Bên trong Sàn chứng khoán Frankfurt, Đức. Ảnh: Reuters
Bất chấp bối cảnh kinh tế khó khăn của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), chỉ số chứng khoán Stoxx 600 toàn châu Âu kết thúc năm 2023 với mức tăng hơn 12,6% với kỳ vọng cao về động thái nới lỏng chính sách tiền tệ đáng kể trong năm 2024 từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Các chỉ số chứng khoán lớn của châu Âu và thế giới đều đã khởi đầu năm 2024 với sóng gió nhiều hơn khi chờ đợi những đợt công bố số liệu kinh tế và tín hiệu mới từ các nhà hoạch định chính sách tiền tệ.
Thị trường chứng khoán toàn cầu phục hồi trong hai tháng cuối năm 2023, khi lợi suất trái phiếu giảm do kỳ vọng Fed và ECB sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào đầu năm 2024.
ECB đến nay vẫn chưa phát tín hiệu cho bất kỳ động thái nới lỏng chính sách tiền tệ sắp tới, ngay cả khi thị trường đang định giá với kỳ vọng đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng 3 tới.
Dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2023 tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước, nhưng cả lạm phát cơ bản và toàn phần của khu vực Eurozone vẫn có xu hướng giảm sau khi “hạ nhiệt”nhiều hơn dự kiến trong những tháng gần đây.
"Trong khi tăng trưởng tiền lương vẫn ổn định và thị trường lao động vẫn vững vàng, chúng tôi kỳ vọng cả hai sẽ giảm nhẹ vào năm 2024 còn lạm phát cơ bản sẽ tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái vào [quý IV/2024], sớm hơn nhiều so với dự tính của ECB", ông Jari Stehn, nhà kinh tế trưởng châu Âu tại Goldman Sachs (Mỹ), nhận định.
"Do đó, chúng tôi nhận thấy việc cắt giảm lãi suất cơ bản sớm hơn và nhanh hơn so với thông báo gần đây của Hội đồng thống đốc (Ngân hàng Trung ương châu âu - BTV)", ông Stehn nói thêm.
Goldman Sachs dự đoán châu Âu sẽ tiến hành đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng 4 tới, sau đó là giảm 25 điểm cơ bản tại mỗi cuộc họp chính sách cho đến khi lãi suất đạt 2,25% vào đầu năm 2025. Như vậy, sẽ có 6 đợt cắt giảm lãi suất với tổng số 150 điểm cơ bản trong năm 2024.
Ngân hàng Deutsche (Đức) cũng có một số nhận định tương đồng về chính sách tiền tệ của ECB. Ngân hàng này cho rằng nền kinh tế châu Âu sẽ bắt đầu quá trình chuyển đổi sang tăng trưởng vào năm 2024, nhưng "sẽ không đạt được trạng thái cân bằng mới".
"Hướng đi là tích cực. Chúng tôi nhận thấy nền kinh tế châu Âu bắt đầu năm mới trong tình trạng suy thoái nhẹ/đình trệ trên diện rộng nhưng sẽ tăng trưởng trở lại vào nửa cuối năm 2024", ông Mark Wall, nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng Deutsche, cho biết.
Ông Wall nói thêm: "Chúng tôi kỳ vọng lạm phát sẽ giảm nhanh chóng về mục tiêu đề ra khi các cú sốc nguồn cung tan biến và ECB sẽ nhanh chóng bắt đầu cắt giảm lãi suất".
Tuy nhiên, ngân hàng Deutsche lưu ý rằng những tác động mang tính cơ cấu của đại dịch Covid-19, chiến sự Nga - Ukraine, căng thẳng địa chính trị, biến đổi khí hậu và quá trình chuyển đổi xanh vẫn không chắc chắn trong trung và dài hạn, làm hạn chế tầm nhìn về quỹ đạo tăng trưởng và lạm phát sau năm nay.
Theo các nhà kinh tế của Deutsche Bank, cơ chế truyền động chính sách tiền tệ, thị trường lao động và khả năng cạnh tranh là ba yếu tố chính sẽ tác động đến hướng đi của nền kinh tế châu Âu và các thị trường của khu vực này.
Ông Wall lưu ý rằng có một số dấu hiệu cho thấy việc truyền động chính sách tiền tệ tới các ngân hàng ở châu Âu "bắt đầu đạt đỉnh", nhưng sự xuất hiện của các yếu tố khác làm tăng sự không chắc chắn cho nhận định này.
Nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng Deutsche cho rằng: "Việc tích luỹ việc làm mạnh hay yếu sẽ quyết định liệu thị trường lao động có nhiều khả năng là lực cản tăng trưởng hay thúc đẩy lạm phát không - chúng tôi nghĩ rằng khả năng đầu cao hơn khả năng sau".
Trong khi đó, "khả năng cạnh tranh đã giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại mặc dù giá xăng đã giảm bớt phần lớn cú sốc chiến sự. Điều này cho thấy một vấn đề bền vững phức tạp và có phạm vi rộng", ông Wall nói thêm.
Ngoài ra, nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng Deutsche cũng lưu ý cuộc bầu cử năm 2024 sẽ quyết định chính sách của chính phủ ứng phó với tình trạng khó khăn này như thế nào.
Theo các nhà chiến lược chứng khoán châu Âu tại tập đoàn dịch vụ tài chính Barclays (Vương quốc Anh), đợt phục hồi của tài sản rủi ro trong quý IV/2023 đã đưa thị trường chứng khoán châu Âu từ "bán tháo quá mức sang mua vào quá mức" và chuyển tâm lý từ "chán nản trong tháng 10 sang hưng phấn vào cuối năm".
"Trong ngắn hạn, các thị trường có thể được hưởng lợi từ một số thương vụ hợp nhất kinh doanh lành mạnh, nhưng do thị trường ngày càng chấp nhận rộng rãi khả năng hạ cánh mềm và khả năng cắt giảm lãi suất vào năm 2024 (ở EU nhiều hơn ở Mỹ), cũng như quan điểm chung vẫn thận trọng, chúng tôi nhận thấy triển vọng các thị trường vẫn tích cực trong năm 2024", ông Emmanuel Cau, trưởng Bộ phận chiến lược thị trường vốn châu Âu tại Barclays cùng các cộng sự, nhận xét.