Kinh tế 2022 cần thêm động lực gì?

0:00 / 0:00
0:00
Cần có “cơ chế đặc thù” về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, để kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 với mục tiêu tăng trưởng gấp đôi năm 2021 có tính khả thi cao hơn.
Xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua Phan Thiết. Ảnh: Đ.T

Xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua Phan Thiết. Ảnh: Đ.T

Giải quyết vấn đề cố hữu của đầu tư công

Trước khi được Quốc hội thảo luận trực tiếp vào ngày 8/11, ngày đầu tiên của đợt họp trực tiếp của Kỳ họp thứ hai, kết quả thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, dự kiến kế hoạch năm 2022 đã được Quốc hội thảo luận tại 72 tổ.

320 ý kiến thảo luận tại tổ về nội dung trên cũng đã được tổng hợp phục vụ phiên thảo luận toàn thể của Quốc hội.

Tổng hợp ý kiến đại biểu, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm tương đối sâu, từ mức dương (6,61%) trong quý II xuống mức âm (-6,17%) trong quý II, cho thấy sức khỏe của nền kinh tế hiện nay rất yếu, nếu không có biện pháp phục hồi kịp thời thì sẽ có khả năng suy thoái, khủng hoảng.

Theo đại biểu Nguyễn Minh Sơn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc đưa ra chương trình phục hồi và phát triển kinh tế để cụ thể hóa việc thực hiện kế hoạch 5 năm 2021-2025. Nếu kết quả không nổi bật, thì khả năng hoàn thành chỉ tiêu 5 năm sắp tới sẽ hết sức khó khăn.

Tuy nhiên, băn khoăn của đại biểu là về động lực phát triển của năm 2022. Báo cáo của Chính phủ cũng đã nêu 3 động lực phát triển năm 2022, gồm: khôi phục thúc đẩy sản xuất - kinh doanh; đẩy mạnh xuất khẩu và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; huy động nguồn lực xã hội, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng.

Cho rằng, 3 động lực này là hợp lý trong thời điểm khó khăn như hiện nay, nhưng ông Sơn nhấn mạnh việc triển khai phải thực sự hiệu quả, phải quyết liệt xử lý rốt ráo những hạn chế trong đầu tư công đã tích tụ từ những năm trước.

Tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ cũng cho thấy, có đến 24 ý kiến cho rằng, giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm, không đạt yêu cầu tiến độ theo kế hoạch, ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế trong trung và dài hạn.

“Bình thường vào thời điểm này, giải ngân vốn đầu tư công phải đạt 90%, song năm nay chỉ đạt 42,4%. Nếu không có đại dịch thì liệu có giải ngân được 100% không? Tôi chắc chắn là không, vì 3 lẽ cơ bản: giao vốn chậm; dự án chuẩn bị chưa đến nơi đến chốn; năng lực của bộ máy yếu, trong đó đặc biệt là giải phóng mặt bằng. Sao không giải quyết vấn đề cố hữu như thế, mà cứ đổ cho đại dịch?”, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Thanh Vân nhìn nhận.

Rất cần gói kích thích kinh tế

Không chỉ phát biểu tại tổ, các đại biểu Quốc hội còn chia sẻ với báo chí mối quan tâm đặc biệt về động lực để nền kinh tế có thể phục hồi nhanh hơn trong năm 2022.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trong bối cảnh kiểm soát được dịch bệnh, không để xảy ra tình trạng trầm trọng như đợt dịch bệnh thứ tư vừa qua, thì mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% không phải quá cao.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Cường cho rằng, năm 2021, tốc độ tăng trưởng rất thấp, dự báo 3%, trên một nền thấp như thế, trong điều kiện bình thường thì tăng 6% không phải là điều quá khó khăn.

Tuy nhiên, ông Cường cũng nhìn nhận, khả năng phục hồi kinh tế sau đại dịch lần thứ tư không nhanh như những đợt dịch trước. Bởi sau 4 tháng “đóng cửa”, rất nhiều doanh nghiệp không còn hoạt động được nữa, người lao động cũng rời bỏ các khu công nghiệp…

Sự thiếu hụt các yếu tố cho phát triển sản xuất bình thường, theo ông Cường, sẽ khiến tăng trưởng khó khăn hơn trước kia nhiều.

