Kinh tế Anh sẽ vượt qua bờ vực suy thoái thế nào?

Kinh tế Anh sẽ vượt qua bờ vực suy thoái thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nước Anh đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng trong nước trong phạm vi hạn chế sử dụng các biện pháp can thiệp tài chính để giải quyết các vấn đề này.

Đây là nhận định của ông Stephen Pickford, thành viên tư vấn cao cấp thuộc Chương trình Tài chính và kinh tế toàn cầu của Viện Nghiên cứu Hoàng gia Anh Chatham House.

Những thách thức lớn

Báo cáo mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trong tháng 4/2023 về nền kinh tế Anh cho biết có một số tin tốt đáng hoan nghênh. So với dự báo chỉ một tháng trước rằng nước Anh sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2023, hiện IMF dự báo mức tăng trưởng là 0,4% vào năm 2023.

Trong ngắn hạn, hiệu quả kinh tế của Anh được cho là vẫn ở mức thấp nhất trong số các nước công nghiệp hóa. Lạm phát vẫn ở mức cao kéo dài. Và về lâu dài, năng suất thấp sẽ vẫn là lực cản đối với tăng trưởng và mức sống của người dân.

Một số vấn đề ngắn hạn đã trở nên trầm trọng hơn do các vấn đề quốc tế, chẳng hạn như xung đột ở Ukraine và hậu quả là giá năng lượng và lương thực tăng cao, cũng như sự gián đoạn đối với chuỗi cung ứng toàn cầu trong đại dịch Covid-19. Trong khi ở Anh, dù tỷ lệ dân nhập cư tiếp tục tăng, nhưng nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn không thể tuyển dụng đủ lao động có kỹ năng chuyên môn.

Cũng có những dấu hiệu cho thấy lạm phát đã trở nên nghiêm trọng hơn ở Anh so với những nơi khác. Trái ngược với kỳ vọng của thị trường, lạm phát cơ bản của Anh đã tăng trong tháng Tư. BoE đã lưu ý rằng sự cạnh tranh ít hơn từ các công ty châu Âu đang cho phép các công ty Anh tăng giá. Người lao động yêu cầu tăng lương để phù hợp với mức lạm phát cao, điều đó đã làm trầm trọng thêm áp lực gia tăng từ tình trạng thiếu lao động.

Cuối cùng, các biện pháp trong ngân sách nhỏ (mini budget) của chính phủ cựu Thủ tướng Liz Truss vào mùa Thu năm 2022 đã gây thêm căng thẳng và bất ổn cho nền kinh tế Anh.

Mặc dù các biện pháp của “ngân sách nhỏ” bị đảo ngược và các biện pháp củng cố hơn nữa được đưa ra trong ngân sách tháng 3 năm nay, nhưng nợ công được Văn phòng Trách nhiệm ngân sách Anh (OBR) đưa ra dự báo sẽ vẫn tiếp tục tăng trong vòng 4 năm tới, thể hiện sự thiếu hụt dư địa tài chính mà chính phủ phải đối mặt.

Tiến thoái lưỡng nan về chính sách

Ưu tiên hiện tại của chính phủ Anh là giảm lạm phát xuống mức mục tiêu 2% và bắt đầu giảm thâm hụt ngân sách và nợ công. Những mục tiêu này nhằm giúp nền kinh tế phát triển nhanh hơn bằng cách tăng số người có việc làm.

Tình thế tiến thoái lưỡng nan về chính sách trong ngắn hạn là làm thế nào để giảm lạm phát mà không làm tổn hại đến tăng trưởng. Ưu tiên của “ngân sách nhỏ” mùa Thu năm 2022 là tăng trưởng, được tạo ra thông qua việc cắt giảm thuế, nhưng nỗ lực này đã không có tác dụng do phản ứng tiêu cực của thị trường. Ưu tiên hiện tại là nhanh chóng giảm lạm phát, điều này có nghĩa là cả chính sách tiền tệ và tài khóa sẽ phải thắt chặt trong một thời gian.

