Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, Ngân hàng Nhà nước Kiên Giang, TP. Rạch Giá cùng các đại biểu, lãnh đạo Kienlongbank thực hiện nghi thức khai trương cổ phiếu KLB

Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, Ngân hàng Nhà nước Kiên Giang, TP. Rạch Giá cùng các đại biểu, lãnh đạo Kienlongbank thực hiện nghi thức khai trương cổ phiếu KLB

Kienlongbank: giao dịch trên UPCoM là cơ hội để hội nhập và phát triển bền vững

(ĐTCK) Mục tiêu của Ngân hàng thương mại cổ phần Kiên Long (Kienlongbank - mã chứng khoán KLB) là trở thành một trong những ngân hàng bán lẻ hiện đại, đa năng hàng đầu tại Việt Nam. 

KLB đăng ký giao dịch cổ phiếu trên UPCoM, hướng tới niêm yết, nhằm nâng cao tính minh bạch, tạo thuận lợi trong việc giao dịch cổ phiếu của cổ đông, đồng thời mở ra cơ hội cho Ngân hàng tiếp cận kênh huy động vốn dài hạn qua thị trường chứng khoán.

Ông Võ Quốc Thắng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Kienlongbank chia sẻ nhân ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu KLB, 29/6/2017.

Thưa ông, vì sao Kienlongbank chọn thời điểm này đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM?

Thực hiện Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016, Kienlongbank đã lên kế hoạch niêm yết trên UPCoM chậm nhất là ngày 30/6/2017. Đến nay, tất cả thủ tục pháp lý đã hoàn tất và ngày 29/6/2017 là ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu KLB.

Sự kiện này có ý nghĩa như thế nào đối với Kienlongbank?

Việc niêm yết/đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán là cần thiết trong quá trình triển của doanh nghiệp nói riêng và mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam nói chung. Khi niêm yết/đăng ký giao dịch, doanh nghiệp chịu áp lực từ nhiều mặt, sẽ phải đặt ra những mục tiêu kinh doanh cao hơn, làm động lực cho doanh nghiệp phấn đấu và phát triển bền vững.

Kienlongbank: giao dịch trên UPCoM là cơ hội để hội nhập và phát triển bền vững ảnh 1

 Trải qua 22 năm hình thành và phát triển, Kienlongbank từng bước khẳng định được vị thế vững chắc trong hệ thống ngân hàng Việt Nam

Thực tế cho thấy, so với trước khi niêm yết/đăng ký giao dịch, đa số các doanh nghiệp đều có sự gia tăng về giá trị thị trường, uy tín doanh nghiệp…, nên về dài hạn, đây sẽ là những yếu tố thuận lợi để Kienlongbank gia tăng thị phần và phát triển bền vững trong tương lai.

Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu của KLB là 10.000 đồng/cổ phiếu. Theo ông, mức giá này có hấp dẫn các nhà đầu tư?

Căn cứ vào rất nhiều yếu tố có liên quan, thị trường sẽ quyết định giá cổ phiếu của Kienlongbank. Mức giá 10.000 đồng/cổ phiếu chỉ là cơ sở để tham chiếu khi bắt đầu giao dịch chính thức trên thị trường chứng khoán. Biên độ dao động giá trong ngày giao dịch đầu tiên trên UPCoM là 40% so với giá tham chiếu.

Giá cổ phiếu của Kienlongbank sẽ thay đổi theo diễn biến cung cầu và sự định giá của các nhà đầu tư trên thị trường. Nếu so với giá trị sổ sách tại thời điểm 31/3/2017 là 11.549 đồng/cổ phiếu thì mức giá tham chiếu trong ngày đầu chào sàn thấp hơn giá trị sổ sách 1.549 đồng/cổ phiếu.

Với những diễn biến thuận lợi của thị trường chứng khoán nói chung và cổ phiếu ngành ngân hàng nói riêng, giá cổ phiếu của Kienlongbank kỳ vọng sẽ tăng cao hơn giá tham chiếu trong thời gian tới.

Kienlongbank: giao dịch trên UPCoM là cơ hội để hội nhập và phát triển bền vững ảnh 2

 Ông Võ Quốc Thắng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Kienlongbank 

Sau khi đăng ký giao dịch trên UPCoM, Kienlongbank sẽ có kế hoạch đưa cổ phiếu lên niêm yết, thưa ông?

