Khởi nghiệp với 400 triệu đồng và nhân sự khiêm tốn
Cuối năm 1997, sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sỹ tại Pháp, ông Trần Mạnh Trung trở về nước bắt đầu hành trình “khởi nghiệp”. Thời gian đầu, ông đầu quân cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, phụ trách mảng môi trường. Công việc khá rảnh rỗi, nhưng với suy nghĩ không cho phép mình dừng lại với công việc có phần nhàm chán ấy, sau 3 năm, ông nhận ra, có nhiều việc muốn làm, muốn áp dụng vào thực tế những kiến thức đã được học hành bài bản ở châu Âu, nhưng không làm được do vướng cơ chế.
Xuất thân trong một gia đình có gốc nghiên cứu khoa học, cha ông là GS.TSKH Trần Mạnh Trí, Giám đốc Trung tâm Công nghệ hóa học và môi trường (Echemtech, thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam), một nhà khoa học luôn muốn biến những đề tài nghiên cứu của mình thành sản phẩm ứng dụng được vào thực tế, như đề tài về than bùn, gáo dừa, xử lý thuốc trừ sâu quá hạn bằng nước…
“Ba tôi chỉ là một nhà nghiên cứu khoa học đơn thuần, không triển khai được những ý tưởng đó thành sản phẩm đưa ra thị trường. Đây là tiền đề để Công ty Phát triển Công nghệ và Môi trường Á Đông (ASIATECH) ra đời vào cuối năm 2000, đầu năm 2001”, ông Trung nói và cho biết, số vốn ban đầu của Công ty chỉ lafà 400 triệu đồng, từ tiền dành dụm của bản thân và vay mượn thêm của bạn bè, nên ông phải mượn một phần diện tích căn nhà mình đang ở để làm văn phòng.
Những năm đầu thành lập, với số nhân sự còn khiêm tốn, Công ty chỉ làm những công trình nhỏ và vừa, rèn luyện kỹ năng, tập làm quen hệ thống quản lý môi trường ở trong nước. Đến năm 2007, ASIATECH lần đầu tiên trúng thầu một gói thầu lớn nhất trong lịch sử phát triển 14 năm qua của mình. Đó là gói thầu xử lý hệ thống nhuộm của Công ty Dệt Phong Phú ở Đà Nẵng.
“Nhờ bàn đạp này mà chúng tôi tiếp tục trúng thầu những công trình lớn khác như: Becamex ở Bình Dương với 4 hệ thống xử lý nước thải của các khu công nghiệp Mỹ Phước 1, 2, 3 và Khu công nghiệp Bàu Bàng; rồi Khu công nghiệp VSIP ở Phú Chánh, Bình Dương… Từ đó, khả năng thực hiện các dự án bắt đầu vươn rộng ra cả nước”, ông Trần Mạnh Trung cho biết.
Vượt qua khó khăn
Năm 2010 được xem là giai đoạn phát triển cực thịnh của ASIATECH. Doanh số (chưa kể những hợp đồng chưa đưa vào sổ sách ở thời điểm thống kê) đạt trên 120 tỷ đồng, trong đó 70% đến từ khối doanh nghiệp nhà nước, 30% còn lại chia đều cho khối doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Khi đó, ASIATECH đã trở thành 1 trong 5 công ty môi trường hàng đầu của Việt Nam về xử lý nước thải. Tuy nhiên, niềm vui đó nhanh chóng qua đi, khi thị trường bất động sản đóng băng, kinh tế trong nước gặp khó khăn, khiến Công ty cũng bị ảnh hưởng. Loay hoay chống chọi với khó khăn, nhưng một lần nữa, không cho phép mình dừng lại, ông Trung vẫn không ngừng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D), dành ngân sách không nhỏ để nghiên cứu những công nghệ mới.
Vào thời điểm ấy, nghiên cứu Luật Bảo vệ môi trường, ông Trung thấy có quy định, doanh nghiệp sản xuất muốn tồn tại thì phải có hệ thống xử lý nước thải. Vì vậy, vấn đề đặt ra với ASIATECH là làm sao có sản phẩm công nghệ tốt, phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường, nhưng giá thành phải rẻ. “Đó chính là chìa khóa để chúng tôi vượt qua thời khủng hoảng”, ông Trung nhớ lại.
Công ty đã tiến hành liên kết, chuyển giao công nghệ với những công ty của châu Âu như Simon Moos Maskinfabrik A/S (Đan Mạch). Theo đó, hai bên thỏa thuận trao đổi nhân viên cho nhau, hàng năm, ASIATECH cử 4-5 nhân viên qua Đan Mạch học tập và phía công ty Đan Mạch cũng cử chuyên gia sang ASIATECH đào tạo trong 3 năm.
