Trung Quốc chủ trương đổi mới việc quản lý vốn nhà nước

Trung Quốc chủ trương đổi mới việc quản lý vốn nhà nước

Kinh nghiệm các nước về mô hình quản vốn nhà nước

(ĐTCK) Trên thế giới có rất nhiều mô hình quản lý và giám sát tài sản nhà nước, trong đó, một số nước có môi trường, thể chế kinh tế có nhiều điểm tương đồng mà Việt Nam có thể tham khảo cũng như rút kinh nghiệm. Báo Đầu tư Chứng khoán xin giới thiệu bài viết của TS. Huy Nguyên.

Trung Quốc

Chính phủ Trung Quốc xây dựng mô hình quản lý tài sản nhà nước tập trung thông qua việc thiết lập hệ thống Ủy ban Quản lý và Giám sát tài sản nhà nước (SASAC) ở cả cấp Trung ương và các địa phương.

SASAC được thành lập tháng 3/2003 với tư cách là cơ quan cấp bộ đặc biệt thuộc Chính phủ Trung Quốc. Nhiệm vụ chính của SASAC vừa là đại diện chủ sở hữu của các DNNN, hoặc cổ đông nhà nước của các doanh nghiệp có vốn nhà nước, vừa giám sát để giải quyết các vấn đề trong hoạt động hàng ngày tại các DNNN, tập đoàn kinh tế nhà nước trên 3 lĩnh vực: giám sát về nhân sự chủ chốt, giám sát các vấn đề trọng yếu của doanh nghiệp và giám sát tài sản nhà nước tại doanh nghiệp. Hiện tại, SASAC có khoảng 600 cán bộ theo dõi 146 tập đoàn kinh tế và các tổng công ty.

Tuy nhiên, thực tế hoạt động của SASAC đã bộc lộ nhiều điểm hạn chế. Do là một cơ quan hành chính thực hiện việc quản lý doanh nghiệp, mô hình vận hành của SASAC không tuân theo cơ chế thị trường nên đã dẫn đến không ít những hạn chế về hiệu quả quản trị doanh nghiệp. SASAC không có báo cáo tài chính riêng và không công khai, minh bạch thông tin hoạt động như mô hình các doanh nghiệp nên không có tiêu chí để đánh giá hiệu quả hoạt động của tổ chức này. SASAC thiếu tự chủ trong lựa chọn người lãnh đạo đứng đầu các DNNN và chế độ đãi ngộ dẫn đến hạn chế trong bộ máy nhân sự quản lý.

Trong mô hình hoạt động của SASAC tồn tại mối quan hệ cộng sinh giữa SASAC với các DNNN và tập đoàn kinh tế lớn.

SASAC có xu hướng bảo hộ cho cho các DNNN duy trì sức mạnh độc quyền và ngày càng mở rộng hơn để gia tăng tầm ảnh hưởng của mình. Với sự tồn tại của SASAC, các DNNN độc quyền chậm thay đổi khi mà họ vẫn tiếp tục được hưởng ưu đãi từ những nguồn lực có lợi cho mình và như vậy, các DNNN và các doanh nghiệp khối tư nhân không thể cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng. Một ví dụ điển hình là năm 2009, khi Bộ Thương mại cảnh báo kế hoạch sáp nhập China Unicom và China Netcom (2 doanh nghiệp đầu ngành về viễn thông do SASAC quản lý) sẽ vi phạm luật chống độc quyền, SASAC đã nhanh chóng giải vây cho 2 doanh nghiệp của mình bằng lý luận rằng, việc sáp nhập và tái cấu trúc các DNNN không nằm dưới sự chi phối của luật chống điều hành của Bộ Thương mại.

Ngoài ra, SASAC cũng bị đánh giá là chưa làm tốt chức năng tái cơ cấu các ngành kinh tế khi chưa kiểm soát được tỷ lệ đầu tư ngoài ngành của các DNNN do mình quản lý. Trong bong bóng bất động sản vào đầu năm 2010, mặc dù SASAC đã chỉ đạo 78 DNNN phải rút vốn đầu tư khỏi lĩnh vực đầu tư ngoài ngành này nhưng đến cuối năm, chỉ có 7/78 DNNN thực hiện. Theo số liệu của Bộ Tài chính Trung Quốc, kể từ sau khi thành lập SASAC (năm 2003) đến năm 2011, tỷ lệ phân bổ tài sản của DNNN vào các ngành chiến lược đã giảm từ 56% xuống còn 51%, trong khi đó tỷ lệ đầu tư tài sản vào các ngành nghề không chiến lược tăng lên từ 44% lên 49%.

Do những hạn chế nội tại của mô hình hoạt động hiện nay, việc cải tổ SASAC được đặt ra như một yêu cầu tất yếu trong một chuỗi các nhiệm vụ cải cách DNNN ở Trung Quốc. Cuối năm 2015, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành một số định hướng thúc đẩy cải cách DNNN, trong đó đặt ra yêu cầu tăng cường quyền tự quyết cho Ban điều hành các DNNN, bãi bỏ việc can thiệp hành chính của chính quyền.

