Giá dầu rẻ và việc triển khai chương trình nới lỏng định lượng (QE) trị giá 1.100 tỷ euro của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) chính là hai xung lực lớn. Tuy nhiên, điều này không che dấu một thực tế là kinh tế châu Âu còn lâu nữa mới phục hồi hoàn toàn.
Có ba lý do để đưa ra nhận định nói trên. Thứ nhất, quy mô kinh tế Eurozone hiện vẫn nhỏ hơn so với giai đoạn trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Thứ hai, sự phát triển cua Eurozone đang chậm hơn 4 năm so với Mỹ, khi nền kinh tế lớn nhất thế giới bắt đầu phục hồi số GDP đã mất trong giai đoạn khủng hoảng kể từ cuối năm 2011. Và thứ ba, châu Âu vẫn cần thêm thời gian sau gần 8 năm kinh tế đình trệ. Ước tính, GDP của Eurone đạt khoảng 2.434 tỷ euro trong ba tháng đầu năm nay, thấp hơn khoảng 1,5% so với mức tương ứng 2.472 tỷ euro trong quý I/2008.
Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại Moody's Analytics cho rằng, có thể đến quý I/2016 GDP của Eurozone mới tiệm cận mức của năm 2008. Bên cạnh đó, để giảm tỷ lệ thất nghiệp từ mức 11,3% hiện nay, Eurozone sẽ cần nhiều thời gian, có thể từ 4 - 5 năm nữa. Trên cơ sở đó, để phục hồi hoàn toàn, châu Âu có thể trải qua một “thập kỷ mất mát” và có thể hơn thế nữa. “Điều này là rất đáng thất vọng”, ông Zandi nói.
Một số quốc gia châu Âu như Ireland, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Cộng hòa Síp gặp rắc rối với khoản nợ quá lớn và buộc phải nhận cứu trợ tài chính từ các nước khác, dẫn đầu là Đức. Trong khi đó, điều kiện để nhận các gói cho vay này rất khắc nghiệt, đặc biệt là những yêu cầu “thắt lưng buộc bụng” trong nước, cắt giảm chi tiêu hay tăng thuế để hạn chế thâm hụt ngân sách. Kết quả là, “thắt lưng buộc bụng” quá mức đã đè nặng lên tăng trưởng, công chức nhà nước mất việc và người về hưu bị cắt giảm lương hưu.
Một số chính phủ đã nhận ra những hạn chế trên và quyết định nới lỏng các biện pháp “khắc khổ”. Chuyên gia Zandi dự đoán, chính sách tài khóa thắt chặt có thể khiến tăng trưởng chung của Eurozone sụt giảm 0,4 điểm phần tram trong năm nay và 0,2 điểm phần trăm năm 2016.
Trong khi nhiều chính phủ phải theo đuổi thắt chặt tiền tệ, thì ECB lại chọn hướng nới lỏng, cắt giảm thêm lãi suất và bơm tiền ồ ạt vào nền kinh tế và các ngân hàng thương mại thông qua chương trình QE. Vấn đề là nhiều ngân hàng lại không đủ tiêu chuẩn để tham gia vào chương trình mua trái phiếu của ECB, ngay cả tại Tây Ban Nha và Italia, qua đó hạn chế khả năng mở rộng tín dụng tới các doanh nghiệp đói vốn.
Nhà kinh tế về Eurozone tại UniCredit, ồn Marco Valli cho rằng, những yếu tố nói trên kết hợp cùng chính sách thắt chặt tài khóa sẽ tác động hơn nữa tới kinh tế Eurozone. Để theo đuổi một chính sách tài khóa vững chắc tại các quốc gia “gặp vấn đề” trong khối, Eurozone phải trả giá bằng sự sụt giảm tăng trưởng GDP. Dù QE được triển khai để kích thích tăng trưởng trở lại, song nó được tung ra khá muộn, do đó hiệu ứng tích cực từ giải pháp này cần phải có thời gian để nền kinh tế hấp thụ.
Chủ đề Hy Lạp có ra khỏi Eurozone hay nước này có rơi vào tình trạng vỡ nợ hay không khiến báo chí tốn nhiều giấy mực thời gian qua, song Eurozone cũng không nên bỏ qua một đầu tàu khác là Italia. Quy mô kinh tế “đất nước hình chiếc ủng” vẫn thấp hơn 10% so với giai đoạn trước khủng hoảng. Thực tế là Italia chưa thể hiện được diện mạo kinh tế bền vững và tăng trưởng mạnh kể từ khi gia nhập Eurozone năm 1999, khi quốc gia này không thể phá giá đồng nội tệ như trước kia để tạo lợi thế xuất khẩu.
Mặt khác, sự không ổn định chính trị khi liên tiếp các chính phủ kế nhiệm nhau đã trì hoãn những nỗ lực tạo bước đột phá trên thị trường lao động, cải cách hành chính và tham nhũng. Khi một nền kinh tế lớn trong Eurozone như Italia đình trệ, tất nhiên sẽ kéo tụt tăng trưởng nói chung của cả khối.