Thách thức dài hạn là năng suất lao động thấp. Cải thiện điều này là chìa khóa để tăng trưởng kinh tế bền vững theo thời gian, nhưng IMF ước tính tốc độ tăng trưởng của Anh chỉ là 1,5%/năm.

Hai động lực chính của tăng trưởng năng suất là cải thiện chất lượng của lực lượng lao động và nâng cao số lượng và chất lượng đầu tư sản xuất. Nhưng cả hai điều này đều không hề dễ thực hiện và cũng không thể đạt được nhanh chóng.

Tăng cường lực lượng lao động cũng đòi hỏi thời gian đào tạo và giáo dục, và có thể mất nhiều năm để mang lại kết quả. Tăng cường đầu tư có thể đạt được tiến bộ nhanh hơn, nhưng do phải thắt lưng buộc bụng trong nước, đầu tư có thể bị hạn chế trong hoàn cảnh hiện tại.

Một con đường nhanh hơn là thu hút vốn nước ngoài, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Điều này cũng có thể hiệu quả hơn, vì đầu tư nước ngoài thường mang theo công nghệ tiên tiến nhất và tăng cường cạnh tranh, thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước hoạt động hiệu quả và năng suất hơn.

Tình trạng phân mảnh địa kinh tế kéo dài và nóng lên

Ở Anh có nhiều điểm hấp dẫn với tư cách là điểm đến của FDI, nhưng việc Anh rời khỏi EU (Brexit) khiến nước này đã trở thành một lựa chọn kém hấp dẫn hơn do những hạn chế xuất khẩu sang EU.

Brexit, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc và xung đột Nga-Ukraine đã đặt ra thách thức đối với các mối quan hệ kinh tế và chính trị quốc tế. Nói rộng hơn, sự bất mãn ngày càng tăng của công chúng với toàn cầu hóa đang khuyến khích các chính sách hướng nội hơn.

Một ví dụ quan trọng là sự ra đời gần đây của Đạo luật Giảm phát thải (IRA) và Đạo luật CHIPS và khoa học ở Mỹ, cung cấp khoảng 400 tỷ USD tín dụng thuế, trợ cấp và cho vay để hỗ trợ ngành công nghiệp chất bán dẫn trong nước và sản xuất công nghệ xanh.

Mục tiêu chính là chống lại tầm quan trọng ngày càng tăng của Trung Quốc trong các lĩnh vực chiến lược, chẳng hạn như lĩnh vực chất bán dẫn và xe điện, đồng thời thu hút các nhà đầu tư nước ngoài và việc làm. EU cũng đang phát triển gói trợ cấp của riêng mình.

IMF cho rằng, sự phân mảnh này sẽ dẫn đến thiệt hại lớn về sản lượng và tác động lan tỏa tiêu cực đối với nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là đối với các quốc gia bị thiệt hại do đầu tư bị chuyển đi nơi khác.

Anh đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng trong nước với phạm vi hạn chế sử dụng các biện pháp can thiệp tài chính để giải quyết chúng. Nếu tình trạng phân mảnh địa kinh tế kéo dài và nóng lên, nó sẽ tác động ngày càng lớn đến quan hệ quốc tế, đảo ngược quá trình toàn cầu hóa và tác động tiêu cực đến mức sống của nhiều quốc gia.

Là một nền kinh tế mở, Anh có khả năng bị ảnh hưởng đặc biệt bởi các lực lượng này. Anh có thể cần phải đi theo sự dẫn dắt của Mỹ, EU và cung cấp thêm các khoản trợ cấp công nghiệp, ví dụ như đối với các nhà máy sản xuất pin hoặc thu hút các ngành công nghệ cao và năng lượng xanh.

Với nguồn tài chính hạn chế, có nghĩa là Anh sẽ phải xây dựng liên minh với các đối tác lớn hơn bao gồm hợp tác chặt chẽ hơn với EU và Mỹ về các vấn đề khoa học, công nghệ và các quy định hoặc có nguy cơ thua cuộc trong một môi trường toàn cầu đang phân mảnh.

Tin bài liên quan