Đặc biệt, tách biệt 2 chức năng quản lý vốn nhà nước và chức năng quản trị doanh nghiệp, thông qua mô hình 2 nhóm công ty: nhóm các doanh nghiệp vì mục tiêu công ích, an ninh quốc phòng (các công ty điều hành vốn nhà nước) và nhóm các doanh nghiệp hoạt động trên nguyên tắc thị trường và vì mục tiêu kinh doanh thương mại thuần túy, từ đó gia tăng vốn nhà nước và thúc đẩy nền kinh tế (các công ty đầu tư vốn nhà nước). Tiến tới, SASAC sẽ chỉ còn là cơ quan hoạch định chiến lược và chính sách cho hệ thống mà sẽ không trực tiếp can thiệp vào các hoạt động của doanh nghiệp. 

Indonesia

Tại Indonesia, trước khi thành lập bộ chuyên trách quản lý DNNN, việc quản lý DNNN được phân chia giữa Bộ Tài chính và bộ quản lý ngành. Trong đó, Bộ Tài chính được giao quyền quyết định những vấn đề có liên quan đến tài chính của DNNN, còn bộ chuyên ngành kỹ thuật được giao quyền quản lý các vấn đề liên quan đến hoạt động của DNNN.

Mặc dù đã có sự phân định nhất định về quyền, trách nhiệm giữa Bộ Tài chính và bộ chuyên ngành kỹ thuật, nhưng vẫn tồn tại nhiều chồng chéo, trùng lắp trong thực hiện quyền, trách nhiệm giữa hai bộ này do các vấn đề tài chính và hoạt động của doanh nghiệp có quan hệ chặt chẽ với nhau. Đến năm 2001, Bộ Đầu tư và Phát triển DNNN được khôi phục và năm 2004 được đổi tên thành Bộ DNNN. 

Singapore

Temasek (Singapore) là tổ chức kinh doanh vốn đầu tư nhà nước hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp. Temasek, bên cạnh Tổng công ty Đầu tư vốn của Chính phủ (CIIC), được Chính phủ Singapore cấp vốn để đầu tư vào các doanh nghiệp khác. Việc cấp vốn cho hai doanh nghiệp này được thực hiện thông qua Bộ Tài chính trên cơ sở dự toán đầu tư vốn đã được Quốc hội phê chuẩn. Ví dụ, năm 2008 Temasek đã được cấp 10 tỷ đô la Singapore từ Bộ Tài chính.

Ngoài đặc điểm là tập đoàn do Nhà nước đầu tư vốn, Temasek hoạt động như một tập đoàn tư nhân và được khẳng định là một nhà đầu tư và một cổ đông năng động. Những ưu thế về thể chế pháp trị minh bạch, cơ chế thị trường hiện đại, cộng với tính kỹ trị và tính chuyên nghiệp cao, đã tạo điều kiện cho Temasek phát triển, uy tín ngày càng cao trong cộng đồng kinh doanh và tài chính, không chỉ trong nước mà còn vươn ra toàn cầu.

Phương thức đầu tư của Temasek chủ yếu thông qua mua cổ phần các công ty kinh doanh dựa trên tầm nhìn, năng lực thẩm định và kỹ năng giao dịch đàm phán chuyên sâu. Tổng danh mục vốn đầu tư của Temasek đến 31/3/2014 là 223 tỷ đô la Singapore, tăng hơn 2 lần so với năm 2004 (90 tỷ đô la Singapore). 31% số vốn được đầu tư tại Singapore, 41% tại các nước châu Á (riêng Trung Quốc là 25%) và 28% là tại các khu vực khác trên toàn thế giới. 

Malaysia

Khazanah là tổ chức đầu tư vốn nhà nước có cơ cấu gồm công ty mẹ (Khazanah Nasional Berhad), các công ty con và các công ty có cổ phần, vốn góp của công ty mẹ. Khazanah Nasional Berhad được giao thực hiện các chức năng, nhiệm vụ: quản lý các khoản vốn đầu tư do Chính phủ Malaysia giao; thực hiện các khoản đầu tư mới trong các ngành, lĩnh vực mang tính chiến lược, lĩnh vực công nghệ cao và tìm kiếm các khoản đầu tư chiến lược ở nước ngoài; quản lý có hiệu quả vốn, tài sản của Chính phủ Malaysia tại các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp khác (trừ Tập đoàn Petronas và một số DNNN do Chính phủ trực tiếp quản lý).

Hiện nay, Khazanah Nasional Berhad là cổ đông chi phối của 9 công ty chiến lược quốc gia: Tenaga Nasional, Telekom Malaysia, Proton, Tập đoàn UEM, Plus, Ngân hàng RHB, Malaysia Airports, PMB và Malaysia Airlines. Khazanah cũng là nhà đầu tư chủ yếu trong các ngành, lĩnh vực chiến lược như: cơ sở hạ tầng, dịch vụ công cộng, dịch vụ tài chính, hàng không, công nghệ và truyền thông. Các tài sản do Công ty quản lý có giá trị khoảng trên 50 tỷ Ringit (tương đương khoảng 12 tỷ USD). Các công ty mà Khazanah Nasional Berhad là cổ đông đa số có nguồn vốn trên 200 tỷ Ringit, chiếm 1/3 thị trường vốn của Malaysia.

Tin bài liên quan