Ông Võ Văn Châu
Năm 2014, dường như KienLongbank ưu tiên cho mục tiêu ổn định, tạo nền tảng bền vững hơn là mục tiêu lợi nhuận trước mắt, thưa ông?
Đúng vậy. Mặc dù lợi nhuận năm 2014 không đạt kế hoạch đề ra, nhưng Kienlongbank đã hoàn thành một số chỉ tiêu quan trọng được giao, đảm bảo hoạt động an toàn, bền vững, tạo nền tảng vững chắc để Kielongbank phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Số liệu chúng tôi báo cáo với cổ đông tại phiên họp đại hội ngày 24/4 gồm: tổng tài sản đạt 23.104 tỷ đồng, hoàn thành 96,90% kế hoạch (tăng 8,10% so với năm 2013); Vốn huy động từ dân cư và tổ chức kinh tế đạt 16.571 tỷ đồng, hoàn thành 108,27% kế hoạch (tăng 24,56% so với năm 2013); Cho vay nền kinh tế đạt 13.526 tỷ đồng, hoàn thành 101,39% kế hoạch (tăng 11,52% so với năm 2013); Lợi nhuận trước thuế đạt 233,71 tỷ đồng, hoàn thành 55,78% kế hoạch (giảm 40,59% so với năm 2013); Tỷ lệ nợ xấu chiếm 1,95%/tổng dư nợ (kế hoạch là dưới 3%).
Theo ông, việc Kienlongbank giảm lợi nhuận so với năm 2013 là do nguyên nhân nào?
Ngay từ cuối năm 2013, Kienlongbank xác định mục tiêu chính năm 2014 là tập trung thực hiện thành công đề án tái cơ cấu toàn hệ thống theo chủ trương của Chính phủ và NHNN. Trong đó, tập trung chia sẻ khó khăn với khách hàng thông qua các hình thức miễn/giảm lãi vay, tập trung giải quyết nợ xấu, điều hành hoạt động phù hợp với tình hình thực tế và định hướng của NHNN.
Nhìn vào kết quả trên thì đúng là lợi nhuận trong năm 2014 Kienlongbank không đạt kế hoạch đã đề ra, nhưng cũng không thấp so với mặt bằng chung của toàn ngành, đối với cá nhân tôi thì có thể nói đây là kết quả rất đáng khích lệ và rất có ý nghĩa trong điều kiện thực tế của ngành ngân hàng hiện nay.
Trong năm 2014, Kienlongbank đã tích cực chia sẻ khó khăn với khách hàng thông qua các hình thức miễn/giảm lãi vay, hỗ trợ cho khách hàng đang gặp khó khăn, đặc biệt là đối tượng DN vừa và nhỏ, tiểu thương, nông dân trên cả nước.
Kienlongbank đã thành lập Ban chỉ đạo tập trung thu hồi nợ với thành phần nòng cốt là các thành viên Hội đồng quản trị và Ban điều hành để tập trung giải quyết nợ xấu tồn đọng từ những năm trước đó.
Ngân hàng cũng đã xây dựng chính sách lãi suất rất linh hoạt, cạnh tranh cho nhóm đối tượng khách hàng vay mới, tạo điều kiện tốt nhất cho bà con nông dân yên tâm sản xuất - kinh doanh. Tổng số tiền mà Kienlongbank đã hỗ trợ miễn, giảm lãi vay cho khách hàng gần 120 tỷ đồng và qua đó nợ xấu của Ngân hàng đã giảm về mức 1,95%.
Về trích lập dự phòng rủi ro, đến cuối năm 2014, Kienlongbank đã trích lập dự phòng trên 136 tỷ đồng, dự phòng rủi ro trái phiếu đặc biệt (VMAC) là 36 tỷ đồng, tích lũy thêm nguồn lực xử lý rủi ro để đảm bảo hoạt động của Ngân hàng luôn an toàn, bền vững.
Vậy kế hoạch kinh doanh mà Kienlongbank đặt ra trong năm 2015 ra sao, thưa ông?
Kienlongbank vẫn tiếp tục định hướng tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đối tượng khách hàng của chúng tôi là những DN vừa và nhỏ, bà con nông dân, tiểu thương buôn bán, sản xuất - kinh doanh nhỏ lẻ.
Bám sát mục tiêu hoạt động “An toàn, bền vững và lợi nhuận hợp lý”, năm 2015, Kienlongbank dự kiến một số chỉ tiêu kế hoạch cụ thể như: Tổng tài sản 26.170 tỷ đồng, tổng vốn huy động 22.180 tỷ đồng, dư nợ cho vay 16.200 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 388 tỷ đồng.
Kết thúc quý I/2015, Kienlongbank đạt lợi nhuận trước thuế gần 95 tỷ đồng, với 3 quý còn lại của năm 2015, chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận mỗi quý ít nhất đạt 100 tỷ đồng. Do đó, khả năng hoàn thành kế hoạch lợi nhuận 388 tỷ đồng là khả thi.
Thực hiện theo chủ trương của NHNN về tăng cường tính minh bạch trong hoạt động ngân hàng và từng bước niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán, kể từ năm 2014, Kienlongbank đã mời Công ty kiểm toán quốc tế KPMG (một trong số các tổ chức kiểm toán uy tín nhất thế giới) để kiểm toán chất lượng tín dụng và báo cáo tài chính.
Với những kinh nghiệm đã được đúc kết từ năm 2014 cùng với nền tảng hiện có và điều kiện kinh doanh hiện tại của Kienlongbank, chúng tôi tin rằng sẽ hoàn thành tốt các mục tiêu kế hoạch năm 2015 được ĐHCĐ thông qua, làm tiền đề phát triển trong giai đoạn mới.