Đóng góp hàng nghìn tỷ đồng
Cụ thể, phí dịch vụ bảo hiểm của Techcombank vẫn tiếp tục tăng 88,4% trong năm 2021, nâng mức phí này lên 1.600 tỷ đồng trong năm qua.
Doanh thu khai thác mới (APE) trong quý IV/2021 tăng 39,5% so với cùng kỳ năm ngoái, và tăng 104,5% so với quý III trước đó, sau khi các biện pháp giãn cách xã hội dần được nới lỏng và nhờ đẩy mạnh mối quan hệ đối tác giữa Techcombank và Manulife Việt Nam.
Lãnh đạo ACB cũng cho hay, mảng kinh doanh bảo hiểm trong năm qua đóng góp trên 1.300 tỷ đồng vào tổng lợi nhuận gần 12.000 tỷ đồng của Ngân hàng năm 2021.
Tổng giám đốc OCB, ông Nguyễn Đình Tùng cho biết, năm qua thu từ mảng bảo hiểm đóng góp gần 300 tỷ đồng vào tổng lợi nhuận 5.519 tỷ đồng trước thuế trong 2021.
Đánh giá được đưa ra từ Tổng giám đốc OCB, triển vọng tăng trưởng mảng dịch vụ tại Việt Nam hiện còn rất lớn, nhất là bảo hiểm. Vì bảo hiểm là ngành đang còn nhiều tiềm năng phát triển ở Việt Nam, nhiều công ty bảo hiểm nước ngoài và cả trong nước đang muốn tham gia thị trường.
Các sản phẩm bảo hiểm hiện nay rất đa dạng: vừa bảo hiểm, vừa đầu tư sinh lời, bán kèm sản phẩm tiền gửi...
Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là các ngân hàng, Công ty bảo hiểm phải cho khách hàng nhìn thấy được lợi ích của sản phẩm từ việc sáng tạo hơn trong xây dựng các sản phẩm bảo hiểm cũng như triển khai nhiều phương thức truyền thông đến khách hàng.
Năm 2021, VIB ghi nhận tổng thu nhập hoạt động đạt gần 15.000 tỷ đồng. Thu nhập từ phí do các sản phẩm dịch vụ như bancassurance và thẻ, đóng góp gần 20%. Theo tính toán của Chứng khoán SSI, bán lẻ bảo hiểm thường chiếm 20% lợi nhuận trước thuế của VIB.
Sẽ tăng trưởng mạnh trong 2022
Năm 2022, mảng dịch vụ và đầu tư được kỳ vọng sẽ tiếp tục mang lại lợi nhuận cao, nhất là khi các ngân hàng vẫn đang đẩy mạnh ký kết các hợp đồng bán chéo bảo hiểm.
Thậm chí, thu nhập phí của ACB được kỳ vọng đạt 3.400 tỷ đồng trong năm 2022, tăng 27% so với năm 2021.
Trong đó, doanh thu từ bancassurance và khoản phí trả trước (được phân bổ trong vòng 15 năm và bắt đầu từ năm 2021) sẽ là động lực chính giúp thúc đẩy thu nhập phí của ACB trong 2022 và những năm sau.
Trước đó, lãnh đạo ACB cho biết, khoản phí trả trước cho hợp đồng này là 370 triệu USD (tương đương khoảng 8.500 tỷ đồng) và được chi trả toàn bộ bằng tiền mặt cùng các khoản thanh toán khác trong suốt quá trình hợp tác độc quyền 15 năm với Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Sun Life Việt Nam.
Giai đoạn 2021 - 2022, Yuanta Việt Nam dự báo lợi nhuận của ACB sẽ tăng trưởng tốc độ kép lên đến 20,8%/năm với lực đẩy mạnh mẽ từ việc ghi nhận dần số tiền trả trước từ thương vụ bancassurance độc quyền.
Yuanta Việt Nam đưa ra giả định, ACB sẽ ghi nhận 1.700 tỷ đồng/năm phí trả trước trong giai đoạn này, theo đó, thu nhập ngoài lãi của ACB sẽ tăng 28,4% lên 5.893 tỷ đồng năm 2021 và tăng 16,6% lên 6.559 tỷ đồng năm 2022.
Do đó, đóng góp từ thu nhập ngoài lãi sẽ tăng lên mức 27,5% tổng thu nhập từ hoạt động kinh doanh giai đoạn 2021-2022.
Cùng với sự ổn định về tỷ lệ chi phí hoạt động, chi phí tín dụng (tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 1%) và tín dụng khả quan, ACB ước ghi nhận lợi nhuận trước thuế năm 2021 ở mức 10.838 tỷ đồng (tăng 21%) và năm 2022 là 13.894 tỷ đồng (tăng 20,5%).
Với VietinBank (mã CTG), Chủ tịch HĐQT Trần Minh Bình cho biết, kế hoạch hợp tác với Manulife triển khai từ giai đoạn 2019 - 2020, nhưng do có sự thay đổi về tiến độ nên từ quý I/2022 mới bắt đầu ghi nhận phí trả trước từ hợp đồng bán chéo bảo hiểm.
Theo phân tích của Chứng khoán Bảo Việt, nếu VietinBank phân bổ phí trả trước bảo hiểm trong 4 năm thì con số ghi nhận trong năm 2022 có thể đạt gần 1.400 tỷ đồng.
VietinBank và Manulife Việt Nam vừa kích hoạt thỏa thuận hợp tác độc quyền kéo dài 16 năm, đánh dấu một chương mới đầy kỳ vọng cho hai tổ chức tài chính với những kế hoạch chung.
Theo thỏa thuận đã ký kết và có hiệu lực kể từ ngày 29/12/2021, Manulife Việt Nam chính thức là nhà phân phối độc quyền các giải pháp bảo hiểm nhân thọ cho khách hàng của VietinBank.
Một danh mục các giải pháp bảo hiểm, tài sản và hưu trí đa dạng sẽ dần được phân phối thông qua mạng lưới ngân hàng của VietinBank.
Một trong những sản phẩm đầu tiên sẽ được phân phối cho khách hàng của VietinBank là “Điểm Tựa Thịnh Vượng” - một sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư được thiết kế nhằm hỗ trợ khách hàng tham gia đầu tư vào các quỹ được quản lý bởi những chuyên gia hàng đầu; đồng thời an tâm trước rủi ro với nhiều quyền lợi bảo vệ khác.
Còn chứng khoán SSI tính toán, mức phí trả trước mà Vietinbank nhận được từ thỏa thuận bancassurance độc quyền với Manulife vào khoảng 350 triệu USD. Theo đó, trong 5 năm tới, thu nhập từ kênh bán chéo bảo hiểm của VietinBank sẽ tăng 30 - 50% so với cùng kỳ.
Mức đóng góp của kênh bancassurance rất lớn khi so với tổng thu nhập của nhà băng này. Năm 2020, tổng thu nhập của Vietinbank đạt 45.280 tỷ đồng, trong khi 9 tháng năm ngoái đạt hơn 39.260 tỷ đồng.
Đối với MSB, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) ước tính hợp đồng với Prudential có thể đem về cho MSB khoản phí trả trước lên đến 3.500 tỷ đồng.
Thu nhập phí, trong đó có bancassurance trở thành điểm sáng của nhiều ngân hàng trong năm 2021. VCBS thống kê doanh số bán bảo hiểm của 14 ngân hàng tham gia cho thấy, hơn 10.200 tỷ đồng đã chảy qua kênh bancassurance trong 10 tháng đầu năm 2021.