Số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy, sản xuất công nghiệp tháng 2/2020 chịu tác động khá mạnh từ dịch Covid-19.
Tính chung 2 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp chỉ tăng 6,2%, thấp hơn nhiều mức tăng 13,7% của cùng kỳ năm 2018 và 9,2% của cùng kỳ năm 2019.
Đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên nguồn nguyên liệu đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc phục vụ sản xuất một số ngành công nghiệp bị giảm sút, đặc biệt là đối với các ngành chế biến chế tạo chủ lực như dệt may, da giày, linh kiện điện tử…
Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 2 tháng giảm hoặc tăng thấp so với cùng kỳ năm trước.
Điển hình như, khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 8,6%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 5,2%; sản xuất xe có động cơ giảm 4,8%; sản xuất đồ uống giảm 3,1%; sản xuất thiết bị điện giảm 2,9%, các ngành công nghiệp chế biến chế tạo.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, bên cạnh nhiều mặt hàng nông sản bị ùn ứ, xuất khẩu chậm hoặc không xuất khẩu được, ở ngành thủy sản, sản lượng thủy sản 2 tháng đầu năm có dấu hiệu tăng chậm lại, trong đó nuôi cá tra gặp khó khăn về giá và thị trường tiêu thụ do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Đáng chú ý, các ngành dịch vụ, trong đó dịch vụ du lịch lưu trú là những ngành chịu ảnh hưởng nặng nhất ngay khi dịch bệnh lan rộng.
Tính toán của Tổng cục Thống kê cho thấy, do những tác động tiêu cực của dịch bệnh, lượng khách du lịch quốc tế đến nước ta trong tháng 2 giảm tới 37,7% so với tháng trước và giảm 21,8% so với cùng kỳ năm trước, ước tính đạt 1,24 triệu lượt người, trong đó giảm mạnh nhất là khách đến từ Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc.
Như vậy, tính chung 2 tháng đầu năm nay, khách quốc tế đến nước ta đạt 3,2 triệu lượt, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của 2 tháng trong giai đoạn từ 2016 trở lại đây.
Sự sụt giảm của ngành du lịch gây tác động lớn tới các ngành hàng không, vận tải và lưu trú khiến doanh nghiệp các ngành này hết sức lao đao, trong đó các ông lớn trong lĩnh vực hàng không như Vietnam Airlines, Vietjet… chịu ảnh hưởng trực tiếp và rất mạnh.
Đánh giá của các chuyên gia cũng thống nhất với nhận định của nhiều bộ, ngành cho thấy, dù kinh tế tháng 2 có dấu hiệu sụt giảm, nhất là giảm khá mạnh trong nhiều ngành lĩnh vực chủ chốt song mới chỉ là tác động ban đầu.
Nếu dịch bệnh vẫn chưa khống chế ngay được trong vòng 1-2 tháng tới thì từ tháng 3 tác động tới các ngành lĩnh vực cũng như tới từng doanh nghiệp mới thực sự lớn.
Theo nhận định của Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 tại Trung Quốc dự kiến sẽ tác động lớn đến các ngành sản xuất, vận tải, logistics, phân phối, dịch vụ trên toàn thế giới, Việt Nam cũng không là ngoại lệ.
Trong đó, đối với lĩnh vực sản xuất của Việt nam nhiều ảnh hưởng nặng trong tháng 3 do thiếu trầm trọng nguyên phụ liệu trước nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất trong trường hợp thiếu một số linh phụ kiện do phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc vốn đang bị tê liệt bởi dịch bệnh.
Theo Cục Công nghiệp, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam hiện phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc và các quốc gia khác đang chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh (Hàn Quốc, Nhật Bản).
Do đó, những ngành hàng chịu ảnh hưởng nhiều nhất gồm ngành điện - điện tử khi hiện nay, các doanh nghiệp điện tử chỉ còn đủ lượng linh phụ kiện phục vụ cho sản xuất từ nay đến giữa hoặc cuối tháng 3/2020.
Tương tự, đa số các doanh nghiệp ngành dệt may và da - giày cũng đứng trước nguy cơ lớn phải tạm ngừng sản xuất trong các tháng tới do nhiều doanh nghiệp chỉ dự trữ nguyên phụ liệu tới đầu tháng 3/2020 hoặc đầu tháng 4/2020, trong khi nguồn cung nhập khẩu nguyên liệu phụ thuộc vào Trung Quốc chưa biết đến lúc nào mới khôi phục.
Bên cạnh đó, Cục Công nghiệp cũng cảnh báo, đến cuối quý I/2020, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô cũng sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ việc thiếu hụt nguồn linh phụ kiện phục vụ sản xuất nếu không tìm được nguồn cung bù đắp thay thế.
Ngoài ra, các ngành hàng khác như ngành khoáng sản, luyện kim, giấy, sản xuất đồ gỗ cũng chịu tác động song có thể ít hơn do đa dạng hóa nguồn nguyên vật liệu đầu vào từ nhập khẩu hoặc sử dụng trong nước.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 giảm 0,17% so với tháng trước với 6/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm, trong đó nhóm giao thông giảm nhiều nhất với 2,5%, nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,43%. Tuy nhiên, CPI tháng 2 và bình quân 2 tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ năm 2019 (tăng 5,4% và 5,91%) và được đánh giá là tăng cao nhất 7 năm trở lại đây, chủ yếu do CPI tháng 1 tăng mạnh trong do dịp lễ tết.