Kinh tế 6 tháng cuối năm lạc quan trong thận trọng

0:00 / 0:00
0:00
Kinh tế Việt Nam tiếp tục bứt phá với tốc độ tăng trưởng 7,72% trong quý II/2022 - mức cao nhất kể từ năm 2011, góp phần thúc đẩy GDP trong 6 tháng đầu năm tăng 6,42%.

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, ông Lê Trung Hiếu cho rằng, kinh tế Việt Nam đã có bước đi thần kỳ, nhưng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn từ bên ngoài.

Ông Lê Trung Hiếu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.

Ông Lê Trung Hiếu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.

Hầu hết các định chế tài chính thế giới đều hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nhưng Việt Nam dường như là ngoại lệ. Theo ông, các định chế tài chính dựa vào những cơ sở nào để lạc quan về kinh tế Việt Nam?

Ngày 8/6/2022, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cảnh báo kinh tế thế giới sẽ phải chịu hậu quả nặng nề do ảnh hưởng của xung đột tại Ukraine, khiến giá năng lượng và thực phẩm tăng mạnh, đồng thời giảm dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 và nâng dự báo lạm phát.

Theo đó, OECD dự báo GDP toàn cầu tăng trưởng 3% trong năm 2022, giảm mạnh so với mức 4,5% được đưa ra trong dự báo tháng 12/2021.

Trong khi đó, Báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu, ngày 7/6, Ngân hàng Thế giới (WB) đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022, từ 4,1% còn 2,9%. Ở khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương, WB đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng GDP xuống 4,4%. Tuy nhiên, Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới được WB điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng GDP, từ mức 5,5% vào đầu tháng 1/2022 lên 5,8% vào tháng 6/2022.

Các định chế tài chính quốc tế rất lạc quan về kinh tế Việt Nam xuất phát từ một số yếu tố.

Thứ nhất, chính sách ứng phó với đại dịch Covid-19 của Việt Nam hiệu quả, là nền tảng căn bản cho duy trì ổn định xã hội, tâm lý người dân, các hoạt động kinh tế quay trở về trạng thái bình thường, ổn định và phát triển.

Thứ hai, các chính sách hỗ trợ sản xuất, an sinh xã hội kịp thời, đúng đối tượng là tiền đề cho tiến trình khôi phục sản xuất, đảm bảo an toàn, an sinh tới mọi người dân.

Thứ ba, quyết sách mở cửa kịp thời nhằm giải quyết những tồn đọng của nền kinh tế do đại dịch, tận dụng lợi thế và tìm kiếm cơ hội phát triển cho tương lai đã và đang phát huy tác dụng, hiệu quả cho nền kinh tế sau 2 năm bị phong tỏa.

Thứ tư, kết quả thực tế của hoạt động kinh tế những tháng qua khả quan, hứa hẹn triển vọng phát triển tốt trong những tháng còn lại của năm 2022.

Còn thực tế thì sao, thưa ông?

Việc dỡ bỏ các hạn chế để phòng, chống Covid-19 trong nước, mở cửa biên giới và mở lại các hoạt động du lịch quốc tế đã tạo ra sức sống mới trong lĩnh vực dịch vụ của Việt Nam. Hoạt động thương mại, dịch vụ phục hồi mạnh, nhu cầu vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất tăng, nhu cầu du lịch, đi lại của người dân tăng mạnh; khách quốc tế đến Việt Nam tăng rất cao trong 6 tháng đầu năm.

Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tiếp tục duy trì mức tăng cao. Đặc biệt, Việt Nam tổ chức thành công SEA Games 31 cũng là dấu ấn quan trọng với cộng đồng quốc tế về một Việt Nam hòa bình, an toàn, ổn định, thân thiện.

Cụ thể, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng tiếp tục xu hướng tích cực do Covid-19 trong nước đã được kiểm soát và nhu cầu tiêu dùng hàng nông sản trên thế giới tăng cao, xuất khẩu dịch chuyển dần sang các thị trường khác giá trị hơn và dự kiến sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản sẽ vẫn duy trì đà tăng trưởng trong những tháng cuối năm.