Việc đưa cổ phiếu KLB giao dịch trên UPCoM đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong quá trình 22 năm hình thành và phát triển của Kienlongbank. Qua đó, nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của Ngân hàng, tạo thuận lợi trong việc giao dịch cổ phiếu của cổ đông cũng như nhà đầu tư và đặc biệt là mở ra nhiều cơ hội tiếp cận các kênh huy động vốn dài hạn trên thị trường, đáp ứng kịp thời kế hoạch kinh doanh của Kienlongbank trong thời gian tới.

Chúng tôi sẽ chọn thời điểm thích hợp để trình Đại hội đồng cổ đông xem xét đưa cổ phiếu lên niêm yết trên HOSE hoặc HNX, nhằm mang lại lợi ích cao nhất cho Ngân hàng và cổ đông.

Kế hoạch kinh doanh và mục tiêu trọng tâm của Ngân hàng trong năm 2017 là gì?

Đối với các chỉ tiêu kế hoạch năm 2017, Kienlongbank dự kiến tổng tài sản đạt 36.500 đồng, tăng gần 20%; tổng huy động vốn 32.500 tỷ đồng, tăng hơn 23%; dư nợ cấp tín dụng 24.700 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2016; tỷ lệ nợ xấu dưới 2,5%. Theo đó, kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 250 tỷ đồng, tăng 65% so với năm 2016; cổ tức dự kiến 8%.

Để hoàn thành kế hoạch trên, chúng tôi xác định công tác trọng tâm trong năm 2017 là tiếp tục thực hiện định hướng cơ cấu lại Kienlongbank giai đoạn 2016 - 2020 theo phương án đã trình Ngân hàng Nhà nước.

Đồng thời, chúng tôi tập trung hoàn thiện hệ thống chính sách tín dụng, cải cách thủ tục cấp tín dụng theo hướng thuận tiện để khách hàng tiếp cận vốn, dịch vụ của Ngân hàng. Trong đó, tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế.

Song song với việc đẩy mạnh hoạt động kinh doanh cốt lõi, phát triển đa dạng đối tượng khách hàng, đa dạng hóa sản phẩm tín dụng, Ngân hàng sẽ khai thác tối ưu tiện ích ngân hàng điện tử, tăng tỷ trọng thu nhập phi tín dụng.

Ngoài ra, chúng tôi sẽ tăng cường hiện đại hóa công nghệ ngân hàng, từng bước áp dụng chế độ tự động hóa trong các hoạt động; xây dựng, hoàn thiện hệ thống báo cáo, lưu trữ, xử lý dữ liệu hiện đại, an toàn, bảo mật.

Vậy kết quả kinh doanh trong 3 tháng đầu năm 2017 như thế nào, thưa ông?

Kết thúc quý I/2017, tổng tài sản Kienlongbank đạt 32.216 tỷ đồng, tăng 5,8%; tổng huy động vốn đạt 28.251 tỷ đồng, tăng 7,15%; dư nợ cấp tín dụng đạt 21.750 tỷ đồng, tăng 10,04%; lợi nhuận trước thuế đạt 72,375 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu 0,96% và có 117 đơn vị hoạt động trên toàn quốc. So với kế hoạch đề ra, Kienlongbank đã hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu quan trọng của quý đầu năm.

Kienlongbank có mạng lưới hoạt động rộng, nhưng địa bàn hoạt động nào Ngân hàng có nhiều lợi thế?

Kienlongbank hiện có 117 điểm giao dịch, gồm 28 chi nhánh và 89 phòng giao dịch, có mặt tại các thị trường trọng điểm trên toàn quốc. Trong đó, chúng tôi xác định, khu vực miền Tây Nam Bộ là địa bàn có nhiều lợi thế, đóng góp đáng kể trong suốt quá trình phát triển của Ngân hàng.

Ông có thể chia sẻ định hướng chiến lược của Kienlongbank trong giai đoạn tới?

