Tranh chấp kéo dài
Vào năm 1995, Công ty TNHH một thành viên Kim loại màu Thái Nguyên hợp tác với Công ty Teparak International của Thái Lan thành lập Công ty Liên doanh Công nghiệp kẽm Việt Thái (Công ty Việt Thái) tại Việt Nam nhằm thực hiện dự án xây dựng nhà máy sản xuất bột oxit kẽm với vốn pháp định 2,15 triệu USD.
Theo cam kết, phía Việt Nam sẽ góp 40% vốn (tương đương 860.000 USD), nhưng mới góp được 562,6 triệu đồng thì việc thành lập liên doanh tạm dừng.
Năm 2002, Công ty Teparak International đã chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp trong liên doanh cho Công ty I.R.D.C Exploration and Mining (một pháp nhân của Thái Lan) để kế thừa thực hiện đầu tư.
Trước đó, ngày 20/6/2001, Eximbank Thái Lan và Công ty Việt Thái đã ký hợp đồng tín dụng.
Theo đó, Eximbank Thái Lan cho Công ty Việt Thái vay 9,05 triệu USD. Trong quá trình thực hiện hợp đồng tín dụng, Eximbank Thái Lan đã giải ngân tổng cộng 15 lần, với tổng số tiền Công ty Việt Thái đã nhận được là 9,03 triệu USD.
Cùng ngày, Công ty TNHH một thành viên Kim loại màu Thái Nguyên, nay là Công ty cổ phần Kim loại màu Thái Nguyên - Vimico (TMC) và Eximbank Thái Nguyên cùng nhau ký hợp đồng cấp vốn.
Theo thỏa thuận, TMC có trách nhiệm cấp vốn cho Công ty Việt Thái và đứng ra thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản vay nếu Công ty Việt Thái không có khả năng thanh toán, hoặc không thực hiện đúng theo thỏa thuận tại hợp đồng tín dụng.
Trong quá trình thực hiện hợp đồng tín dụng, Công ty Việt Thái đã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản vay đúng hạn với Eximbank Thái Lan.
Eximbank Thái Lan đã yêu cầu TMC thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho Công ty Việt Thái. Tuy nhiên, TMC không thực hiện nghĩa vụ theo cam kết của mình.
Ngày 14/8/2012, Eximbank Thái Lan đã nộp đơn khởi kiện đến Trung tâm Trọng tài Thái Lan yêu cầu TMC thực hiện nghĩa vụ thanh toán thay cho Công ty Việt Thái với theo cam kết trong hợp đồng cấp vốn.
Ngày 23/5/2014, Trung tâm Trọng tài Thái Lan đã ban hành phán quyết yêu cầu TMC thanh toán cho Eximbank Thái Lan số tiền nợ gốc và lãi của Công ty Việt Thái tính đến thời điểm khởi kiện là 13,78 triệu USD.
Không đồng ý với phán quyết trên, TMC đã gửi yêu cầu hủy phán quyết trọng tài đến tòa án có thẩm quyền tại Thái Lan. Tòa án Dân sự Thái Lan sau đó không chấp nhận yêu cầu của TMC, Công ty đã gửi đơn kháng cáo đến Tòa án Tối cao Thái Lan.
Ngày 23/3/2017, Tòa án Tối cao Thái Lan đã ban hành quyết định cuối cùng công nhận phán quyết trọng tài được thực hiện đúng pháp luật và không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của TMC. Eximbank Thái Lan đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết trọng tài, yêu cầu TMC phải trả cho Eximbank Thái Lan số tiền 13,78 triệu USD.
Vụ việc đã được đem ra xử lý tại Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên vào tháng 7/2019.
Tại đây, TMC cho rằng, trọng tài Thái Lan đã vi phạm nghiêm trọng về tố tụng trọng tài, trong đó có 2 lý lẽ chính là TMC không tham gia ký kết và không công nhận sự tồn tại của hợp đồng cấp vốn, trường hợp do cá nhân ông Lê Xuân Trường, Giám đốc TMC ký kết (nếu có) là không đại diện cho TMC.
TMC khẳng định không tham gia vào việc vay vốn, hoàn toàn do phía đối tác là Công ty Teparak International làm việc với Eximbank Thái Lan. TMC đã gửi các văn bản đến Terapak Thái Lan khẳng định việc không tham gia ký kết bất kỳ văn bản nào liên quan đến việc vay vốn.
Theo quy định tại Ðiều 15 - Ðiều lệ Công ty của TMC, việc ký kết các hợp đồng kinh tế liên quan đến nước ngoài có giá trị lớn phải được Tổng công ty Vimico (Công ty mẹ của TMC) phê duyệt.
Tuy nhiên, trong hồ sơ không có văn bản nào thể hiện trước, trong hay sau thời điểm ký kết hợp đồng cấp vốn có tài liệu thể hiện Vimico phê duyệt cho ông Lê Xuân Trường ký kết hợp đồng cấp vốn với Eximbank Thái Lan.
Thỏa thuận do ông Trường ký mà không đóng dấu theo quy định của pháp luật Việt Nam được xác định là giao dịch của cá nhân ông Trường.
Con theo kiện, mẹ chịu tiền
TMC cổ phần hóa vào năm 2014. Theo đó, toàn bộ 7,096 triệu cổ phần TMC được bán hết cho 1 nhà đầu tư cá nhân và 1 nhà đầu tư tổ chức với giá bình quân 18.888 đồng/cổ phần.
Khi phê duyệt phương án cổ phần hóa TMC, Hội đồng quản trị Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin, Công ty mẹ của Vimico) đã yêu cầu TMC có trách nhiệm kế thừa nghĩa vụ với khoản vốn góp vào Công ty Việt Thái, đồng thời tiếp tục thực hiện vai trò của cổ đông góp vốn trong liên doanh này theo quy định.
Tuy nhiên, đáng chú ý là TMC chỉ phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ pháp lý với tư cách là cổ đông góp vốn của công ty liên doanh, còn Vimico với tư cách là Công ty mẹ sẽ thực hiện nghĩa vụ vật chất liên quan trong trường hợp phán quyết được công nhận và thi hành ở Việt Nam.
Theo đề xuất của Vinacomin, Vimico sẽ được trích lập dự phòng khoản tiền hơn 13 triệu USD khi quyết toán cổ phần hóa TMC. Trường hợp không phải thi hành nghĩa vụ vật chất thì khoản trích lập dự phòng trên sẽ được hoàn trả lại Nhà nước.
Hiện nay, trong cơ cấu cổ đông của Vimico, cổ đông nhà nước do Vinacomin đại diện chủ sở hữu nắm giữ 98% cổ phần.
Ðiều này có nghĩa, dù Vimico đã quyết toán cổ phần hóa hay chưa, Nhà nước vẫn có thể chịu thiệt hại hàng chục triệu USD từ vụ tranh chấp.
Tuy nhiên, câu hỏi ai phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại có thể phát sinh liên quan đến hợp đồng tài trợ vốn này đến nay vẫn chưa có câu trả lời.
TMC cho biết, trong hợp đồng tài trợ vốn với Eximbank Thái Lan, chỉ có chữ ký của ông Lê Xuân Trường, không đóng dấu của TMC. Trong khi đó, Công ty Việt Thái có đủ chữ ký của người đại diện theo pháp luật và được đóng dấu pháp nhân của công ty này.