Đây tiếp tục là trụ đỡ vững chắc cho nền kinh tế, đảm bảo nguồn cung nguyên vật liệu, đồng thời đáp ứng nhu cầu lương thực trong nước, đặc biệt trong bối cảnh lo lắng về an ninh lương thực thế giới dần gia tăng.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi tích cực và có sự bứt phá mạnh mẽ do các doanh nghiệp đã chủ động hơn về lao động và kế hoạch sản xuất - kinh doanh, khắc phục khó khăn để phục hồi, mở rộng sản xuất. Hoạt động đăng ký doanh nghiệp đạt kết quả rất đáng ghi nhận cùng với các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng cơ bản được bảo đảm.

Những yếu tố trên vẫn sẽ là nhân tố tích cực đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 6 tháng cuối năm 2022. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ sản xuất thông qua Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội cũng góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo đà cho nền kinh tế phát triển.

Mặc dù vậy, Covid-19 đã có chiều hướng tăng trở lại tại nhiều nước trên thế giới, trong khi lạm phát, giá đầu vào của sản xuất tiếp tục đà tăng do tác động lan tỏa của cuộc xung đột Nga - Ukraine, thưa ông?

Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm đã có mức tăng trưởng khá cao kể từ quý I/2020 khi dịch Covid-19 xuất hiện, với tốc độ tăng GDP đạt 6,42%, cao hơn 0,68 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2021 và cao hơn 4,37 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt, kinh tế quý II/2022 đã phát triển vượt bậc, đạt mức tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ 10 năm gần đây.

Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới đầy biến động, kinh tế Việt Nam sẽ phải chịu nhiều tác động bất lợi từ bên ngoài, ảnh hưởng tới sự phục hồi kinh tế trong những tháng cuối năm 2022.

Theo ông, những động thái từ bên ngoài tác động tiêu cực thế nào đến sự phục hồi kinh tế Việt Nam trong những tháng cuối năm 2022?

Xung đột Nga - Ukraine vẫn diễn biến phức tạp, khiến giá xăng dầu thế giới và trong nước leo thang, làm tăng chi phí sản xuất, nguồn cung bị gián đoạn, lạm phát tăng cao, sức cầu quốc tế yếu; việc ban hành tiêu chuẩn quy định mới liên quan đến nguyên liệu, lao động, môi trường cho các sản phẩm nhập khẩu của các nước đối tác sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.

Sức ép về giá cả, lạm phát thế giới sẽ là áp lực cho mục tiêu kiểm soát lạm phát 4% năm 2022, đặc biệt vào cuối năm, kéo theo những bất ổn vĩ mô, tỷ giá, thị trường ngoại tệ, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng phục hồi kinh tế.

Xu hướng thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu đang gia tăng, lãi suất USD tăng cũng là nhân tố ảnh hưởng tới Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội.

Trung Quốc - đối tác kinh tế, thương mại, du lịch, đầu tư lớn nhất của Việt Nam bắt đầu mở cửa dần nền kinh tế, nhưng hết sức thận trọng. Theo ông, việc Trung Quốc mở cửa nền kinh tế tác động thế nào đến nước ta?

Dịch bệnh Covid-19 với các biến thể mới có thể diễn biến phức tạp cũng là nguy cơ ảnh hưởng đến quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam cũng như các thị trường xuất nhập khẩu chủ lực của Việt Nam, đặc biệt là Trung Quốc. Trên thế giới chỉ có duy nhất Trung Quốc chống Covid-19... theo kiểu riêng của mình, làm chậm lại các hoạt động kinh tế thế giới và gây ra những tắc nghẽn mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chính phủ Trung Quốc bắt đầu nới lỏng các hoạt động với thế giới bên ngoài, nhưng vẫn vô cùng chặt chẽ, như người nước ngoài nhập cảnh vẫn phải cách ly tập trung 7 ngày và cách ly tại nơi ở 3 ngày.

Trung Quốc là đối tác lớn nhất của Việt Nam trong hoạt động du lịch, xuất nhập khẩu, nên việc nước này theo đuổi chính sách Zero-Covid với các biện pháp kiểm soát dịch nghiêm ngặt chắc chắn tác động tới hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam, vì Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu rất lớn từ Trung Quốc và cũng xuất khẩu rất lớn vào thị trường này, đặc biệt là nông sản.

Tin bài liên quan