Mục tiêu và định hướng hoạt động mang tính chiến lược trung, dài hạn của Kienlongbank là trở thành một trong những ngân hàng bán lẻ hàng đầu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam, với phương châm “Hoạt động an toàn, bền vững và lợi nhuận hợp lý, mở rộng thị phần qua việc đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, hướng tới phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử”.

Khách hàng của Kienlongbank chủ yếu là cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ, với các khoản vay nhỏ lẻ và lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nên tính ổn định khách hàng rất cao, bền vững, phân tán được rủi ro khi nền kinh tế bị ảnh hưởng từ những biến động trong khu vực cũng như trên thế giới.

Mục tiêu đến năm 2020, Kienlongbank dự kiến tổng tài sản đạt 55.000 tỷ đồng, huy động vốn đạt 50.000 tỷ đồng, dư nợ tín dụng đạt 40.000 tỷ đồng, vốn điều lệ đạt 4.000 tỷ đồng, địa điểm kinh doanh hơn 150 đơn vị, lợi nhuận trước thuế giai đoạn 2018 - 2020 từ 300 tỷ đồng đến hơn 500 tỷ đồng.

Trải qua 22 năm hình thành và phát triển, Kienlongbank đã không ngừng nỗ lực xây dựng và phát huy những lợi thế của mình, từng bước khẳng định được vị thế vững chắc trong hệ thống ngân hàng Việt Nam, gặt hái được nhiều thành tựu và tạo được niềm tin với khách hàng, đối tác trong và ngoài nước.

Với nền tảng ổn định hiện tại, đội ngũ lãnh đạo nhiều năm kinh nghiệm trong ngành, lực lượng nhân viên trẻ, năng động, nhiệt huyết, được đào tạo bài bản, có trình độ chuyên môn nghiêp vụ tốt, số lượng khách hàng không ngừng gia tăng, thường xuyên nâng cấp hệ thống ngân hàng lõi Corebanking và công nghệ ngân hàng, liên tục phát triển sản phẩm dịch vụ mới, trụ sở giao dịch và cơ sở vật chất tại các đơn vị kinh doanh được đầu tư khang trang, hiện đại…, chúng tôi tin rằng, Kienlongbank sẽ hoàn thành nhiệm vụ đề ra, đưa thương hiệu Kienlongbank bước lên tầm cao mới trong thời gian tới. 

Phát biểu chỉ đạo tại lễ khai trương cổ phiếu KLB, ông Phạm Vũ Hồng, Phó Bí thư tỉnh Ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đã có những đánh giá cao về các hoạt động của Kienlongbank trong thời gian qua, đồng thời ghi nhận và biểu dương những nỗ lực, đóng góp của Ngân hàng, đã cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Kiên Giang, thể hiện sự chia sẻ với cộng đồng và mang tính nhân văn.

Kienlongbank: giao dịch trên UPCoM là cơ hội để hội nhập và phát triển bền vững ảnh 3

Ông Phạm Vũ Hồng, Phó Bí thư tỉnh Ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang

Ngoài ra, ông cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tỉnh Kiên Giang tiếp tục quan tâm và tạo mọi điều kiện tốt nhất, tháo gỡ các khó khăn trong việc thực hiện các cơ chế, chính sách nhằm giúp cho các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh hoạt động an toàn, phát triển hiệu quả và bền vững.

Ông Nguyễn Văn Kiệt, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Kiên Giang: 

Ngân hàng Nhà nước Kiên Giang đánh giá cao về sự nỗ lực, tinh thần đoàn kết và những thành quả mà Ban lãnh đạo cùng tập thể cán bộ, nhân viên Kienlongbank qua các thời kỳ đã tạo dựng nên.

Hôm nay Kienlongbank chủ động đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM, tạo nhiều thuận lợi trong giao dịch cổ phiếu của cổ đông đồng thời cũng mở ra nhiều cơ hội mới đánh dấu bước chuyển mình minh chứng cho năng lực, sự trưởng thành và tâm thế sẵn sàng nâng cao tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh làm nền tảng vững chắc trong tương lai.

Tôi tin rằng, với phương châm tổ chức và hoạt động của mình, Kienlongbank sẽ hoàn thành nhiệm vụ đề ra, tăng trưởng hợp lý, hoạt động ổn định và phát triển bền vững.

Tin bài liên quan