Ảnh: Shutterstock

Ảnh: Shutterstock

Kiến trúc nhà cao tầng và giải pháp hướng đến đô thị thông minh

(ĐTCK) Nhà cao tầng đã giải quyết tốt nhu cầu cấp bách về chỗ ở trong quá trình phát triển của các đô thị, nhưng tại 2 thành phố lớn của Việt Nam là Hà Nội và TP.HCM, thực trạng nhà cao tầng hiện nay đang bộc lộ những bất cập, ảnh hưởng đến việc xây dựng đô thị thông minh.

Xu hướng tất yếu của đô thị

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, PGS.TS. Lê Quân, Hiệu trưởng Trường đại học Kiến trúc Hà Nội cho biết, tốc độ đô thị hóa tại Việt Nam những năm gần đây được đánh giá là nhanh nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Cùng với sự gia tăng nhanh chóng về dân số là sự “thay da, đổi thịt” của các đô thị đã hình thành và phát triển trong lịch sử, cùng với sự xuất hiện của những đô thị mới với sự xuất hiện của kiến trúc nhà cao tầng đáp ứng nhiều các chức năng khác nhau.

Các chuyên gia cũng cho rằng, kiến trúc nhà cao tầng đã làm thay đổi hình ảnh đô thị và tạo ra những đặc điểm nhận diện mới cho đô thị Việt Nam.

Nhà cao tầng với rất nhiều ưu thế trong sử dụng như tiết kiệm đất đai xây dựng, giao thông bên trong công trình ngắn gọn, kết nối các chức năng sử dụng trong tòa nhà nhanh chóng, hiệu quả, tăng cường hiệu quả tối đa về tầm nhìn cho công trình, dễ tạo được nhận diện và điểm nhấn về kiến trúc - quy hoạch, hiệu quả kinh tế đầu tư cao…, đã tạo ra làn sóng xây dựng tại các đô thị Việt Nam trong những năm gần đây.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc phát triển công trình cao tầng phù hợp với chiến lược phát triển đô thị là một trong các giải pháp khai thác hiệu quả không gian đô thị, cũng như chính sách trong chuyển nhượng quyền phát triển không gian

- ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam

Có thể thấy, các công trình kiến trúc cao tầng xuất hiện khắp các đô thị và trở thành hình ảnh đặc trưng cho quá trình phát triển đô thị ở các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Cùng quan điểm, theo ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, việc các toà nhà cao tầng hiện diện trong lòng các đô thị Việt Nam như hiện nay là quy luật tất yếu của quá trình đô thị hoá và phát triển hội nhập toàn cầu. Nhờ đó, hàng triệu người dân ở các đô thị lớn có cơ hội tiếp cận với một nơi ở riêng, đáp ứng nhu cầu sinh sống và làm việc cho bản thân và gia đình.

Ngoài ra, phát triển công trình cao tầng, nhất là các công trình cao tầng đa chức năng có thể làm giảm sự dịch chuyển và khoảng cách giữa các chức năng trong đô thị và làm tăng giá trị sử dụng đất đai, giảm thiểu sử dụng đất đai và bảo tồn cảnh quan sinh thái.

“Nhà cao tầng nội đô cũng là một trong những chỉ tiêu của một đô thị phát triển thông minh, bền vững. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc phát triển công trình cao tầng phù hợp với chiến lược phát triển đô thị là một trong các giải pháp khai thác hiệu quả không gian đô thị, cũng như chính sách trong chuyển nhượng quyền phát triển không gian.

Cách làm này vừa phù hợp với tái cấu trúc không gian đô thị, mà vẫn không thay đổi hệ số sử dụng đất và quan trọng là không gây áp lực lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là về giao thông”, ông Chính đánh giá.

Nhưng cần hướng đến yếu tố thông minh

Theo các chuyên gia, trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và nhu cầu cuộc sống đã hình thành xu thế “sống thông minh”.

Ở Việt Nam, những năm gần đây đã biểu hiện rõ những đặc điểm, hướng đi của một đô thị thông minh, trong đó Hà Nội và TP.HCM đã công bố kế hoạch triển khai đô thị thông minh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thách thức lớn với việc triển khai thành phố thông minh tại 2 đô thị lớn nhất Việt Nam hiện nay chính là sự lộn xộn trong quy hoạch.

