Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của các biến chủng mới gây khó khăn cho sự phục hồi kinh tế tại nhiều quốc gia có lao động người Việt, nhưng không tác động nhiều đến lượng kiều hối đổ về Việt Nam.
Kiều hối vẫn chảy mạnh về Việt Nam nói chung và khu vực TP.HCM nói riêng. Cụ thể, tại TP.HCM, theo NHNN Chi nhánh TP.HCM, ước tính cả năm 2021, Thành phố thu hút được khoảng 6,5 - 6,6 tỷ USD kiều hối và từ nay đến Tết Nguyên đán 2022, lượng kiều hối vẫn tiếp tục được chuyển về.
Tại buổi gặp gỡ kiều bào dịp tết Nhâm Dần diễn ra ngày 25/1, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết, đến giờ này Thành phố đã kiểm soát được dịch Covid-19, có thể tổ chức vui xuân đón Tết và gặp mặt nhau trong những ngày Tết đoàn viên.
Trong điều kiện khó khăn, TP.HCM đặc biệt quan tâm đến an sinh xã hội, nhờ vậy người dân ổn định được đời sống, vượt qua giai đoạn khó khăn.
Để có được những kết quả này là nhờ sự chung sức đồng lòng, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn của người dân thành phố, trong đó có sự quan tâm, giúp đỡ chia sẻ của người dân TP.HCM đang sinh sống ở nước ngoài.
Theo ông Mãi, năm 2021, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của TP.HCM đạt 7,38 tỷ USD, tăng trên 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng kiều hối của bà con nước ngoài gửi về đạt trên 6,6 tỷ USD.
Còn cả nước, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc thường trực NHNN cho biết, kiều hối năm 2021 ước đạt 12,5 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2020. Trong số đó, khoảng 70% lượng kiều hối được gửi qua các tổ chức tín dụng, 28% gửi qua các công ty kiều hối, 2% gửi qua bưu điện.
Phó thống đốc Tú nhấn mạnh, dù kiều bào gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch, song vẫn quan tâm, hướng về quê hương. Lượng kiều hối gửi về không chỉ góp phần nâng cao đời sống của người dân trong nước, mà còn là nguồn lực tài chính quan trọng đối với sự phát triển kinh tế đất nước.
Lượng kiều hối gia tăng mạnh trong năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán 2022 một phần do giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, nên những người ở nước ngoài đã chuyển tiền về hỗ trợ người thân. Bên cạnh đó, một lượng lớn kiều hối chuyển về nước chảy vào các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản...
Tuy nhiên, kiều hối gửi về không chỉ góp phần nâng cao đời sống của người dân trong nước, mà còn là nguồn lực tài chính quan trọng đối với sự phát triển kinh tế đất nước.
Trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Hợp tác quốc tế về người di cư (KNOMAD) dự báo, lượng kiều hối về Việt Nam năm 2021 ở mức 18,1 tỷ USD, đứng thứ 8 thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Kiều hối được dự báo tăng 2,6% trong năm 2022. Tuy nhiên, giới phân tích tài chính cho rằng, rủi ro lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế nói chung và kiều hối nói riêng ở quy mô toàn cầu là số ca nhiễm Covid-19 tăng trở lại và các biện pháp hạn chế đi lại được tái lập.