Homestay thường tập trung chủ yếu tại các thành phố du lịch như Hội An. Ảnh: Shutterstock

Homestay thường tập trung chủ yếu tại các thành phố du lịch như Hội An. Ảnh: Shutterstock

Kinh doanh homestay và những điều cần lưu ý

(ĐTCK) Đầu tư homestay được xem là hướng đi mới cho các nhà đầu tư cá nhân và các hộ gia đình kinh doanh lưu trú, nhưng đây không phải là “miếng bánh ngon” cho những nhà đầu tư tay mơ.

Kênh đầu tư hấp dẫn...

Khoảng 2 năm trở lại đây, loại hình lưu trú tại nhà dân (homestay) phát triển mạnh, chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn, hay địa phương có tiềm năng du lịch cao như TP.HCM, Hà Nội, Hội An, Đà Lạt, Nha Trang, SaPa… và đang tạo ra nguồn cung phòng lưu trú tốt bổ sung cho ngành du lịch.

Đây được xem là hướng đi mới cho các nhà đầu tư cá nhân và các hộ gia đình kinh doanh lưu trú. Mô hình "cùng ăn, cùng ở, cùng làm" này sẽ gia tăng trải nghiệm cho những khách du lịch. Do đó, những nhà đầu tư tận dụng ngôi nhà của mình ở để kết hợp cho thuê, hoặc thuê lại rồi cải tạo thành những nơi lưu trú hướng đến đối tượng khách trẻ, khách du lịch nước ngoài “du lịch bụi”.

Chị Hòa, hiện đang sống tại quận 2 (TP.HCM) cho biết, đầu năm 2018, chị góp vốn cùng 1 người bạn để thuê mảnh đất rộng 300 m2 tại Đà Lạt để đầu tư kinh doanh homestay. Sau khoảng 3 tháng sửa sang và “setup” theo phong cách Natural - mộc mạc, hài hòa với thiên nhiên, thì đến nay, 5 căn phòng của chị thường xuyên kín khách thuê với mức giá của mỗi phòng khoảng từ 300.000 - 500.000 đồng/ngày.

“Tôi tự lên ý tưởng về không gian, bày trí cây xanh, xây dựng và thiết kế căn nhà với những nguyên liệu như gỗ, lá cọ, mây tre, nứa…, nên homestay của tôi mang phong cách tự nhiên, du khách sẽ cảm thấy tựa như quay về thời ban sơ và gột rửa hoàn toàn stress của cuộc sống. Chưa kể, nội thất được làm từ pallet gỗ tự nhiên, gỗ thông, những chất gỗ có tuổi thọ cao, hợp mọi môi trường và bền đẹp lâu năm, nên tiết kiệm được rất nhiều chi phí”, chị Hòa nói và cho biết thêm, nếu với tình hình kinh doanh ổn định như hiện nay, khoảng 3 năm là chị sẽ hoàn vốn đầu tư.

Kinh doanh homestay và những điều cần lưu ý ảnh 1

Đầu tư homestay đang là trào lưu được nhiều nhà đầu tư trẻ tuổi theo đuổi

Tương tự, anh Đức, 40 tuổi, hiện đang sống tại TP.HCM cho biết, anh đang thuê 1 căn nhà tại phố Bùi Viện, quận 1, TP.HCM để đầu tư homestay. Sau khi thuê, anh Đức sửa sang lại, ngăn phòng nhỏ riêng biệt, đầu tư nội thất, phòng tắm và trang trí căn nhà có nhiều tiểu cảnh.

“Căn nhà này chia thành 3 phòng cho 6 người lưu trú. Mỗi phòng tôi cho thuê với giá 500.000 đồng/ngày đêm. Đối tượng khách thuê hướng tới là những du khách nước ngoài đến “du lịch bụi” tại Việt Nam. Thay vì vào khách sạn và được phục vụ mọi thứ, homestay sẽ tạo cảm giác cùng sống với nhau. Các vị khách sẽ giống như một người bạn, đến thành phố của mình du lịch và ghé nhà mình ở", anh Đức chia sẻ.

Theo các nhà đầu tư này, mô hình homestay đang được giới trẻ quan tâm và đầu tư. Nguyên do bởi khách du lịch, đặc biệt khách Tây đến Việt Nam ngày càng nhiều và họ muốn thăm thú nhiều nơi mà mất ít thời gian nhất, nên địa điểm chọn để làm homestay cũng phải thuận tiện để khách di chuyển. Nơi tiện nhất để làm homestay được nhà đầu tư lựa chọn là ở khu trung tâm vừa đi lại thuận lợi, vừa có sẵn các tiện ích hiện hữu, sầm uất.

Không dành cho tay chơi nghiệp dư

Theo JLL, nguồn thu đáng kể do homestay đem lại đã hấp dẫn nhiều nhà đầu tư tại Việt Nam mạnh dạn đầu tư vào mô hình mua nhà để cho thuê, hoặc đứng ra thuê nhà dài hạn, sau đó có thể đầu tư cho thuê lại ngắn hạn với giá cao hơn.

