc hội, Chính phủ đã thực thi nhiều biện pháp hỗ trợ chi phí cho doanh nghiệp, như kéo dài thời gian giảm 2% thuế suất thuế VAT; tiếp tục giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho doanh nghiệp, người dân; giảm mức thu đối với khoảng 36 khoản phí, lệ phí...

Tuy nhiên, tôi nhấn mạnh đến yêu cầu thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về cải cách thể chế, đảm bảo hiệu quả thực thi, giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, chi phí tuân thủ quá lớn và có thể giảm được; nếu rà soát và kiểm soát tốt chi phí này, bãi bỏ những chi phí không hợp lý, thì doanh nghiệp có thêm nguồn lực, cơ hội để trở lại, phục hồi, như khoản tiền ký quỹ nhập khẩu phế liệu giấy, thép... (trong nền kinh tế tuần hoàn, đây không nên coi là phế liệu nữa).

Cuối cùng, phải nhắc tới giải pháp hiệu quả trong thúc đẩy thực thi công vụ. Tôi cho đây là một vấn đề quan trọng.

Thực tế, trong số nguyên nhân khiến các dự án đang triển khai bị ngưng trệ, có lý do từ các quyết định rà soát lại quy trình, thủ tục của các cơ quan quản lý? Ông nhìn nhận thế nào về việc này?

Tôi đã chia sẻ nhiều lần về điều này. Trong một số trường hợp có thể cần thiết, nhưng cần phải có nguyên tắc nhất định. Việc rà soát, đánh giá các hoạt động công vụ đã thực hiện phải đảm bảo nguyên tắc không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của hoạt động công vụ, cũng như hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Trong thời điểm hiện nay, yêu cầu này càng cần phải nhấn mạnh. Phải đặt mục tiêu rà soát là để hỗ trợ, để khơi thông các nguồn lực, tăng cường hiệu quả các nguồn lực, chứ không phải lại làm đình trệ dự án, đình trệ hoạt động. Làm rõ như vậy sẽ có giải pháp và ứng xử phù hợp.

Thêm nữa, trong quá trình rà soát, tôi đề xuất xem xét các giải pháp hỗ trợ theo hướng “tự động” như tôi đã gợi ý bên trên. Điều quan trọng, yêu cầu, nguyên tắc rà soát này đòi hỏi thống nhất về nhận thức, trách nhiệm, nỗ lực rất lớn đội ngũ công chức, các cơ quan thực thi công vụ của các cấp, các ngành.

Tin bài liên quan