Các hộ kinh doanh có mặt bằng liên quan đến vỉa hè đô thị hiện đóng góp trên dưới 10% GDP. Ảnh: Quỳnh Trang

Các hộ kinh doanh có mặt bằng liên quan đến vỉa hè đô thị hiện đóng góp trên dưới 10% GDP. Ảnh: Quỳnh Trang

Kinh doanh vỉa hè đóng góp dưới 13% GDP

Nhìn nhận việc việc dọn dẹp vỉa hè sẽ ảnh hưởng đến kinh tế, song đại diện Tổng cục Thống kê cho rằng mức độ tác động không quá lớn, bởi quy mô kinh doanh cá thể thấp hơn nhiều mức 30-50% GDP mà một số ý kiến nêu ra.

Chia sẻ tại buổi họp báo về tính hình kinh tế - xã hội quý I/2017, bà Lê Thị Minh Thủy - Vụ trưởng Thống kê thương mại và dịch vụ cho biết, bộ phận kinh doanh cá thể tính trên cả nước hiện có quy mô khoảng 4,6 - 4,8 triệu hộ, đóng góp khoảng 11-13% GDP. 

Trong đó, bên cạnh những hộ hoạt động trong lĩnh vực ăn uống, buôn bán hàng hóa, những người kinh doanh trên vỉa hè, khu vực này còn bao gồm cả các hộ kinh doanh thương mại, các dịch vụ khác.

Theo bà Thủy, hoạt động dọn dẹp vỉa hè thời gian gần đây được thực hiện tại một số thành phố lớn chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến các hộ kinh doanh, cũng như tăng trưởng chung của khu vực bán lẻ, dịch vụ tiêu dùng... Tuy nhiên, quy mô tác động sẽ không quá lớn.

Một số thông tin cho rằng những hộ kinh doanh cá thể trên vỉa hè đang đóng góp khoảng 30%, thậm chí 50% vào GDP cả nước là không chính xác. Quy mô của toàn bộ phận kinh doanh cá thể, trong đó có hoạt động kinh doanh trên các vỉa hè mới chỉ đóng góp 11-13% GDP

"Một số thông tin cho rằng những hộ kinh doanh cá thể trên vỉa hè đang đóng góp khoảng 30%, thậm chí 50% vào GDP cả nước là không chính xác. Quy mô của toàn bộ phận kinh doanh cá thể, trong đó có hoạt động kinh doanh trên các vỉa hè mới chỉ đóng góp 11-13% GDP", bà Thủy cho biết.

Theo số liệu Tổng cục Thống kê mới công bố, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I/2017 ước tính đạt 921.100 tỷ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước, nhưng nếu loại trừ yếu tố giá thì mức tăng chỉ còn hơn 6% (thấp hơn mức tăng 7,5% cùng kỳ năm trước).

Đánh giá về kết quả hoạt động bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong 3 tháng đầu năm 2017, bà Thủy cho rằng nguyên nhân sự sụt giảm so với cùng kỳ đến từ quy mô của thị trường ngày càng lớn nên tốc độ tăng trưởng tính theo số tương đối sẽ chậm lại.

Đối với mức tăng trưởng GDP đạt 5,1% so với cùng kỳ trong quý đầu tiên của năm 2017, ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết đây là mức tăng GDP trong quý I thấp nhất trong 3 năm gần đây (quý I/2015 tăng 6,12% và quý I/2016 tăng 5,48%).

Theo ông Lâm, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2017 ở mức 6,7% đang trở nên rất thách thức, đặc biệt khi chỉ số giá của một số lĩnh vực cơ bản đang chuẩn bị tăng. 

"Muốn đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm 2017, trong 9 tháng cuối năm, kinh tế Việt Nam phải tăng trưởng trên 7% so với cùng kỳ", ông Lâm nhận định.

Theo ông Hà Quang Tuyến - Vụ trưởng Hệ thống tài khoản quốc gia, tốc độ tăng trưởng thấp của kinh tế Việt Nam trong 3 tháng đầu năm đến từ một số nguyên nhân, trong đó trồng trọt tiếp tục gặp khó khăn do diễn biến bất thường của thời tiết, khu vực công nghiệp tăng trưởng chậm lại và sự sụt giảm đối với một số lĩnh vực khai thác tài nguyên.

Riêng đối với bộ phận doanh nghiệp, theo lãnh đạo Tổng cục Thống kê, mặc dù năm 2016 là năm số lượng doanh nghiệp đăng ký mới tăng kỷ lục nhưng đóng góp vào động lực tăng trưởng năm 2017 chưa tương xứng.

Lý giải điều này, ông Nguyễn Bích Lâm chia sẻ, mặc dù tỷ lệ đi vào hoạt động trong tổng số 110.000 doanh nghiệp mới thành lập năm trước đạt gần 90% nhưng đến 35% trong số đó là doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ôtô, xe máy, bộ phận này không tạo ra năng lực sản xuất. Trong khi đó, số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến, chế tạo chỉ đạt 13,72%.

Theo ông Phạm Đình Thúy - Vụ trưởng Thống kê Công nghiệp, phần lớn các doanh nghiệp nội địa được thành lập vẫn chủ yếu thuộc quy mô nhỏ và vừa, vốn ít, lao động ít nên dù con số thành lập rất lớn nhưng khả năng đóng góp vào nền kinh tế vẫn còn khiêm tốn.

Tin bài liên quan