Tuy nhiên, có không ít nhà đầu tư nhận ra rằng, tổng doanh thu trong 1 tháng không đủ để trả được tiền thanh toán định kỳ hoặc tiền lãi. Do đó, trước khi quyết định đầu tư vào loại hình này, các nhà đầu tư cần lưu ý đến một số vấn đề như vị trí, cách quản lý, không ngừng gia tăng dịch vụ.

Cụ thể, nếu hướng đến các dịch vụ cho thuê ngắn hạn, thì hãy chọn những căn nhà hay khu đất gần địa điểm du lịch hoặc sân bay. Vị trí đó có kết nối với hạ tầng giao thông tốt và các tiện ích đi kèm như cửa hàng tiện lợi hoặc khu ẩm thực… Hơn nữa, việc quản lý nhiều địa điểm lưu trú trong cùng thời điểm là điều không dễ dàng, nên việc thiếu kinh nghiệm quản lý có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng về an ninh, thiệt hại tài sản và danh tiếng. Vì vậy, chủ nhà nên thuê nhân viên quản lý có kinh nghiệm để đảm bảo khoản đầu tư lâu dài.

“Trước khi đầu tư, các nhà đầu tư nên nghĩ xem cơ sở của mình mang lại điều gì tuyệt vời hơn những khách sạn truyền thống trong cùng mức giá. Bởi phần lớn khách du lịch phượt sẽ chọn phương án nhà ở trải nghiệm thay vì phòng khách sạn truyền thống. Do đó, homestay sử dụng chiến lược trải nghiệm cùng người địa phương + giá cả cạnh tranh là chìa khóa vàng để thành công”, đại diện JLL chia sẻ.

Đồng quan điểm, ông Phan Công Chánh, Tổng giám đốc Công ty Phú Vinh cho biết, loại hình kinh doanh homestay đã thực sự bùng nổ thành một làn sóng đầu tư trong các năm 2017 - 2018 và kéo dài đến nay. Người thắng nhiều, kẻ thua cũng không ít, và học phí cho kênh đầu tư này thực chất không hề rẻ.

Theo ông Chánh, các lỗi phổ biến nhà đầu tư thường mắc phải là luôn nghĩ tỷ lệ lấp đầy sẽ đạt 100%, nhưng điều này gần như bất khả thi. Ngoài ra, không biết quản lý, chọn sai khu vực không phù hợp làm homestay, hay đầu tư nội thất quá đắt khiến khấu hao bị lỗ hoặc không đúng xu gu thị trường…

“Nhiều nhà đầu tư cá nhân chưa có kinh nghiệm nhưng bị hấp dẫn bởi hào quang của mô hình này nên có tâm lý ảo tưởng kịch bản kinh doanh màu hồng. Họ dễ chạy theo đám đông mà không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kiến thức, kinh nghiệm, tài chính, đội nhóm, nhân sự nên khi gặp khó khăn dễ buông xuôi, bỏ cuộc”, ông Chánh nói và nhấn mạnh, đây là một cuộc chiến đầy cam go, đầy thách thức. Để thành công cần hiểu biết thấu đáo, va chạm thực tế đến "u đầu mẻ trán" và có sự nỗ lực kiên trì, chứ không chỉ hiểu biết qua loa mà lâm trận được.

Cũng theo vị chuyên gia này, những người có ý định đầu tư vào mô hình homestay cần lưu ý những vấn đề sau. Thứ nhất, căn đầu tiên làm homestay chỉ nên xem là học việc, cần thận trọng chứ đừng vội táo bạo bỏ vốn lớn. Bởi lẽ, có hàng trăm thứ một nhà đầu tư cá nhân phải đối mặt khi va chạm thực tế, không có chuyện chỉ "nghe ai đó nói", "nhìn ai đó làm" là có ngay công thức thành công.

Thứ hai, bản chất của các kênh khai thác homestay như airbnb, Booking, Agoda chỉ là cho thuê ngắn hạn. Việc duy trì tỷ lệ lấp đầy trong thời gian dài đòi hỏi nỗ lực lớn của nhà đầu tư cá nhân và phải không ngừng cải tiến, học hỏi. Các yếu tố cơ bản buộc phải đúng ngay từ đầu gồm: chọn vị trí phù hợp với mô hình, chọn nội thất giá tiền vừa phải nhưng không kén khách, hợp đồng thuê tối thiểu 3 - 5 năm nếu suất đầu tư lớn và quản lý khoa học, linh hoạt.

Thứ ba, đừng đầu tư vì sở thích nhất thời, cũng đừng chạy theo trào lưu, vì cái gì một thời rộ lên rồi cũng có ngày chìm xuống. Chỉ nên ra quyết định kinh doanh khi bạn am hiểu rõ ngành này, vì chỉ có nhất nghệ tinh mới ổn định lâu dài. Thị trường cho thuê homestay sắp tới sẽ bước vào giai đoạn cạnh tranh khốc liệt khi nguồn cung bùng nổ.

"Những tay chơi nghiệp dư sẽ không có chỗ trong cuộc đua đường trường. Không nên đổ vốn lớn vào kênh này ngay từ thời gian đầu học việc, cũng đừng chạy theo phong trào. Cần trang bị và học hỏi kiến thức bài bản trước khi bắt tay vào làm homestay mới tránh được những rủi ro không đáng có", ông Chánh khuyến cáo.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan