Kinh doanh sân golf thoát “vòng kim cô” quy hoạch

Kinh doanh sân golf đã chính thức trở thành ngành kinh doanh có điều kiện, chứ không còn bị bó buộc bởi quy hoạch như trước. Đây là một “cuộc cách mạng” trong việc quản lý không chỉ một ngành kinh doanh cụ thể, mà còn đánh dấu việc Việt Nam thực sự bãi bỏ các quy hoạch ngành, sản phẩm rất phi thị trường.
Kinh doanh sân golf thoát “vòng kim cô” quy hoạch

Kinh doanh sân golf thoát “vòng kim cô” quy hoạch

Thủ tướng Chính phủ vừa chính thức ban hành Nghị định số 52/2020/NĐ-CP về đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf. 

Như vậy, bắt đầu từ ngày 15/6/2020, kinh doanh sân golf chính thức trở thành ngành kinh doanh có điều kiện, chứ không phải được “quản” bởi “vòng kim cô” quy hoạch như trước đây nữa.

Trước đây, kinh doanh sân golf được quản lý bằng quy hoạch, thông qua các quyết định 1946/QĐ-TTg ngày 26/11/2009 hay Quyết định số 795/QĐ-TTg ngày 26/5/2014… Tuy nhiên, qua thời gian, cơ quan quản lý nhận thất, việc “quản” sân golf bằng quy hoạch có những điểm rất bất cập. 

Dễ thấy nhất, là trong số hàng chục sân golf nằm trong quy hoạch, chỉ có phân nửa được xây dựng và đi vào hoạt động. Phần còn lại, khá nhiều sân golf dù đã trong quy hoạch, nhưng không đủ điều kiện kinh doanh, không đủ điều kiện để phát huy lợi nhuận đầu tư, nên không được nhà đầu tư thực hiện... Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư có đủ tiềm năng tài chính nhưng vì chậm chân nên không được đầu tư, chỉ vì dự án không nằm trong quy hoạch.

Hơn thế, việc quản lý đầu tư, kinh doanh sân golf bằng quy hoạch được cho là phi thị trường, không phản ánh đúng quy luật cung - cầu, và thực tế, cũng luôn có những ý kiến trái chiều về việc Việt Nam có nhiều hay ít sân golf.

Chính vì những bất cập này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất chuyển kinh doanh sân golf sang ngành kinh doanh có điều kiện. Đặc biệt, sau khi Luật Quy hoạch được chính thức thông qua và có hiệu lực, với một trong những điểm mang tính “cách mạng” là bãi bỏ toàn bộ quy hoạch ngành, sản phẩm, thì việc xây dựng các điều kiện kinh doanh sân golf là vô cùng cấp thiết.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc quản lý sân golf theo điều kiện kinh doanh sẽ đảm bảo vừa tuân thủ các nguyên tắc của cơ chế thị trường, vừa có đầy đủ các công cụ quản lý nhà nước, qua đó có thể phát huy tối đa hiệu quả, tiềm năng của lĩnh vực kinh doanh này, đồng thời tránh được việc lạm dụng, sử dụng không hiệu quả quỹ đất, gây ra các hệ lụy và tác động tiêu cực tới môi trường, kinh tế - xã hội.

Và nay thì Chính phủ đã chính thức ban hành nghị định mới về “quản” kinh doanh sân golf. Nghị định này có ý nghĩa rất lớn, không chỉ làm nên một “cuộc cách mạng” trong việc quản lý một ngành kinh doanh cụ thể, mà còn đánh dấu việc Việt Nam thực sự bãi bỏ các quy hoạch ngành, sản phẩm rất phi thị trường. 

Đây được coi là “thành lũy” cuối cùng của cơ chế kế hoạch hóa tập trung xưa cũ. Và thành lũy này nay đã được gỡ bỏ, để tuân thủ theo cơ chế thị trường.

Kinh doanh sân golf là một trong những lĩnh vực đầu tiên được chuyển đổi từ quản lý theo quy hoạch sang quản lý bằng kinh doanh có điều kiện, kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực.

Không sử dụng đất lúa, không được lợi dụng để hoạt động cá cược…

Dù bãi bỏ quy hoạch, nhưng việc kinh doanh sân golf sẽ được quản bằng các điều kiện chặt chẽ.

Theo quy định tại Nghị định 52/2020/NĐ-CP, thì sân golf chỉ được xây dựng tại các địa điểm đáp ứng được các điều kiện như phù hợp với nguyên tắc quy định và đáp ứng điều kiện về sử dụng đất theo quy định; phù hợp với định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường theo quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và quy hoạch có liên quan…

Cũng theo Nghị định, các loại đất không được sử dụng để xây dựng sân golf và công trình phụ trợ phục vụ cho hoạt động kinh doanh sân golf sẽ bao gồm đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; đất rừng, đất trồng lúa, trừ trường hợp quy định; đất thuộc các khu vực có yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng…

Diện tích sân golf cũng phải phụ thuộc vào quy mô dự án. Chẳng hạn, diện tích sân golf tiêu chuẩn (18 lỗ) không quá 90 ha (bình quân không quá 5 ha trên một lỗ golf); diện tích dự án sân golf xây dựng lần đầu không được quá 270 ha (54 lỗ golf)...

Nhà đầu tư phải hoàn thành xây dựng sân golf trong thời hạn không quá 36 tháng (đối với sân golf 18 lỗ) hoặc không quá 48 tháng (đối với sân golf khác) kể từ ngày được quyết định cho thuê đất...

Ngoài ra, Nghị định quy định nhà đầu tư thực hiện dự án sân golf phải đáp ứng 3 điều kiện. Đó là, đáp ứng điều kiện về năng lực tài chính và các điều kiện cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án sân golf theo quy định của pháp luật về đất đai; phải ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án (đối với trường hợp phải ký quỹ) theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Nhà đầu tư cũng phải có giải pháp, kế hoạch và cam kết hỗ trợ tái định cư, đào tạo, sử dụng lao động phù hợp cho người đang sử dụng khu đất dự kiến thực hiện dự án sân golf và người lao động tại địa phương.

Đồng thời, nhà đầu tư phải rự bảo đảm các yêu cầu, điều kiện cần thiết về kết cấu hạ tầng giao thông, điện, nước; xử lý nước thải và bảo vệ môi trường khi xây dựng sân golf.

Nhà đầu tư sẽ bị cấm đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf khi việc này chưa đáp ứng điều kiện, thủ tục quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan; hoặc lợi dụng kinh doanh sân golf để tổ chức hoạt động cá cược, đánh bạc, gá bạc trái phép…

Tin bài liên quan