KLS vẫn có cửa để chuyển đổi hoạt động
Trong khi ĐHCĐ của KLS vẫn chưa được tổ chức thì tranh cãi xung quanh vấn đề Kim Long có được chuyển đổi hoạt động từ CTCK sang CTCP thông thường hay không đang là câu chuyện nóng bỏng. Ý kiến của một số luật sư cho rằng, Kim Long nếu muốn rút giấy phép hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán thì sẽ phải giải thể Công ty, do pháp luật Việt Nam chưa có hướng dẫn việc chuyển một DN từ mô hình CTCK sang CTCP bình thường. Nhưng có một điều mà các vị luật sư có lẽ chưa để ý tới, đó là một đặc điểm ra đời của Kim Long và… 54 CTCK khác, liên quan đến thời gian thành lập.
Theo quy định tại Luật Chứng khoán, Giấy phép thành lập và hoạt động của CTCK do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cấp có tác dụng như là Giấy phép đăng ký kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp. Điều này cũng có nghĩa là, khi một CTCK muốn rút giấy phép hoạt động chuyên ngành trong lĩnh vực chứng khoán, công ty ấy chỉ còn nước giải thể để xóa bỏ mô hình CTCK.
Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ, Kim Long được thành lập từ trước năm 2007, tức là trước khi Luật Chứng khoán có hiệu lực. Khi đó, văn bản quy định hướng dẫn việc cấp phép thành lập, hoạt động CTCK là Nghị định số 144/2003/NĐ-CP. Tại Điều 65, Nghị định trên quy định: "Giấy phép kinh doanh chứng khoán được UBCK cấp cho CTCP hoặc công ty TNHH được thành lập để hoạt động kinh doanh, dịch vụ chứng khoán".
Trên thực tế, CTCK Kim Long đã được cấp Giấy chứng nhận Đăng ký kinh doanh số 0103013382 do Sở KH&ĐT Thành phố Hà Nội cấp từ 1/8/2006. Đến ngày 6/10/2006, Công ty mới được cấp giấy phép hoạt động kinh doanh chứng khoán theo Quyết định số 18/UBCK-GPHĐKD của UBCK. Điều này có nghĩa là, giấy phép do UBCK cấp cho Kim Long khi đó được hiểu là giấy phép con cho một lĩnh vực hoạt động chuyên ngành. Trong giấy phép này không có bất kỳ một điều khoản nào phủ nhận giấy phép đăng ký kinh doanh mà Sở KH&ĐT Hà Nội cấp trước đó.
Đến khi Luật Chứng khoán có hiệu lực, cả phía Kim Long, UBCK hay Sở KH&ĐT đều không có bất kỳ sự thay đổi nào mang tính phủ nhận các giấy tờ trước đó (ngoại trừ thay đổi một nội dung là tăng vốn điều lệ thông qua các lần tăng vốn và thay đổi trụ sở chính của Kim Long). Chính vì vậy, nếu Kim Long xin rút giấy phép hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán sẽ được hiểu một cách đơn giản như việc rút giấy phép hoạt động chuyên ngành. Như thế, Kim Long vẫn còn một giấy phép cho phép tồn tại pháp nhân của mô hình CTCP Kim Long là Giấy phép đăng ký kinh doanh mà Sở KH&ĐT đã cấp từ năm 2006. Theo cách tư duy như vậy, ông Phạm Thành Long, Giám đốc Công ty Luật Gia Phạm cho rằng, việc Kim Long có chuyển đổi được ngành nghề hoạt động hay không, không lo gì vướng mắc pháp lý nữa, mà chỉ phụ thuộc vào sự đồng thuận của ĐHCĐ Công ty.