Ông Chính cho rằng, nhà cao tầng là nhân tố tất yếu để xây dựng các thành phố hiện đại, đô thị thông minh của thế giới, nhưng vấn đề là phát triển cao ốc có đi đôi với phát triển hạ tầng hay không lại là câu chuyện cần bàn tới.

Trong khi đó, theo KTS. Nguyễn Đỗ Dũng (Công ty Kiến trúc CPG), vấn đề xây dựng cao ốc không đồng nghĩa với mật độ dân số cao. Chính những ngôi nhà phố, nhà thấp tầng san sát ở đô thị lớn như Hà Nội hay TP.HCM mới là đối tượng chiếm phần lớn diện tích, mật độ, không còn chỗ để xây dựng đường sá, công viên, khu vui chơi giải trí…

Theo các chuyên gia, thực trạng phát triển đô thị gắn với phát triển hạ tầng tại các đô thị Việt Nam đang có vấn đề. Đây là mấu chốt gây ra những vấn đề nhức nhối về nạn kẹt xe, ngập úng, làm cản trở tiến trình xây dựng thành phố thông minh, chứ không phải do cao ốc.

PGS. TS. Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) khẳng định, nhà cao tầng đang đóng góp không nhỏ vào bộ mặt cảnh quan đô thị, thay đổi diện mạo đô thị, thậm chí thay đổi cả nhận thức của người dân… Vấn đề ở đây là dù đã có các quy hoạch, có cả quy định về mật độ, kế hoạch sử dụng đất, nhưng việc tuân thủ quy hoạch rất kém.

KTS. Khương Văn Mười, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM cũng cho rằng, các thành phố cần khoanh lại khu vực phải bảo tồn, khoanh ra khu vực cần phát triển. Trong tiến trình xây dựng thành phố thông minh, cần phải khoanh vùng rõ ràng những nơi phát triển kiến trúc cao tầng để tích hợp đồng bộ với hạ tầng chung của thành phố.

Ở góc độ khác, PGS.TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, việc huy động nguồn tài chính từ đất để phục vụ lại đô thị khi xây dựng dự án cao tầng, đô thị thông minh là cần thiết.

“Giải pháp thì có, nhưng dù là giải pháp nào cũng tốn kém, nên phải nghĩ cách tạo vốn. Tuy nhiên, đây là vấn đề mà tầm nhìn không phải là một phường, một quận, một doanh nghiệp, một ngành, một sở, mà phải tầm nhìn của UBND, HĐND, là đại diện cho các tầng lớp nhân dân, khu vực chịu tác động họ đóng góp ý kiến để hoàn thiện”, ông Liêm nói.

Về phía cơ quan quản lý, bà Trần Thu Hằng, Vụ trưởng Vụ Kiến trúc Quy hoạch (Bộ Xây dựng) cho biết, để nâng cao chất lượng xây dựng không gian kiến trúc cảnh quan đô thị và cơ sở để quản lý phát triển không gian kiến trúc cảnh quan đô thị chính là quy hoạch, kế hoạch và pháp luật.

Theo bà Hằng, nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành. Các đồ án quy hoạch và quy chế quản lý không gian kiến trúc cảnh quan đô thị cũng đã quy định các chỉ tiêu kiểm soát về phân khu chức năng, hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng, lộ giới, hạn tuyến, tầng cao, yêu cầu kiến trúc, bảo tồn, hạ tầng kỹ thuật…

PGS.TS. Lê Quân cho rằng, kiến trúc nhà cao tầng như một biểu tượng cho hình ảnh đô thị ở nhiều quốc gia và khu vực. Để xây dựng đô thị thông minh, nhiều quốc gia đem đã tích hợp khoa học công nghệ vào việc xây dựng các tòa nhà như công nghệ xây dựng, khoa học vật liệu, công nghệ thông tin, khoa học môi trường, năng lượng…

Chính vì vậy, theo các chuyên gia, tại Việt Nam, để xây dựng đô thị thông minh, kiến trúc nhà cao tầng phải đồng bộ và tích hợp được với các hạ tầng khác trong tiến trình phát triển chung của từng địa phương cụ thể.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan