Kiều hối về TP.HCM tăng mạnh trong quý đầu năm, đạt gần 3 tỷ USD

Kiều hối về TP.HCM tăng mạnh trong quý đầu năm, đạt gần 3 tỷ USD

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chỉ tính riêng quý đầu năm nay, lượng kiều hối chuyển về TP.HCM đạt gần 3 tỷ USD và kỳ vọng tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới. 

Chia sẻ tại tọa đàm "Nắn dòng kiều hối vào hạ tầng" sáng ngày 23/4 do Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM cho biết, quý I/2024, kiều hối chuyển về TP.HCM đạt 2,869 tỷ USD, tăng 3,5% so với quý trước và tăng 35,4% so với cùng kỳ.

Đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong 3 năm gần đây (quý I/2023 kiều hối tăng 19,4%; năm 2022 tăng 14,2%), đồng thời nếu so với tổng lượng kiều hối chuyển về năm 2023 thì con số ghi nhận được trong 3 tháng đầu năm 2024 bằng 30,3%.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới vẫn còn khó khăn và xung đột địa chính trị phức tạp, kết quả kiều hối của quý I/2024 tiếp tục phản ánh xu hướng tăng trưởng và những tác động tích cực đối với hoạt động kinh tế xã hội, trong vai trò nguồn vốn để khai thác, sử dụng, hỗ trợ phát triển.

Theo ông Lệnh, kết quả kiều hối đạt tích cực được hỗ trợ bởi các yếu tố như kiều hối chuyển về từ khu vực châu Á tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất, đạt 59,1% trong tổng lượng kiều hối chuyển về trong quý I, tốc độ tăng trưởng ở mức 7,5% so với quý trước và tăng 86,1% so với cùng kỳ.

Trước đó, kết thúc thúc 2023, lượng kiều hối chuyển về thành phố đạt 9,46 tỷ USD, tăng 43,3% so với năm 2022, là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm trở lại đây và tiếp tục duy trì tỷ trọng cao so với tổng lượng kiều hối của cả nước ở mức trên 50%.

“Nếu đặt quy mô kiều hối trong mối liên hệ so sánh với tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào TP. HCM năm 2023, thì lượng kiều hối gấp 2,7 lần và bằng khoảng 14% GRDP của thành phố”, ông Lệnh cho hay.

Nguồn kiều hối chuyển về thành phố trong năm 2023 gắn liền với xu hướng tăng trưởng lao động và làm việc ở nước ngoài. Trong suốt 5 năm trở lại đây, nguồn kiều hối chuyển về TP.HCM luôn trong xu hướng tăng trưởng qua từng năm và chiếm tỷ trọng cao so với cả nước. Cụ thể, năm 2018, kiều hối chuyển về thành phố chiếm 44,1% so cả nước; năm 2019 là 48%; năm 2020 là 53,8%; năm 2021 là 52,8% và năm 2022 đạt 55,03%.

Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài thông tin, hơn 190 tỷ USD là lượng kiều hối về Việt Nam trong 30 năm. Theo đó, lượng kiều hối gửi về nước tính từ năm 1993 (năm đầu tiên thống kê kiều hối) đến năm 2022 đạt trên 190 tỷ USD, gần bằng nguồn vốn FDI đã giải ngân trong cùng kỳ.

Năm 2022, lượng kiều hối đạt 19 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2021, đưa Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia trên thế giới về nhận kiều hối. Tại báo cáo "Điểm lại tháng 8/2023", Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kiều hối Việt Nam năm 2023 đạt 14 tỷ USD và 14,4 tỷ USD năm 2024.

Bà Vũ Thị Huỳnh Mai, Chủ nhiệm Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài TP. HCM cho biết, TP. HCM nhìn nhận tầm quan trọng của kiều hối đối với phát triển kinh tế - xã hội của thành phố nên đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài, người lao động ở nước ngoài chuyển tiền về nước.

Cụ thể, không đánh thuế thu nhập đối với các khoản ngoại tệ chuyển về từ kiều bào, chính sách cho phép người nhận giữ ngoại tệ hay gửi ngoại tệ tại các tổ chức tín dụng.

Đồng thời, bà Mai cũng thông tin thêm về Đề án “Chính sách kiều hối trên địa bàn TP. HCM giai đoạn 2023 – 2030” mà Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài TP. HCM đang chủ trì tham mưu xây dựng, hoàn thiện.

Theo đó, một trong những mục tiêu chính của đề án là nắn dòng kiều hối vào hạ tầng, vào sản xuất, kinh doanh… để tạo sản phẩm cho xã hội, tạo công ăn việc làm. Cụ thể, khi đề án được triển khai, sẽ có ít nhất 5 dự án phát triển kinh tế - xã hội tại TP. HCM có sự đóng góp từ nguồn lực kiều hối.

Về đề xuất phát hành trái phiếu kiều bào để thu hút kiều hối, bà Mai cho biết, Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM đã tiếp thu đưa vào đề án. Một trong những sản phẩm chính của đề án là trái phiếu kiều hối, cùng với đó là 8 nhóm giải pháp để thực hiện chính sách thu hút và phát huy nguồn lực kiều hối như: tăng cường thông tin tuyên truyền, hỗ trợ nâng cao tay nghề của người lao động khi ra nước ngoài làm việc.

Tại buổi tọa đàm, ông Trần Minh Khoa, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Kiều hối Sacombank cho biết, lượng kiều hối chuyển qua công ty 5 năm gần đây là hơn 10 tỷ trong tổng số 87 tỷ USD trong giai đoạn 2019-2023.

Kể cả trong cao điểm dịch Covid-19 vẫn ghi nhận tăng trưởng kiều hối rất mạnh từ các nước chuyển về. Đặc biệt 2023, Công ty Kiều hối Sacombank đã đem về khoảng gần 4 tỷ USD, trong đó TP.HCM chiếm 60%. Trong quý I/2024, kiều hối chuyển về qua Công ty đạt hơn 1 tỷ USD và ông Khoa nhận định khả năng kiều hối còn tích cực.

Qua kinh nghiệm thực tiễn cung ứng dịch vụ cho kiều bào, ông Khoa cho rằng có 4 vấn đề người lao động chuyển tiền về quan tâm. Trước hết là sự tin tưởng của người Việt Nam ở nước ngoài khi gửi tiền về, làm sao để họ yên tâm, chắc chắn tiền sẽ đến tay thân nhân an toàn, nhanh nhất, với mức chi phí thấp nhất.

Ngược lại, với thân nhân của kiều bào, người lao động, công ty cam kết mang đến dịch vụ tối ưu, với thời gian cực nhanh, trước đây vài ngày, giờ chỉ khoảng vài chục giây là nhận được, từ đó tạo niềm tin cho người nhận tiền khi gửi - nhận tiền qua kênh chính thống của ngân hàng.

Ông Khoa cho biết, kiều hối là dòng tiền một chiều, đến tay người nhận là kết thúc. Người nhận tùy ý sử dụng, nhưng công ty cũng tìm hiểu thêm và được biết chủ yếu sử dụng cho nhu cầu cá nhân như tiêu dùng, đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình và đầu tư bất động sản. Tuy nhiên cũng chưa có khảo sát quy mô để có số liệu cụ thể.

Tin bài liên quan