50 CTCK "khai sinh" sau 31/12/2006 không thể chuyển đổi được?
Nếu vấn đề của Kim Long được gỡ một cách đơn giản như tư duy của Luật sư Phạm Thành Long thì với 54 công ty chứng khoán khác thành lập trước năm 2007 như Kim Long khi muốn chuyển đổi ngành nghề hoạt động từ chứng khoán sang lĩnh vực khác cũng sẽ không gặp vướng mắc gì về pháp lý. Tuy nhiên, với 50 CTCK còn lại được thành lập sau 1/1/2007, khi Luật Chứng khoán có hiệu lực, các công ty này chỉ có 1 "giấy khai sinh" từ UBCK, nên nếu muốn chuyển đổi sẽ buộc phải… giải thể công ty.
Nhiều ý kiến cho rằng, với 50 CTCK thành lập theo Luật Chứng khoán, trong điều kiện pháp lý hiện tại khi muốn chuyển đổi ngành nghề hoạt động nếu buộc phải giải thể là không thỏa đáng. Sự hạn chế của Luật Chứng khoán khi chỉ quy định một chiều về điều kiện để thành lập CTCK, mà khuyết mất điều kiện cho phép công ty chuyển đổi hoạt động không chỉ là vấn đề liên quan đến sự tồn tại của một pháp nhân, mà còn liên quan đến quyền kinh doanh của các chủ thể trong nền kinh tế, công ăn việc làm của hàng trăm con người.
Để giải quyết vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần sớm ban hành cơ chế quản lý đăng ký song song theo hướng Sở KH&ĐT có trách nhiệm chấp nhận đương nhiên giấy phép thành lập DN do UBCK cấp. Nếu không, cần sớm ban hành quy định hướng dẫn việc chuyển đổi mô hình hoạt động cho những CTCK thành lập theo Luật Chứng khoán sang công ty thông thường, để đảm bảo CTCK không bị rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan.
Bùi Sưởng
"KLS chỉ cần làm thủ tục điều chỉnh ngành nghề kinh doanh tại Sở KH&ĐT Hà Nội"
Ông Nguyễn Văn Tứ, Phó giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội
Theo Luật Doanh nghiệp, Cơ quan đăng ký kinh doanh (ĐKKD) cấp Giấy chứng nhận ĐKKD là để xác nhận việc thành lập DN, đối với một số trường hợp, điều này không đồng nghĩa với việc DN được phép triển khai các hoạt động kinh doanh ngay. Cụ thể, đối với các ngành, nghề mà pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan quy định phải có điều kiện, thì DN chỉ được kinh doanh ngành, nghề đó khi có đủ điều kiện theo quy định. Theo đó, điều kiện kinh doanh là yêu cầu mà DN phải có hoặc phải thực hiện khi kinh doanh ngành nghề cụ thể, được thể hiện bằng Giấy phép hoạt động kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, yêu cầu về vốn pháp định hoặc yêu cầu khác...
Do chứng khoán là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, nên với trường hợp của CTCK Kim Long (KLS), sau khi được Sở KH&ĐT Hà Nội cấp Giấy chứng nhận ĐKKD năm 2006, tiếp đó được UBCK cấp Giấy phép hoạt động kinh doanh chứng khoán, thì KLS mới được tiến hành kinh doanh trong lĩnh vực chứng khoán. Nay KLS hay các CTCK nào khác tương tự như KLS không muốn kinh doanh trong lĩnh vực chứng khoán nữa, mà có nhu cầu chuyển sang kinh doanh trong các lĩnh vực khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp, thì Sở KH&ĐT Hà Nội phải căn cứ vào Giấy chứng nhận ĐKKD mà Sở đã cấp cho các DN để xử lý.
Thứ nhất, nếu Giấy chứng nhận ĐKKD mà DN được cấp đăng ký hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực kinh doanh chứng khoán, thì sau khi UBCK rút Giấy phép hoạt động kinh doanh chứng khoán, nghiễm nhiên ngành nghề này trong Giấy chứng nhận ĐKKD do Cơ quan ĐKKD cấp bị vô hiệu, nghĩa là DN không được phép triển khai các hoạt động kinh doanh đó nữa. Khi đó, DN phải đến Cơ quan ĐKKD làm thủ tục xoá ngành nghề kinh doanh chứng khoán trong Giấy chứng nhận ĐKKD và các ngành nghề còn lại DN vẫn được phép hoạt động theo luật định.
