Tác giả trong một lần về với bản làng vùng cao

Tác giả trong một lần về với bản làng vùng cao

Kiên trì “cõng” vốn về bản

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Từng đến Chiềng Cọ - một xã nằm cách trung tâm TP. Sơn La khoảng chục cây số - để thăm quan, trải nghiệm, nhưng thú thực khi được giao quản lý tín dụng tại đây, tôi không tránh khỏi lo lắng, bởi có không ít khó khăn đang chờ đợi mình phía trước.

Khó khăn đầu tiên là việc đi lại để tiếp cận khách hàng. Chiềng Cọ chủ yếu là đồi núi, nhiều hộ gia đình sinh sống ở sườn đồi cao, cán bộ tín dụng chỉ có cách đi bộ qua những con đường đất nhỏ mới lên tới nơi. Bên cạnh đó, địa hình miền núi thường có nhiều chia cắt, các hộ dân sinh sống cách xa nhau, nơi ở và nơi canh tác của một hộ dân cũng thường cách xa nhau, để thẩm định khách hàng có thể phải di chuyển rất nhiều. Ngày nắng còn đỡ, ngày mưa, việc đi lại rất cực nhọc.

Khó khăn thứ hai là sự khác biệt về ngôn ngữ khiến cho việc vận động, tuyên truyền các chủ trương, chính sách vay vốn và các sản phẩm dịch vụ của Agribank đến người dân bị hạn chế. Phong tục, tập quán sinh hoạt của bà con dân tộc nơi đây ít nhiều cũng ảnh hưởng tới công tác tín dụng.

Nhưng bên cạnh nhiều khó khăn, tôi luôn nhận được sự động viên, quan tâm, giúp đỡ của Ban Giám đốc và đồng nghiệp trong cơ quan; sự ủng hộ, hỗ trợ của chính quyền địa phương cùng các tổ trưởng tổ vay vốn, đặc biệt là sự hậu thuẫn của gia đình để tôi yên tâm vững bước. Thậm chí, ngay lần đầu đi thẩm định, tôi đã được các tổ trưởng tổ vay vốn đưa đến từng hộ gia đình, được trò chuyện với người dân rất gần gũi và cảm động. Chỉ sau một thời gian ngắn, tôi đã cảm thấy thân thuộc với những cung đường, những con người nơi đây. Tôi được trải nghiệm những hoạt động canh tác, chăn nuôi mà trước đây ít khi được trải nghiệm, được cùng bà con nông dân vui mừng đón vụ mùa bội thu và chia sẻ nỗi lo khi mất mùa, mất giá, thiên tai, dịch bệnh…

Tất nhiên, những ngày đầu nhận nhiệm vụ, bất đồng ngôn ngữ cũng như việc chưa thông thạo những phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây, cộng thêm đường sá đi lại vất vả có lúc khiến tôi mệt mỏi. Nhưng tôi luôn tự nhủ: “Có công mài sắt, có ngày nên kim, cứ chăm chỉ, chịu khó ắt sẽ vượt qua mọi khó khăn”.

Việc quan trọng nhất đối với công tác tín dụng tại các xã vùng cao là tuyên truyền, vận động để bà con hiểu được các sản phẩm tín dụng và thực hiện đúng các quy định. Nhớ lời Bác Hồ dạy, “bất kỳ việc gì, từ việc to đến việc nhỏ, nếu biết cách và kiên trì tuyên truyền, giải thích, động viên quần chúng nhân dân để họ hiểu rõ thì sẽ phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của quần chúng nhân dân và việc gì cũng sẽ đem lại thành công”, tôi càng đòi hỏi cá nhân mình phải kiên trì và chịu khó hơn nữa trong việc tuyên truyền, giải thích các chính sách, sản phẩm của đơn vị mình…

Theo thời gian, tôi đã trưởng thành trong công tác. Hiện tôi đang phụ trách quản lý và đầu tư tín dụng tại địa bàn xã Chiềng Cọ với gần 450 khách hàng, dư nợ gần 60 tỷ đồng. Không chỉ tích lũy được nhiều kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn, tôi có thêm kinh nghiệm muôn màu của cuộc sống. Nhưng điều khiến tôi hạnh phúc và tự hào hơn cả là đã đồng hành cùng bà con dân bản sử dụng có hiệu quả đồng vốn tín dụng vào xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế.

(*) Phòng Tín dụng, Agribank Chi nhánh TP. Sơn La

Tin bài liên quan