Ngoài ra, Công ty không ngừng tìm tòi và mua thêm công nghệ mới từ các nước tiên tiến, như công nghệ xử lý nước thải khép kín ở các tòa nhà, công nghệ mới tiết kiệm điện năng, hóa chất… Việc ứng dụng công nghệ vừa xử lý môi trường, vừa giúp tiết kiệm năng lượng này đã giúp ASIATECH có một lượng khách hàng tương đối ổn định, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh, thanh toán hợp đồng nhanh gọn, giúp Công ty sớm vượt qua khó khăn.
“Năm nay, tình hình kinh doanh của Công ty bắt đầu khởi sắc trở lại”, ông Trung cho biết.
Một trong những điểm mạnh của ASIATECH là đội ngũ nhân sự khá ổn định. Trong số 70 nhân sự hiện tại, nhiều người đã gắn bó với Công ty trên dưới 10 năm qua. Ông Trung cho rằng, với doanh nghiệp ngành môi trường, ổn định nhân sự rất quan trọng, nếu một người nghỉ việc, thì doanh nghiệp sẽ mất một phần khách hàng, đồng thời mất một phần bí quyết công nghệ. Đây cũng là lý do khiến nhân sự ngành này thường bị các công ty săn đầu người càn quét.
“Chúng tôi giữ nhân sự bằng cách luôn tạo những điểm mới trong công việc. Nhân viên của ASIATECH luôn được giao những dự án phức tạp và tiếp xúc trực tiếp với các khách hàng. Không nhiều công ty dám làm điều này”, ông Trung cho biết thêm.
Tiến tục dấn bước
Đang có 2 công ty nước ngoài đặt vấn đề mua cổ phần của ASIATECH với tham vọng biến Công ty thành công ty hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực này. Họ có vốn, có thể đầu tư thêm công nghệ bằng việc mua các công nghệ mới nhất của quốc tế. Cộng với những mối quan hệ sẵn có của ASIATECH, đối tác nước ngoài kỳ vọng sẽ nắm được đa phần các dự án lớn về xử lý môi trường tại Việt Nam.
“Các dự án ODA lớn, các dự án xử lý nước thải cho các khu đô thị có tiềm năng mang lại doanh số rất lớn. Nhưng ASIATECH đang nhường sân chơi này cho các đối tác, vì Công ty vừa mới thoát ra khỏi 3 năm khủng hoảng, không dám mạo hiểm tự làm dự án lớn”, ông Trần Mạnh Trung nói và cho biết, Công ty cũng đang tham gia đấu thầu một dự án sử dụng vốn ODA Đan Mạch tại TP. Cao Bằng.
Phía đối tác Đan Mạch rất muốn mua một phần cổ phần của ASIATECH để tham gia dự án này. “Chúng tôi đang suy nghĩ, tính toán bán cổ phần ra sao để không bị đối tác chi phối. Điều này nếu được thực hiện sẽ giúp Công ty phát triển nhanh hơn nữa, đồng thời nắm bắt được những công nghệ mới nhất của thế giới đem về áp dụng tại Việt Nam”, ông Trung nói thêm.
Từ số vốn 400 triệu đồng, nay ASIATECH đã vào top 5 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về xử lý môi trường, đã thực hiện hàng trăm dự án lớn nhỏ khác nhau. Ông Trung bảo, ông không hề hối tiếc vì đã lựa chọn con đường này. Tuy nhiên, trong ông, bản năng của một doanh nhân và của một người làm kỹ thuật đôi lúc đan xen nhau. Vậy nên, nhìn lại chặng đường kinh doanh suốt 14 năm qua, bản thân ông cũng không thể trả lời được câu hỏi rằng mình là một doanh nhân hay một nhà kỹ thuật quản lý kinh doanh.
“Có những lúc thăng trầm, nhiều đêm bị mất ngủ, nhiều lúc tôi chỉ muốn bỏ hết để đi làm kỹ thuật. Nếu nhắm tới mảng môi trường ở các công ty môi trường, công ty dầu khí… thì cũng không khó kiếm việc. Thế nhưng, cứ sáng dậy thì mình lại nghĩ khác. Lúc ấy, mình bị sự hiếu thắng thôi thúc”, ông Trần Mạnh Trung tâm sự.
Thực ra, không chỉ sự hiếu thắng, mà đam mê với lĩnh vực môi trường đã khiến doanh nhân Trần Mạnh Trung không cho phép mình dừng lại. Ông bảo, trong tương lai, ngành năng lượng tái tạo điện gió và điện mặt trời sẽ rất tiềm năng. Vì vậy, vừa qua, ông đã mạnh dạn hùn vốn với một người bạn để thực hiện một dự án điện gió tại Bình Thuận.