Kinh doanh khó khăn, Vinacomin vẫn quyết định tăng lương

Kinh doanh khó khăn, Vinacomin vẫn quyết định tăng lương

(ĐTCK) Chấp nhận tồn kho than sạch tăng thêm 1,5-2 triệu tấn so với hạn mức đặt ra, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đang gồng mình để giữ đội ngũ thợ lò.

Tồn kho than vào thời điểm cuối năm 2013 đạt tới 8 triệu tấn, đã được ông Lê Minh Chuẩn, Tổng giám đốc Vinacomin thừa nhận.

Hồi đầu năm 2013, kế hoạch được Vinacomin đặt ra là tiêu thụ 43 triệu tấn than sạch. Mặc dù 6 tháng đầu năm, mức tiêu thụ đã đạt 50% kế hoạch, nhưng từ tháng 7/2013 do giá xuất khẩu tiếp tục giảm nhẹ, thuế xuất khẩu tăng (mặc dù từ tháng 9, thuế xuất khẩu điều chỉnh lại 10%), việc xuất khẩu than đã không thể đảm bảo. Cùng với việc tách ra của Tổng công ty Than Đông Bắc với sản lượng 4 triệu tấn, cả năm 2013, sản lượng than tiêu thụ của Vinacomin chỉ đạt 39 triệu tấn.

Trong tổng doanh thu 100.000 tỷ đồng của năm 2013, doanh thu từ than là 55.500 tỷ đồng và toàn Tập đoàn cũng chỉ đạt lợi nhuận hơn 3.000 tỷ đồng (trong đó, sản xuất đóng góp khoảng 80%). Đây là một con số thấp nếu so với doanh thu và khối tài sản đang quản lý.

Ông Nguyễn Văn Biên, Phó tổng giám đốc Vinacomin cho hay, giá than bán cho điện tới tháng 8/2013 mới bằng giá thành sản xuất (trước đó, chỉ bằng 73% giá thành sản xuất). Năm 2013, than bán cho điện là 13,6 triệu tấn, nên nếu bán bằng giá thành, cũng thêm được 3.000 - 4.000 tỷ đồng nữa.

“Sản xuất mà chỉ được bán ra với giá thành, thì lấy đầu ra tích lũy để đầu tư phát triển”, ông Nguyễn Văn Biên nói. 

Tuy vậy, mục tiêu tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu suất lao động cũng được Vinacomin tiếp tục đặt ra với các đơn vị của mình, bởi giá thành sản xuất than năm 2014 vẫn có xu hướng tăng so với năm 2013. Theo đó, các đơn vị thành viên sẽ được giao và kiểm soát chặt chẽ tỷ lệ tổn thất than khai thác, tỷ lệ thu hồi than. Tập đoàn cũng sẽ tiếp tục ban hành các quy định quản lý khối lượng mỏ, tỷ lệ hao hụt trong khâu vận chuyển, lưu kho và tiêu thụ than. 

Cũng để ngăn chặn thất thoát trong quá trình vận chuyển than và hạn chế tối đa việc gây khó khăn cho lái xe trong quá trình vận chuyển từ các đầu nậu than lậu, sau khi quy định thời gian vận chuyển than trên đường chỉ từ 6 giờ đến 18 giờ hàng ngày trong năm 2013, sang năm 2014, Vinacomin đã giao các công ty kho vận trực tiếp nhận than tại kho của mỏ, vận chuyển về các cảng tiêu thụ của Tập đoàn bằng những phương tiện riêng, hoạt động trên những tuyến đã được định sẵn được Tập đoàn phê duyệt. Điều này cũng được báo cáo tới lực lượng vũ trang và chính quyền tỉnh Quảng Ninh để cùng tham gia giám sát.

Năm 2014, mục tiêu về bán hàng của Vinacomin chỉ còn 35 triệu tấn, trong đó bán trong nước là 27 triệu tấn và xuất khẩu 8 triệu tấn. Điều này cũng là thực hiện cam kết của Vinacomin trong việc giá bán trong nước tăng, thì sẽ giảm xuất khẩu, bởi không phải bù lỗ cho than bán nội địa.

Khó khăn trong tiêu thụ than nhưng kể từ ngày 1/1/2014, Vinacomin vẫn quyết định tăng lương thêm 5% cho thợ lò.

Với thực tế tỷ trọng than hầm lò khai thác ngày càng cao và tiến tới chi phối trong khai thác than, việc tìm kiếm thợ hầm lò đang là thách thức với các đơn vị thuộc Vincomin.

Ông Biên cho hay, lương thợ lò khoảng 9-10 triệu/tháng, cao hơn so với mức bình quân của ngành (hiện khoảng 7,6 triệu đồng/người). Tuy nhiên, thợ lò chỉ có thể làm việc trong hầm lò 15-20 năm, chứ không thể làm tới 55-60 tuổi như các ngành khác.

Ông Bùi Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty Than Nam Mẫu, đơn vị đang triển khai việc khai thác hầm lò xuống sâu ở mức -200 m với mục tiêu tới năm 2015 tham gia 2,5 triệu tấn than trong sản lượng của Vinacomin cho hay, đau đầu nhất của lãnh đạo doanh nghiệp than hiện nay là lao động. Trước đây, không có nhiều ngành cạnh tranh, người lao động có thể vì lương cao mà chấp nhận hy sinh nhiều thứ. Còn hiện giờ, lương thợ lò 9-10 triệu đồng/người/tháng, nhưng tuyển rất khó. Thậm chí, phải lên cả các vùng dân tộc để tuyển lao động, mà vẫn không đủ.

Hàng năm ở Vincomin triển khai khoảng 45-50 dự án cải tạo, nâng công suất mỏ. Tuy nhiên, với thực tế suất đầu tư mới hiện đã là 200 USD/tấn cho khai thác hầm lò, nghĩa là để có một mỏ mới công suất 2,5 triệu tấn/năm như Công ty Than Nam Mẫu đang làm, cần số tiền khá lớn, trên 6.000 tỷ đồng.

Với mức giá trị đầu tư xây dựng cơ bản của toàn Vinacomin đạt khoảng 20.000 tỷ đồng hay lợi nhuận cả năm 2013 mới là 3.000 tỷ đồng, trong khi giá than thế giới vẫn đang chững lại, còn hộ tiêu thụ than lớn nhất trong nước là điện mới mua bằng với giá thành sản xuất than, thì cơ hội phủ sóng khoa học công nghệ và thiết bị hiện đại trong ngành than vẫn phải vừa làm, vừa dò.

Tin bài liên quan