Sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới, hoạt động xuất khẩu và mua hàng đều đã tăng trở lại. Ảnh: Đức Thanh
“Lỡ hẹn” 4 chỉ tiêu kinh tế - xã hội
Con số cuối cùng chỉ được chốt vào những ngày cuối năm, nhưng ở thời điểm này, bức tranh toàn cảnh của kinh tế Việt Nam trong năm 2023 đã được khắc họa khá rõ nét.
Báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 8/2023 mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự ước, có 10/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 sẽ đạt mục tiêu đề ra; 4 chỉ tiêu không đạt và 1 chỉ tiêu - tăng trưởng GDP - vẫn đang được “để ngỏ”. Với riêng chỉ tiêu này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sẽ phấn đấu đạt mức cao nhất có thể.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, việc vẫn có 10/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đạt mục tiêu đề ra là một nỗ lực lớn. Tuy vậy, các chỉ tiêu không đạt, bao gồm GDP bình quân đầu người; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP; tốc độ tăng năng suất lao động; tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội, đều là các chỉ tiêu quan trọng, phản ánh “sức khỏe” của nền kinh tế.
Chưa kể, việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm nay đang là một thách thức lớn. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng mặc dù nhận định rằng, nền kinh tế đang dần lấy lại đà tăng trưởng, quý sau cao hơn quý trước, tạo đà cho quý III và cả năm, song cũng rất thẳng thắn cho biết, khó khăn không thể chuyển biến nhanh trong “một sớm, một chiều”.
Có nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô 8 tháng cho thấy, nền kinh tế vẫn đang đối mặt với khó khăn rất lớn. 8 tháng, xuất khẩu vẫn giảm 10%, nhập khẩu giảm 16,2%; Chỉ số Sản xuất công nghiệp (IIP) vẫn giảm 0,4% so với cùng kỳ… Trong khi đó, tín dụng vẫn tăng thấp; số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động vẫn tăng cao… Chưa kể, tăng trưởng đầu tư của doanh nghiệp đang chậm lại, thiếu các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo quy mô lớn. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới tăng trưởng trong ngắn hạn, mà còn cả trong tăng năng lực cho nền kinh tế trong trung và dài hạn…
“Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm mới đạt 3,72%. Đây là mức tăng trưởng không chỉ thấp hơn so với mục tiêu đề ra, mà còn thấp hơn cả so với kịch bản tăng trưởng trong Nghị quyết 01 của Chính phủ. Điều này đặt ra nhiệm vụ nặng nề cho những tháng cuối năm, vì muốn đạt các mục tiêu đề ra, thì hai quý cuối năm phải tăng trưởng khá cao, có thể là 7-8%, hoặc cao hơn, lên tới hơn 9%, tùy từng kịch bản tăng trưởng”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết như vậy.
Thực tế, sau khi con số tăng trưởng nửa đầu năm 3,72% được công bố, nhiều dự báo cho rằng, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay khó có thể đạt mục tiêu đề ra. Đơn cử, trong báo cáo kinh tế vĩ mô cập nhật tháng 8/2023, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt 4,7% trong năm nay.
Dù xác định là khó khăn, song Chính phủ Việt Nam vẫn quyết tâm nỗ lực để đạt mức cao nhất. Trong Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8/2023, vừa được ban hành, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, chú trọng ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất - kinh doanh…
Củng cố động lực để thúc đẩy tăng trưởng
Có một thông tin tích cực về nền kinh tế, đó là Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam trong tháng 8/2023, theo công bố mới đây của S&P Global, đã tăng lên 50,5 điểm, sau 6 tháng liên tục ở dưới ngưỡng 50 điểm. Điều này cho thấy, sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tăng trở lại.
“Chỉ số PMI mới của ngành sản xuất của Việt Nam vẽ một bức tranh tươi sáng hơn về sức khỏe của ngành này so với những tháng gần đây, với sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới, hoạt động xuất khẩu và hoạt động mua hàng đều tăng trở lại”, ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence nói.
Tuy vậy, chính ông Andrew Harker cũng cho rằng, sự cải thiện nói chung vẫn còn yếu khi lực cầu vẫn còn mỏng manh. Do đó, có thể “còn quá sớm khi nói rằng ngành sản xuất đã ở trạng thái phục hồi trọn vẹn”.
Có chung quan điểm, trong văn bản được gửi tới Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023, dự kiến tổ chức trong tuần tới, ông Phạm Thế Anh (Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng, nhìn chung, kinh tế Việt Nam đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất, nhưng tốc độ tăng trưởng còn rất thấp so với điều kiện bình thường và tình trạng này có nguy cơ kéo dài.
Theo ông Phạm Thế Anh, khu vực công nghiệp, đặc biệt là sản xuất chế biến, chế tạo phục vụ xuất khẩu và các ngành nghề liên quan đến thị trường bất động sản chịu ảnh hưởng mạnh nhất. Ở trong nước, các thành phần tổng cầu đều suy yếu. Trong khi đó, các đối tác thương mại lớn tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất cao, ít nhất là trong phần còn lại của năm.
“Với tình hình hiện tại, Việt Nam có thể sử dụng một số biện pháp chọn lọc hỗ trợ tổng cầu, nhưng cần kết hợp các chính sách cải thiện tổng cung tiềm năng. Các chính sách hỗ trợ này cũng cần phải đảm bảm 3 nguyên tắc: nhanh và kịp thời, để giảm độ trễ của các chính sách; chỉ thực hiện tạm thời, do nguồn lực hạn chế, tránh tác động phụ, và kích thích được sự phản ứng của doanh nghiệp và người tiêu dùng; đúng đối tượng”, ông Phạm Thế Anh đề xuất.
“Trong khi hầu hết các nước trên thế giới đang phải đối mặt với vấn đề thâm hụt ngân sách và nợ công tăng cao, phải bắt đầu tích lũy xây dựng lại đệm tài khóa sau đại dịch, thì Việt Nam đang có những thuận lợi nhất định về tài khóa”, ông Phạm Thế Anh nhấn mạnh.
Có những thuận lợi nhất định về tài khóa cũng là điều được nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước nhắc tới. Bởi lẽ, trong thời điểm hiện nay, chính sách tài khóa, các giải pháp thúc đẩy chi tiêu của Chính phủ, trong đó có đầu tư công, được coi một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế.
Cùng với đó, để nền kinh tế có thể đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất có thể, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, có thể “trông” vào 3 động lực tăng trưởng. Đó là tăng trưởng của khu vực dịch vụ; trụ đỡ nông nghiệp; và thị trường trong nước.
“Nếu Việt Nam có thể củng cố tốt hơn các động lực tăng trưởng hiện hữu và khai thác tốt hơn các động lực tăng trưởng mới, thì mức tăng trưởng trong năm 2023 và các năm tiếp theo có thể sẽ cao hơn”, chuyên gia Cấn Văn Lực bày tỏ.
Nhóm nghiên cứu của chuyên gia Cấn Văn Lực (Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV) đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng trong năm nay. Với kịch bản cơ sở, con số là 5,2 - 5,5%; với kịch bản tiêu cực, kinh tế thế giới suy thoái nặng hơn, thì mức tăng trưởng dự báo là 4,4-4,5%. Trong khi đó, với kịch bản tích cực, nếu kinh tế thế giới sớm phục hồi và Việt Nam khai thác được các động lực tăng trưởng mới, như chuyển đổi số, đẩy mạnh liên kết vùng với hai động lực chính là Hà Nội và TP.HCM, thì tăng trưởng GDP có thể đạt 5,5-6%.