Chia sẻ tại Hội thảo, bà Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng, trường Đại học Kinh tế cho biết: "Hệ sinh thái bất động sản hướng đến minh bạch, hiệu quả và bền vững không chỉ là mục tiêu mà chúng ta phải đạt được, mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Thị trường bất động sản Việt Nam năm 2024 đang đứng trước nhiều cơ hội lớn, song cũng đòi hỏi sự nỗ lực và hợp tác từ nhiều phía”.
Hệ sinh thái bất động sản hoạt động dựa trên sự tương tác và kết nối giữa các thành phần bao gồm: doanh nghiệp bất động sản, cơ quan quản lý Nhà nước, nhà đầu tư, khách hàng, các dịch vụ hỗ trợ và công nghệ - các ứng dụng công nghệ proptech vào lĩnh vực bất động sản. Các thành phần trong hệ sinh thái ảnh hưởng lẫn nhau và cùng nhau thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản.
Tại một số quốc gia và vùng lãnh thổ, chẳng hạn Trung Quốc, Hàn Quốc, hệ sinh thái bất động sản đang ngày càng phát triển mạnh mẽ và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Hệ sinh thái này giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, cải thiện trải nghiệm khách hàng và thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản.
Tại Việt Nam, Luật Kinh doanh bất động sản quy định Nhà nước điều tiết thị trường bất động sản trong trường hợp thị trường có diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến ổn định kinh tế - xã hội. Điều tiết thị trường bất động sản qua chính sách về đất đai, tài chính là một giải pháp quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường này.
Luật Kinh doanh Bất động sản đã được sửa đổi để tăng cường điều tiết thị trường bất động sản trong những tình huống phức tạp có thể ảnh hưởng đến ổn định kinh tế - xã hội. Nhà nước sẽ can thiệp điều tiết thị trường thông qua các chương trình, kế hoạch và chính sách về đất đai, thuế, tài chính và tín dụng để thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường. Luật mới cũng tập trung vào việc quy định hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các công ty liên quan đến quản lý nợ và tài sản, đặc biệt trong việc thu hồi nợ dựa trên tài sản đảm bảo.
Ngoài ra, luật bổ sung quy định chi tiết hơn về các loại bất động sản và dự án bất động sản được phép kinh doanh, cũng như quyền sử dụng đất và điều kiện kinh doanh bất động sản cho các tổ chức và cá nhân. Các điểm mới này bao gồm cả việc giới hạn thu tiền đặt cọc từ khách hàng và quy định rõ ràng về trách nhiệm của các bên trong giao dịch bất động sản.
Luật cũng tập trung vào việc điều chỉnh hoạt động của sàn giao dịch và môi giới bất động sản, yêu cầu hồ sơ và giấy phép hoạt động từ cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời đặt ra các điều kiện mới cho cá nhân muốn hành nghề môi giới bất động sản.
Các chuyên gia đã đề xuất chính sách tạo lập cơ chế phân phối địa tô chênh lệch để điều tiết giá trị đất đai tăng thêm sao cho bình đẳng, công bằng, đúng đối tượng; Thực hiện phân vùng chức năng sử dụng đất có căn cứ khoa học theo tiếp cận dựa vào hệ sinh thái hoặc tiếp cận thuận thiên, định hướng cho quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai; Xây dựng và áp dụng rộng rãi mô hình tính vùng giá trị đất đai và định giá đất hàng loạt; Nghiên cứu phát triển và áp dụng lý thuyết địa tô mới phù hợp với thực tiễn của Việt nam để giải quyết các vấn đề về đầu cơ bất động sản, phát triển bất động sản nghỉ dưỡng và giải trí, toàn cầu hoá và sự gia tăng đầu tư bất động sản nước ngoài.
Ngoài ra, hội thảo cũng đã phân tích xu hướng phát triển của hệ sinh thái bất động sản trong bối cảnh công nghệ proptech; các mô hình sàn giao dịch bất động sản trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam; đồng thời tạo cơ hội giao lưu, kết nối giữa các nhà nghiên cứu, chuyên gia, doanh nghiệp và các bên liên quan trong lĩnh vực bất động sản.