Ông Trần Văn Trung

Ông Trần Văn Trung

Kiều hối từ nguồn xuất khẩu lao động tăng mạnh

(ĐTCK) Tổng giám đốc Công ty Kiều hối Đông Á (DongA Bank), ông Trần Văn Trung cho biết, kiều hối chuyển về từ các nước và vùng lãnh thổ có nhiều lao động Việt Nam làm việc đang gia tăng, đặc biệt là Malaysia và Đài Loan.

Trước bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn năm nay, xin ông cho biết nguồn kiều hối về nước năm 2012 tập trung ở phân khúc và thị trường nào?

Để thu hút kiều hối năm nay, chúng tôi chú trọng vào các thị trường có số lượng lao động Việt Nam xuất khẩu nhiều, bên cạnh các thị trường truyền thống như Mỹ , Canada … Bởi lẽ, nguồn kiều hối chuyển về từ các nước có số lượng xuất khẩu lao động Việt Nam cao đang gia tăng, do những người đi xuất khẩu lao động mục đích là kiếm tiền chuyển về cho gia đình ở Việt Nam. Trong đó, phải kể đến các thị trường như Malaysia và Đài Loan. Ngoài ra, chúng tôi còn khai thác thêm một số thị trường có nguồn xuất khẩu của lao động Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc. Song do điều kiện nhập khẩu lao động ở hai thị trường này tương đối cao, nên số lượng người Việt Nam công tác và làm việc ở hai quốc gia này không nhiều như Malaysia và Đài Loan.

 

Ngoài xuất khẩu lao động, kiều hối chuyển về để đầu tư năm nay ra sao, thưa ông?

Trong năm nay, bất động sản và chứng khoán suy giảm, nên nguồn kiều hối chuyển về Việt Nam để đầu tư vào hai lĩnh vực này sụt giảm đáng kể. Nhưng các khoản kiều hối của kiều bào chuyển về để hoàn tất những dự án khách sạn, nhà hàng triển khai xây dựng trước đây vẫn tăng. Bên cạnh đó, dịp cận Tết Nguyên đán, kiều bào cũng thường có nhu cầu gửi kiều hối về làm quà cho người thân ở quê nhà gia tăng. Điều đó được chứng minh qua doanh số chi trả của chúng tôi 11 tháng qua đạt 1,35 tỷ USD và dự kiến cả năm 2012 là 1,4 tỷ USD theo như kế hoạch đưa ra.

 

Theo ông, tỷ giá ổn định năm nay có góp phần tạo động lực cho thu hút kiều hối?

Tỷ giá ổn định cũng góp phần giúp kiều hối gia tăng, đồng thời khách hàng nhận kiều hối bằng VND tăng đến 400%. Những năm trước, khách hàng nhận kiều hối thích giữ ngoại tệ hoặc bán ra thị trường tự do, nhưng với hỗ trợ về tỷ giá của Nhà nước, trong năm nay, khách hàng có xu hướng đổi trực tiếp tại ngân hàng. Điều này cũng giúp cho hoạt động thu đổi ngoại tệ của ngân hàng phát triển rõ rệt. Hiện nay, các ngân hàng đang cố gắng thu hẹp sự chênh lệch giữa tỷ giá hoán đổi ngoại tệ trong ngân hàng và ngoài thị trường tự do. Có thể thấy, trong thời gian gần đây, có những lúc tỷ giá trong ngân hàng và ngoài thị trường tự do đã bằng nhau.

 

Đánh giá của ông về tình hình kiều hối trong những tháng cận Tết Nguyên đán?

Những tháng cuối năm, kiều hối chuyển về Việt Nam tăng mạnh. Nhưng tháng 12 này, nhu cầu chi tiêu của kiều bào tăng, do đây là dịp Tết Dương lịch, nên nhiều khả năng kiều hối sẽ giảm nhẹ. Tuy nhiên, kiều hối sẽ tăng lại vào dịp Tết Nguyên đán. Có thể, trong tháng 12 âm lịch, kiều hối sẽ tăng 50% so với tháng trước đó.

Nhiều chuyên gia dự báo, Việt Nam có thể đạt doanh số 10 - 11 tỷ USD kiều hối năm nay, tăng 20% so với năm 2011 và cao hơn mức trung bình hàng năm là 10 - 15%. Nếu tính từ năm 1993, lượng kiều hối gửi về Việt Nam đã lên tới 70 tỷ USD, góp một nguồn lực không nhỏ trong xây dựng và phát triển kinh tế đất nước. Không chỉ tăng nguồn vốn đầu tư, lượng kiều hối gửi về đã góp phần cải thiện cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam , tăng dự trữ ngoại tệ, giảm áp lực tăng tỷ giá. Ngay năm 2011 và 2012 này, cán cân thanh toán đã có số dư vượt dự đoán sau 2 năm bị thâm hụt.

 

Vậy theo ông, nguồn kiều hối năm tới sẽ ra sao?

Theo dự đoán của tôi, khả năng kiều hối năm 2013 sẽ ổn định và khó giảm so với năm 2012. Để duy trì được sự tăng trưởng của kiều hối, những chính sách điều hành của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về việc củng cố và quản lý chặt chẽ hoạt động, mạng lưới thu đổi ngoại tệ, chính sách tỷ giá đóng vai trò tiên quyết. Đồng thời, việc khôi phục thị trường bất động sản và chứng khoán cũng đóng vai trò không nhỏ trong việc tăng kiều hối. Bên cạnh đó, Nhà nước phối hợp với các bộ, ngành cùng doanh nghiệp tham gia vào việc đảm bảo chất lượng nguồn lao động, kiểm soát lao động ngoại quốc sẽ góp phần phát triển thị trường xuất khẩu lao động, ổn định nguồn kiều hối từ các thị trường này.