Hàng trăm doanh nghiệp Hàn Quốc cung cấp linh kiện cho Samsung và LG Việt Nam

Hàng trăm doanh nghiệp Hàn Quốc cung cấp linh kiện cho Samsung và LG Việt Nam

Kim ngạch thương mại Việt Nam- Hàn Quốc có thể đạt 70 tỷ USD vào năm 2020

(ĐTCK) Đó là khẳng định của ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) tại hội thảo do Kotra tổ chức ngày 17/10.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) đã chính thức có hiệu lực được 3 năm, nhưng đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng hết các lợi ích từ hiệp định này mang lại, trong khi doanh nghiệp Hàn Quốc lại làm rất tốt.

Tại hội thảo “Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam vận dụng FTA Việt - Hàn” do Cơ quan Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc tại Hà Nội (Kotra) tổ chức ngày 17/10, các chuyên gia đến từ Việt Nam, Hàn Quốc đã đưa ra nhiều giải pháp, kiến nghị thiết thực. Trong đó, nhấn mạnh đến việc linh hoạt trong lựa chọn hàng hóa xuất khẩu và tìm hiểu cụ thể quy trình cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa ưu đãi tại Việt Nam.

Ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho biết, sau 3 năm VKFTA có hiệu lực, hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã đạt được nhiều kết quả tốt.

Trong 9 tháng năm 2017, kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam Hàn Quốc đạt 45,09 tỷ USD, tăng gần 87 lần trong hơn 20 năm qua. Hàn Quốc đã vượt Trung Quốc trở thành thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam.

Hiện nay, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Hàn Quốc. Về đầu tư, kể từ tháng 11/2014, Hàn Quốc đã vượt Nhật Bản để trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam và vẫn duy trì ngôi vị này đến nay với 6324 dự án, tổng số vốn đăng ký 55,8 tỷ USD (tính lũy kế đến ngày 20/9/2017).

Hiện nay, Việt Nam nhập khẩu từ Hàn Quốc chủ yếu là máy móc thiết bị; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiên; nguyên phụ liệu dệt may da giày, sắt thép, chất dẻo, hóa chất, phương tiện vận tải, xăng dầu.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu hàng dệt may, điện thoại các loại và linh kiện, thủy sản, gỗ, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, giày dép, phương tiện vận tải và phụ tùng, xơ, sợi dệt các loại… sang Hàn Quốc.

Ông Sơn khẳng định, với đà tăng mạnh như hiện nay, đến năm 2020, mục tiêu kim ngạch hai chiều thương mại Việt Nam - Hàn Quốc đạt 70 tỷ USD hoàn toàn có thể làm được.

Việt Nam và Hàn quốc là hai thị trường có khả năng bổ sung thế mạnh thương mại cho nhau.  Các mặt hàng Hàn Quốc và Việt Nam cam kết cắt giảm thuế theo Hiệp định VKFTA đều có mức tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng nhập khẩu của Việt Nam có xu hướng cao hơn tốc độ tăng truởng xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc.

Kim ngạch thương mại Việt Nam- Hàn Quốc có thể đạt 70 tỷ USD vào năm 2020 ảnh 1

 Các đại biểu tham dự hội thảo hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tận dụng VKFTA.

Hiện nay, các doanh nghiệp Việt vẫn chưa tận dụng tối đa lợi ích mà Hiệp định VKFTA mang lại. Vẫn còn nhiều không gian, dư địa doanh nghiệp Việt cần tìm hiểu, khai thác để kinh doanh hiệu quả hơn.

Bà Trần Kim Oanh, Giám đốc Trung tâm đầu tư phát triển công thương cho biết, hiện Samsung, LG là hai doanh nghiệp lớn đang đầu tư ở Việt Nam. Hàng năm, có 500-600 doanh nghiệp của Hàn Quốc sang Việt Nam cung cấp linh kiện cho họ. Không phải họ chỉ muốn làm ăn với doanh nghiệp cùng quốc gia, mà họ chưa tìm kiếm được doanh nghiệp Việt đáp ứng nhu cầu này.

“Chúng tôi đang có trong tay danh mục 60 loại linh kiện Tập đoàn Samsung muốn tìm kiếm đối tác sản xuất cung ứng cho họ, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất trong nước. Đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tận dụng”, bà Oanh nói.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, doanh nghiệp Việt Nam cần linh hoạt các mặt hàng xuất khẩu. Nếu trước đây, trong danh mục hàng hóa Hàn Quốc nhập từ Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn nhất là sản phẩm thủy hải sản, thì những năm gần đây các mặt hàng máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng, dệt may, túi xách, điện thoại, gỗ …chiếm tỷ trọng cao. Doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung hướng tới các sản phẩm xuất khẩu được hưởng ưu đãi thuế cao từ Hàn Quốc như gỗ, cao su, rau quả, dệt may, giày dép, sơ sợi, nguyên phụ liệu dệt may, da giày…

“Khi vận dụng FTA thì các doanh nghiệp Việt Nam cần phải lưu ý nghiên cứu và chuẩn bị thật kỹ các thủ tục giấy tờ như giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ C/O, am hiểu rõ về hiệp định là điều vô cùng cần thiết”, ông Park Chul Ho, Tổng giám đốc Kotra nhấn mạnh.

Trong vấn đề làm thủ tục xin hưởng ưu đãi, các doanh nghiệp cũng lưu ý cần chuẩn bị hồ sơ C/O ưu đãi, lưu ý lỗi ngôn ngữ trên hồ sơ, kê khai nhiều mặt hàng trên 1 C/O, các mã HS loại trừ phải là nguyên liệu có xuất xứ…

Hiện có nhiều tài liệu hướng dẫn cụ thể doanh nghiệp để tận dụng các ưu đãi từ VKFTA.

“Bộ Công thương luôn sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp, kết nối giao thương, tim hiểu thị trường, tư vấn thông tin, thủ tục để giúp doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm các cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư”, ông Bùi Huy Sơn nhấn mạnh.

Tin bài liên quan