“Năm 2025 sẽ là một năm vô cùng thách thức!". PGS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội chia sẻ cảm nhận về kinh tế 2025.
PGS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội |
Thách thức đến từ chính cơ hội của năm tiền đề của giai đoạn phục hồi tăng trưởng, nhưng nếu chững lại thì mất cơ hội; thách thức sự quyết liệt trong cải cách, đổi mới, tạo lập khuôn khổ mới, phá bỏ cái cũ.
Năm 2025 cũng là năm thách thức với từng người trong bộ máy nhà nước.
“Đang có cuộc cách mạng trong cải cách thể chế, trong tinh gọn bộ máy. Không có cuộc cách mạng nào là êm đềm cả, nhưng chúng ta cần phải thay đổi, cần phải cải cách cắt đi những thủ tục rườm ra, không phù hợp, đảm bảo yêu cầu thực tế của người dân, doanh nghiệp”, ông Cường nhấn mạnh.
Vì vậy, ông khuyến nghị, song hành đổi mới về thể chế, thay đổi bộ máy, cần xác định rõ yêu cầu không tạo ra xáo trộn với cuộc sống, không cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh. Sức mạnh của nền kinh tế phụ thuộc vào doanh nghiệp, nhà đầu tư, nên cần khung khổ tốt hơn cho hoạt động của doanh nghiệp.
“Những xáo trộn nếu có là do bỏ rào cản, sẽ tạo thông thoáng hơn, thủ tục nhanh hơn, tạo tiền đề cho những thay đổi căn bản thực chất của nền kinh tế”, ông Cường kỳ vọng.
Tuy nhiên, với yêu cầu này, nhiệm vụ sẽ tăng gấp nhiều lần và sự quyết liệt cũng tăng lên nhiều lần để đảm bảo thành công.
“Bộ máy nhà nước mới sau tinh gọn sẽ là động lực tạo ra không gian bứt phá cho giai đoạn tới, là cơ sở để thực hiện cải cách thể chế theo đúng yêu cầu, chỉ đạo của Tổng bí thư là tháo gỡ điểm nghẽn thể chế”, ông Cường tin tưởng.
Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang trong sự dịch chuyển, sắp xếp, với những xu thế mới, thì thay đổi thể chế sẽ mở ra cơ hội cho mô hình quản lý mới, mô hình kinh doanh mới, con đường đi mới cho cả doanh nghiệp và nền kinh tế.
“Năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá”, TS. Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Đây là điểm khác biệt rõ nhất trong chính sách điều hành kinh tế của Chính phủ trong năm 2025 so với những năm trước.
TS. Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ |
TS. Kiên phân tích, trước đây, có những năm chúng ta ưu tiên ổn định vĩ mô, có lúc phải chấp nhận hy sinh tăng trưởng để giữ vĩ mô ổn định. Nhưng hai năm nay, chúng ta ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Tuy nhiên, cho dù tốc độ tăng trưởng năm 2024 đã cao hơn các kế hoạch đặt ra, nhưng so với mục tiêu đến năm 2030 và khát vọng 2045 thì chưa. Đây là một bài toán rất khó mà chúng ta phải làm và hoàn toàn có cơ sở để làm được. Để đạt mục tiêu này, theo tôi, phải thay đổi cách làm bằng cuộc đổi mới lần hai.
Trước hết, phải đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển với tư duy đổi mới. Việc ban hành luật, các quy định pháp lý sao cho vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển, huy động tối đa các nguồn lực phát triển, tạo không gian phát triển mới, nhất là đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên mới.
Hai là xây dựng lực lượng doanh nghiệp Việt Nam vững mạnh, trong đó tập trung hình thành những tập đoàn kinh tế lớn, tạo sức lan tỏa, dẫn dắt các doanh nghiệp cùng phát triển…
Ba là, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Và bốn là lấy nguồn lực nội sinh, nguồn lực con người là nền tảng, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo là đột phá để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới...
"Năm của những thay đổi mang tính bước ngoặt" là đòi hỏi của TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương. |
“Phải có sự thay đổi lớn, có tính bước ngoặt thì nền kinh tế mới có thể đạt được tốc độ tăng trưởng 8-9%, thậm chí là 2 con số. Thậm chí, phải nhìn vào mục tiêu tăng trưởng cao để thấy những bước ngoặt cần thực hiện", TS. Cung nhấn mạnh.
Mục tiêu tăng trưởng cao của năm 2025 không phải là tăng mấy điểm phần trăm như các năm mà là vài phần trăm. Để có được sự đột phá về tăng trưởng, ông Cung cho rằng, cần tạo cảm hứng, tâm trạng xã hội, khích lệ tinh thần kinh doanh.
“Để thúc đẩy đầu tư, nhất là của khu vực tư nhân, cần có môi trường kinh doanh, môi trường chính sách tạo được niềm tin, sự hứng khởi trong cộng đồng kinh doanh. Tôi rất trông đợi vào bước đột phá trong cải cách thể chế, đúng như chỉ đạo của Tổng bí thư là thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn, cần phải tháo gỡ ngay”, ông Cung nhấn mạnh.
Cụ thể, thể chế để duy trì và thúc đẩy các dự án quy mô lớn từ nguồn vốn đầu tư công, cùng với đó là thúc đẩy đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân.
“Khu vực tư nhân này phải mạnh để tăng chống chịu, tăng sự phồn vinh”, ông Cung giải thích.
Những cản trở nhiều nhất với phát triển kinh tế tư nhân là ở lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, tiếp theo là tiếp cận đất khó do giá đất quá cao.
Đặc biệt, ông Cung khuyến nghị, người làm chính sách đừng mang tâm thế của người quản lý nhà nước mà là người thúc đẩy phát triển, cần có tư duy thúc đẩy phát triển, đúng như Tổng bí thư Tô Lâm chỉ đạo. Tinh thần này cần phải được quán triệt ở lãnh đạo các cấp, để đảm bảo việc thực thi cũng phải theo tinh thần thúc đẩy phát triển.
Có nghĩa là việc tháo gỡ động lực cũ cũng phải theo hướng xanh hơn, chuyển đổi số; nhưng các động lực mới cũng phải theo nguyên tắc thúc đẩy chuyển đổi thuận lợi, nhanh và tiết kiệm nguồn lực, tránh đặt thêm chi phí cho doanh nghiệp.
“Khi thay đổi thể chế, tạo ra động lực, thì nguồn lực sẽ chạy vào, khắp nơi đổ về, tôi tin như vậy”, TS. Cung chia sẻ.
Đặc biệt, ông Cung đang chờ đợi các giải pháp cải cách môi trường kinh doanh năm 2025 cần được xây dựng bắt nguồn từ câu hỏi doanh nghiệp cần gì, đang gặp khó khăn, gì, thách thức gì, cơ hội gì để có thể thể, luật pháp, cách thức thực hiện.