Dịch Covid-19 là động lực thúc đẩy công tác chuyển đổi số vốn đã được các doanh nghiệp nhắc đến trong thời gian dài.
Nền tảng thay cho doanh nghiệp
Covid-19 khiến hàng loạt doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thương mại, du lịch, vận tải… khốn đốn, nhưng lại thúc đẩy sự phát triển vô cùng mạnh mẽ của các mô hình kinh tế chia sẻ.
Grab, Zalo, Gojek, Bee… không còn là những ứng dụng đơn lẻ, thay vào đó đã trở thành các siêu ứng dụng, hệ sinh thái của hàng loạt dịch vụ như giao hàng, vận chuyển, bán hàng, trung gian cho vay, dịch vụ giải trí… cho hàng chục ngàn doanh nghiệp và đối tác khác.
Đặt biệt, khái niệm mô hình kinh tế gắn kết lỏng đang bắt đầu được sử dụng nhiều, để nói về hình thức giao việc tại nhà như handy.com, taskrabbit.com, Amazon Flex… hay những công việc chuyên môn cao được tiến hành trên nền tảng trực tuyến như upwork.com, Desk.com, freelancer.com… hoặc những công việc được tiến hành trên crowdsource.com, clickwork.com…
“Đặc trưng cơ bản của kinh tế gắn kết lỏng là các cam kết ngắn hạn giữa khách hàng, bên sử dụng lao động và nhân công”, bà Nguyễn Thuỳ Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tư vấn EY Việt Nam phân tích.
Vấn đề ở đây, theo ông Khổng Phan Đức, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ VietinBank, chiếc ô bao trùm hoạt động kinh doanh giờ đây không còn là “doanh nghiệp”, mà là “nền tảng kinh doanh”.
Phải nhắc lại, doanh nghiệp từng được coi là phát kiến vô cùng vĩ đại trong số các phát kiến vĩ đại nhất của loài người, đưa loài người tới một xã hội có năng lực sản xuất vượt trội, sức sáng tạo, sự phân chia tài sản, giải quyết công ăn việc làm và đáp ứng nhu cầu ngày càng phức tạp của con người.
Nhưng xu thế đã tạo ra những phát kiến mới, một dạng siêu doanh nghiệp mà biểu hiện của nó là nền tảng kinh doanh - nơi doanh nghiệp và cá nhân ở các quy mô khác nhau cùng chung sức tạo ra giá trị đáp ứng nhu cầu thị trường.
Xu thế số hóa hiện hữu
Với xu hướng này, một ngày không xa, hoạt động đầu tư qua các nền tảng công nghệ sẽ lên ngôi. Khi đó, chỉ cần một nút bấm, tiền nhàn rỗi cuối ngày của một hộ gia đình sẽ thành khoản đầu tư vào chứng chỉ quỹ với lựa chọn giải ngân cho một người cần tiền để nâng tỷ trọng đầu tư vào một cổ phiếu yêu thích của mình hay đơn giản là nộp tiền học cho môn tiếng Anh ở trung tâm Anh ngữ yêu thích, hoặc đầu tư cho một dự án điện gió ngoài khơi đầy khả thi và được vận hành bởi một công ty có danh tiếng với toàn bộ hồ sơ triển khai dự án, vận hành công ty, báo cáo tài chính... được công bố đầy đủ và chuẩn mực...
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV nhận định, dịch Covid-19 là động lực thúc đẩy công tác chuyển đổi số vốn đã được các doanh nghiệp nhắc đến trong thời gian dài, nhưng chưa thực sự triển khai một cách mạnh mẽ. Quá trình này sẽ định hình và điều chỉnh toàn bộ công nghệ, cách làm việc và học tập của thế giới. Những tổ chức, doanh nghiệp nắm bắt, chủ động trong xu thế này sẽ có nhiều lợi thế hơn so với đối thủ.
“Tôi nhìn thấy cơ hội tái cấu trúc hoạt động, danh mục đầu tư, cơ hội đột phá, cơ hội đổi mới, sáng tạo, thiết kế sản phẩm, dịch vụ mới phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của khách hàng sau dịch bệnh và cơ hội thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số”, ông Lực nhấn mạnh thêm.
Một trong những cơ hội đầu tư, kinh doanh trong và sau dịch Covid-19 được ông Lực chỉ ra là kinh doanh số. Theo đó, nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã và đang tổ chức hoạt động, kinh doanh trên nền tảng tự động hóa, phát triển tài chính số, ngân hàng số, Fintech, thương mại điện tử, đào tạo trực tuyến, thanh toán điện tử (gồm cả mobile money), giải trí số, làm việc từ xa (tại nhà), khám chữa bệnh từ xa…
Cùng với đó, các dịch vụ hỗ trợ có nhiều cơ hội phát triển nhanh như kho vận (logistics), giao hàng nhanh, đóng gói, cung ứng nền tảng (platforms), livestream sự kiện, an ninh mạng, phân tích dữ liệu, tư vấn phát triển kinh doanh số…