Nhu cầu vốn lớn, TDC vẫn đều đặn chia cổ tức bằng tiền
Đại hội đồng cổ đông thường niên của TDC, tổ chức hôm 16/6, đã thông qua kế hoạch phát hành 35 triệu cổ phần ra bên ngoài trong năm nay.
Cụ thể, Công ty sẽ thực hiện chào bán lượng cổ phần thông qua đấu giá công khai trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) cho các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức trong và ngoài nước, không giới hạn cổ đông hiện hữu. Giá chào bán khởi điểm là 10.000 đồng/cổ phần nhằm huy động tối thiểu 350 tỷ đồng.
Số tiền này dự kiến được sử dụng phát triển dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng dự án Uni Galaxy là 100 tỷ đồng, dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại Mỹ Phước (Ruby Holdings) là 100 tỷ đồng và bổ sung nguồn vốn lưu động 150 tỷ đồng.
TDC là doanh nghiệp hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản, thương mại, hiện có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2016 - 2019, TDC có kết quả kinh doanh ổn định, với lợi nhuận sau thuế các năm lần lượt là 128,282 tỷ đồng, 136,696 tỷ đồng 125,619 tỷ đồng và 153,844 tỷ đồng.
Công ty duy trì tỷ lệ cổ tức bằng tiền khá ổn định từ 10 - 12%. Chính vì vậy, nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối còn lại vào cuối năm 2016 là 140,4 tỷ đồng thì tới cuối năm 2019 ở mức 156,7 tỷ đồng, tăng không đáng kể.
Cơ cấu doanh thu 2019.
Có thể thấy, hoạt động kinh doanh tạo ra lợi nhuận nhưng TDC dùng gần hết lợi nhuận chia cổ tức cho cổ đông, trong khi lượng tiền mặt của Công ty luôn duy trì tỷ lệ rất thấp. Lượng tiền mặt và tiền gửi kỳ hạn ngắn cuối năm 2019 là 59,6 tỷ đồng, chiếm 1% tổng tài sản. Tới 31/3/2020, lượng tiền mặt và tương đương tiền chỉ có 25,1 tỷ đồng, chiếm 0,4% tổng tài sản.
Tồn kho, tài sản dở dang chiếm hơn 81% tổng tài sản
Được biết, lĩnh vực xây dựng và bất động sản luôn duy trì cơ cấu doanh thu cao trong nhiều năm và cũng là ngành kinh doanh cốt lõi của TDC. Năm 2017, mảng này chiếm 53,1% doanh thu, năm 2018 chiếm 59,7% và năm 2019 chiếm 63,4%.
Tính tới 31/3/2020, Công ty sở hữu 3.493,8 tỷ đồng tồn kho, 1.490,2 tỷ đồng tài sản dở dang dài hạn, hai khoản mục này chiếm tới 81,3% tổng tài sản.
Thuyết minh báo cáo tài chính quý I/2020 của TDC cho biết, tồn kho chủ yếu 3.134,8 tỷ đồng là chi phí sản xuất - kinh doanh dở dang. Mặc dù TDC không thuyết minh cụ thể từng dự án bất động sản nhưng đây chủ yếu là tồn kho bất động sản nhiều năm kéo dài từ 2016 và mới khai thác được một phần.
Ngoài ra, Công ty thuyết minh chi phí sản xuất dở dang dài hạn là dự án phố Sông Cấm với giá trị 404 tỷ đồng, dự án TDC Plaza 537,3 tỷ đồng, dự án Uni Galaxy giai đoạn 2 là 531,1 tỷ đồng. Các dự án này bị trì hoãn phần lớn do Công ty đang xem xét tình hình thị trường, chọn thời điểm hợp lý sẽ tiếp tục triển khai.
Riêng dự án phố Sông Cấm đang tạm ngưng do Công ty TNHH VSIP Hải Phòng chưa hoàn thành việc sang tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty.
Đối ứng với tài sản chủ yếu là các dự án bất động sản, khoản mục người mua trả tiền trước 859,4 tỷ đồng, chiếm 14% tổng nguồn vốn.
Tuy nhiên, chỉ có 378,3 tỷ đồng là khách hàng mua bất động sản, còn lại 471,6 tỷ đồng liên quan tới trả trước của Tổng công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp - CTCP.
Thách thức kế hoạch huy động vốn 2020
TDC đang cần vốn để triển khai các dự án đầu tư và bổ sung vốn lưu động, nhưng kế hoạch bán đấu giá cổ phần của Công ty sẽ đối mặt với nhiều thách thức.
Thứ nhất, về xu hướng nền kinh tế toàn cầu nói chung và nền kinh tế Việt Nam đang cho thấy dấu hiệu suy giảm đà tăng trưởng dưới tác động của đại dịch Covid-19.
Điều này được dự báo sẽ tiếp tục kéo dài ít nhất tới thời điểm có thể khống chế được dịch hoặc có vắc-xin. Bất động sản vốn là ngành rất nhạy cảm với diễn biến của nền kinh tế, được nhận định đang và sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn về đầu ra.
Kế hoạch phát hành cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản sẽ khó hấp dẫn nhà đầu tư bởi họ e ngại với triển vọng thị trường kém tích cực, đồng vốn góp của họ vào doanh nghiệp khó phát huy hiệu quả trong tương lai gần.
Gần đây, các doanh nghiệp bất động sản chủ yếu huy động vốn qua kênh trái phiếu. Điều này cho thấy thế khó của các doanh nghiệp bất động sản trong phát hành cổ phiếu, dù đây là kênh huy động vốn có nhiều lợi ích cho doanh nghiệp hơn hẳn như không phải trả vốn và lãi cho trái chủ như với kênh trái phiếu.
Thứ hai, mức giá phát hành dự kiến tối thiểu 10.000 đồng/cổ phiếu đang cao hơn hẳn so với thị giá cổ phiếu TDC đang giao dịch trên thị trường (đóng cửa phiên giao dịch đầu tuần này, 22/6/2020, thị giá TDC chỉ là 8.140 đồng/cổ phiếu).
Việc tham gia mua với giá 10.000 đồng/cổ phiếu sẽ rủi ro cao với nhà đầu tư nếu như dòng tiền bổ sung vào hoạt động không hiệu quả hoặc gặp chu kỳ điều chỉnh của nền kinh tế (chu kỳ kinh tế dao động 10 - 12 năm/lần).
Nếu như nền kinh tế không thể hồi phục được và bước vào giai đoạn suy giảm kéo dài, các dự án bất động sản tạm ngưng thì nhà đầu tư bên ngoài khó có thể nhận được cổ tức do lượng tiền mặt của doanh nghiệp quá thấp.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên, Hội đồng quản trị TDC đã dự kiến tỷ lệ cổ tức năm 2020 chỉ là 7% nếu Công ty phát hành thành công để tăng vốn lên 1.350 tỷ đồng.
Sở hữu quỹ đất lớn, các dự án chủ yếu nằm tại Bình Dương - khu vực có tốc độ phát triển nhanh trong những năm vừa qua, nhưng giai đoạn thuận lợi nhất để TDC khai thác thế mạnh này trong chu kỳ kinh tế đã qua đi. Lượng tiền mặt tương đối hạn chế sẽ là thách thức lớn với TDC để có thể khai thác được khối tài sản này.