Kinh tế 2024: Không thể chậm trễ, không để "tháng Giêng là tháng ăn chơi"

0:00 / 0:00
0:00
Tết Nguyên đán Giáp Thìn vừa đi qua, nhưng tháng Giêng không còn và không thể là “tháng ăn chơi” như trong quan niệm của người xưa nữa. Nhiều năm nay đã vậy và năm 2024 này càng không thể chậm trễ, bởi nền kinh tế đất nước vẫn đang đối mặt với vô vàn thách thức.

Các khó khăn, thách thức đó không chỉ đến từ các yếu tố rủi ro, bất định, những “cơn gió ngược” từ bên ngoài, mà còn đến từ cả những yếu kém nội tại. Cũng bởi vậy, muốn đạt được các mục tiêu đặt ra trong năm 2024, trong đó có tăng trưởng GDP 6-6,5%, thì phải nỗ lực ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm. Càng không thể để tình trạng “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả”, vì chỉ chậm một ngày, chỉ lơ là một giây là cơ hội có thể sẽ vuột mất, nền kinh tế sẽ mất đi điều kiện tốt để vượt qua khó khăn, thách thức.

Đó có lẽ chính là lý do mà ngay trong ngày làm việc đầu tiên của năm mới Giáp Thìn 2024, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Trong chỉ thị này, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương, tập thể, cá nhân liên quan, theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn phải tập trung ngay vào xử lý công việc, không để chậm trễ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh và các hoạt động kinh tế - xã hội.

Hàng loạt nhiệm vụ cụ thể cũng đã được giao. Từ tiếp tục theo dõi sát tình hình thế giới, trong nước, nhất là những vấn đề mới phát sinh, đến việc điều chỉnh chính sách của các nước để kịp thời tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp trọng tâm nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Sau nữa là chủ động theo dõi sát diễn biến để kịp thời có giải pháp cân đối cung - cầu, ổn định giá cả thị trường sau Tết Nguyên đán, nhất là các mặt hàng, dịch vụ có nhu cầu tăng cao như ăn uống, vận tải, du lịch tại các điểm vui chơi, tham quan, lễ hội... Rồi tập trung hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ những ngày đầu năm; thúc đẩy tiến độ thi công các công trình hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh…

Cũng không chỉ là những chỉ đạo mang tính mệnh lệnh hành chính. Suốt Tết Nguyên đán, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ đã có mặt trên các công trình xây dựng lớn để động viên, đốc thúc tiến độ triển khai. Nhiều công trình được thi công xuyên Tết, xuyên đêm. Không ít nhà máy vẫn sáng đèn để kịp thời hoàn tất đơn hàng mới. Nhiều container hàng xuất khẩu đã ùn ùn ra bến cảng ngay trong những ngày đầu năm…

Tất cả đã và đang mang đến khí thế mới, niềm tin mới cho năm mới Giáp Thìn. Đó là sự khởi đầu tích cực. Những kết quả đáng ghi nhận của năm 2023 chính là nền tảng, là bước đà quan trọng để nền kinh tế Việt Nam bước vào năm 2024 với niềm tin và kỳ vọng về một năm đạt được những thành tựu cao hơn so với năm trước.

Nhưng niềm tin và kỳ vọng thôi chưa đủ. Quan trọng nhất vẫn phải là hành động. Không thể không hành động khi mà các cuộc xung đột ở Nga - Ukraine, Israel - Hamas và đặc biệt là xung đột ở Biển Đỏ mới đây có thể ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Đây cũng chính là những yếu tố tiếp tục gây khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và là một trong những lý do khiến chỉ trong tháng đầu năm 2024, đã có 53.900 doanh nghiệp rời bỏ thị trường, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước.

Không thể không hành động khi sức mua trong nước còn yếu, khi Chỉ số Sản xuất công nghiệp (IIP) tại một số địa phương tăng thấp, tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chưa cao, thậm chí vẫn tiếp tục giảm…

Một vài ví dụ trên đã cho thấy, phía trước còn vô vàn khó khăn. Thậm chí, năm 2024 tiếp tục là năm mà khó khăn, thách thức còn lớn hơn thời cơ, thuận lợi. “Biến số” bối cảnh toàn cầu là rất khó lường. Lời giải cho nền kinh tế 2024 chỉ có thể là nỗ lực ngay từ ngày đầu, không thể chậm trễ và phải luôn chủ động theo sát tình hình, từ đó có phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt và hiệu quả.

Tin bài liên quan