Thứ hai, trong trường hợp Giấy chứng nhận ĐKKD mà DN được cấp chỉ đăng ký hoạt động duy nhất trong lĩnh vực chứng khoán, ví dụ như trường hợp của KLS, thì sau khi UBCK rút Giấy phép hoạt động kinh doanh chứng khoán, DN có quyền đến Sở KH&ĐT Hà Nội làm thủ tục điều chỉnh ngành nghề kinh doanh bằng cách xin xoá lĩnh vực kinh doanh chứng khoán khỏi Giấy chứng nhận ĐKKD, đồng thời bổ sung các ngành nghề kinh doanh mới theo nhu cầu của DN. Việc thực hiện thủ tục này khá thông thoáng, chứ không có gì phức tạp.
"Khi DN khai sinh không thể dễ dàng để nó 'chết'"
Thành viên Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ KH&ĐT
Về nguyên tắc, khi DN khai sinh không thể dễ dàng để nó "chết", vì làm như vậy sẽ gây ảnh hưởng lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, cũng như các bên có liên quan khác. Sự kiện KLS muốn chuyển đổi ngành nghề hoạt động tới đây có thể sẽ còn nhiều CTCK cũng muốn theo hướng này. Trong khi đó, hiện chưa có quy định pháp lý hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục chuyển đổi đối với DN kinh doanh các ngành nghề có điều kiện sang các lĩnh vực kinh doanh thông thường, nên gây ra nhiều cách hiểu trái chiều, khiến DN lúng túng. Để tháo gỡ vướng mắc này, đã đến lúc các cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh cho DN hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh có điều kiện cần chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan, trong đó có Bộ KH&ĐT xây dựng Thông tư hướng dẫn chi tiết về vấn đề này theo hướng: sau khi các cơ quan cấp Giấy phép hoạt động kinh doanh chuyên ngành rút giấy phép kinh doanh, nếu DN không muốn phá sản, giải thể, thì chỉ cần đến Sở KH&ĐT nơi DN có trụ sở để nộp hồ sơ làm thủ tục điều chỉnh ngành nghề kinh doanh là đủ. Sau khi được cấp Giấy chứng nhận ĐKKD, thì DN được phép tiến hành các hoạt động kinh doanh theo quy định.
"Công ty Chứng khoán Kim Long vẫn có thể sử dụng Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh để thay đổi, bổ sung ngành nghề"
Bà Dương Thị Mai Hương, Công ty Hợp danh Luật Việt
Trong trường hợp Công ty Kim Long đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp và có giấy phép được cấp bởi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trước khi Luật Chứng khoán 2006 có hiệu lực, Kim Long vẫn có thể tiếp tục sử dụng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh này để thay đổi, bổ sung các ngành nghề kinh doanh của mình với Sở Kế hoạch và Đầu tư. Xin lưu ý là hiện nay không có văn nào quy định về việc mất hiệu lực hay thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mà công ty chứng khoán đã được cấp trước đây và như vậy giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh này vẫn còn hiệu lực trên thực tế.
Mặt khác, khi không tiến hành các hoạt động kinh doanh chứng khoán, Kim Long có thể không nhất thiết phải giải thể để Ủy ban Chứng khoán thu hồi lại Giấy phép mà có thể tạo ra một sự kiện pháp lý khác phù hợp với Điểm a và c, Khoản 2, Điều 70, Luật Chứng khoán:
Công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ bị thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động trong các trường hợp sau đây:
a) Không tiến hành hoạt động kinh doanh chứng khoán trong thời hạn mười hai tháng, kể từ ngày được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động;
c) Không khắc phục được các vi phạm quy định tại các điểm a, c và d khoản 1 Điều này trong thời hạn sáu mươi ngày, kể từ ngày bị đình chỉ hoạt động.
Nếu bị thu hồi giấy phép kinh doanh chứng khoán thì CTCK Kim Long vẫn hoạt động trên cơ sở giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp trước đây theo Luật Doanh nghiệp.