Cũng như nhiều đại biểu khác, ông Cường cho rằng, muốn đạt được mục tiêu tăng trưởng như đã đề ra, phải có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Những biện pháp thời gian qua như hỗ trợ về thuế, phí, giãn, hoãn… thực ra chỉ là đỡ khó khăn cho doanh nghiệp, còn để tạo ra nguồn lực nhiều hơn cho doanh nghiệp, thì rất cần gói kích thích kinh tế.

“Về nguyên tắc, Nhà nước không thể cho doanh nghiệp tiền, doanh nghiệp phải đi vay tiền. Nhưng trong bối cảnh sản xuất khó khăn như hiện nay, thị trường chưa phục hồi hoàn toàn, chưa thể có lợi nhuận cao ngay, mà bắt buộc doanh nghiệp phải vay với lãi suất thị trường thì rõ ràng, doanh nghiệp không thể chịu đựng được. Vì thế, tôi cho rằng, gói hỗ trợ lãi suất là một giải pháp vô cùng hợp lý và cần thiết trong năm 2022”, đại biểu Cường nêu quan điểm.

Ông Cường cũng nhấn mạnh thêm rằng, quốc gia nào cũng phải bơm tiền ra để hỗ trợ cho doanh nghiệp, để kích cầu nền kinh tế, nên chúng ta không thể quay lưng lại với chính sách đó.

Nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại biểu Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng, cần gói kích thích với quy mô lớn hơn, đảm bảo cứu được các doanh nghiệp, kích thích được động lực tăng trưởng mới. Theo ông Lộc, Quốc hội, Chính phủ cần có ngay kế hoạch phục hồi nền kinh tế 2 năm tới, quyết định chính sách trong giai đoạn này.

“Bên cạnh sự yểm trợ về tài khóa, tôi muốn đề xuất rằng, trong giai đoạn phục hồi kinh tế 2 năm tới, nên ban hành cơ chế đặc thù về các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, cho hồi phục sản xuất - kinh doanh, với công tác kiểm soát nhà nước chuyển sang hậu kiểm. Nếu quy định nào đẻ ra thêm thủ tục chi phí cho doanh nghiệp, thì nên dừng lại, đồng thời dồn lực, yểm trợ cho doanh nghiệp phục hồi từ trạng thái kiệt quệ hiện nay. Như vậy mới đảm bảo mục tiêu tăng trưởng”, ông Lộc trao đổi với báo chí.

Bên cạnh gói kích thích đủ mạnh, nhiều ý kiến từ các tổ thảo luận cho rằng, vấn đề cốt lõi nhất trong quá trình phục hồi kinh tế là cơ cấu lại nền kinh tế, rà soát tín dụng, phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, quyết liệt trong đầu tư công, tập trung cải cách hành chính (trong đó có cải cách về thể chế, phân cấp, phân quyền) và cấp bách giải quyết thiếu hụt lao động ở một số địa phương.

Theo nghị trình, Nghị quyết về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 sẽ được Quốc hội thông qua vào chiều ngày 12/11.

Xây dựng cho được các khu công nghiệp thế hệ mới

Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng, Chính phủ cần nghiên cứu bài bản để xây dựng cho được các khu công nghiệp thế hệ mới. Đó là khu công nghiệp bao gồm hệ sinh thái hoàn hảo, trong đó có chuỗi giá trị liên kết.

Theo ông Vân, đây không chỉ là các nhà máy không khói, là sân chơi cho các các doanh nghiệp start-up, mà là cả một hệ sinh thái, để ứng phó kịp với các biến cố bất ngờ. Thực tế cho thấy, các khu công nghiệp hiện nay có quy mô nhỏ, manh mún, thiên về một ngành sản xuất (đơn ngành) hoặc phạm vi hạn hẹp, nên rất khó ứng phó với dịch bệnh.

Tin bài liên quan