Kiến tạo giá trị mới cho du lịch canh nông

Địa hình đa dạng, từ núi cao đến đồng bằng, ven biển, đất đai màu mỡ, khí hậu thuận lợi, cùng truyền thống canh tác lâu đời của người Việt là những yếu tố thuận lợi để phát triển và kiến tạo giá trị mới cho du lịch canh nông.
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Mô hình du lịch “hái ra tiền”

Việt Nam là quốc gia có nền nông nghiệp lâu đời với khoảng 70% dân số sinh sống ở nông thôn. Khi những mô hình du lịch đại trà dần bão hòa, du khách ngày càng có xu hướng tìm kiếm những trải nghiệm chân thực, gần gũi với thiên nhiên và mang giá trị văn hóa bản địa sâu sắc.

Hiện nay, nhiều địa phương trên cả nước đã bắt đầu khai thác mô hình du lịch canh nông. Ở miền Bắc, các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái tổ chức các tour du lịch trải nghiệm canh tác lúa nước trên ruộng bậc thang, hái chè tại các đồi chè cổ thụ... Khu vực Tây Nguyên có các trang trại cà phê, hồ tiêu, cao su kết hợp tham quan và trải nghiệm thu hoạch nông sản. Đồng bằng sông Cửu Long nổi bật với các tour du lịch miệt vườn, trải nghiệm làm nông dân, chèo xuồng hái trái cây và tham gia các lễ hội nông sản.

Tùy vào đặc điểm của từng địa phương và mức độ đầu tư, du lịch canh nông tại Việt Nam có thể chia thành 3 cấp độ trải nghiệm chính.

Thứ nhất, mô hình tham quan các trang trại, làng nghề và tìm hiểu quy trình sản xuất nông sản. Đây là loại hình phổ biến nhất, thường thấy ở những vùng trồng dâu tây tại Đà Lạt, vườn nho ở Ninh Thuận, hay các làng nghề truyền thống như làm hồng treo gió, sản xuất nước mắm, kẹo dừa... Du khách sẽ được tận mắt chứng kiến quy trình canh tác, thu hoạch và chế biến sản phẩm ngay tại địa phương.

Thứ hai, mô hình kết hợp trải nghiệm thực tế, nơi du khách có thể trực tiếp tham gia một số công đoạn sản xuất. Tại làng rau Trà Quế (Hội An), du khách được hướng dẫn cách làm đất, bón phân hữu cơ, chăm sóc rau theo phương thức truyền thống. Tại các đồi chè ở Thái Nguyên hay Bảo Lộc (Lâm Đồng), khách du lịch có thể tự tay hái những búp chè tươi và trải nghiệm công đoạn chế biến trà. Ở các vùng sông nước như Cà Mau, Bến Tre, du khách có thể tham gia đánh bắt cá, mò cua, bắt ốc...

Thứ ba, mô hình du lịch nông trại kết hợp lưu trú dài ngày. Đây là cấp độ hấp dẫn nhất với khách quốc tế, đặc biệt là du khách đến từ các nước phát triển, muốn tìm hiểu sâu về cuộc sống nông thôn Việt Nam. Các farmstay ở Lâm Đồng, Đà Lạt, Mộc Châu đã áp dụng mô hình này khá hiệu quả. Ngoài tham gia lao động sản xuất, du khách còn được sinh hoạt như một người nông dân thực thụ, chuẩn bị bữa ăn, chăm sóc vật nuôi; giao lưu, học hỏi văn hóa địa phương…

Phát triển tương xứng với tiềm năng

Một trong những mô hình du lịch canh nông tiêu biểu và thành công nhất tại Việt Nam là làng rau Trà Quế (Hội An). Đây là làng nghề trồng rau hữu cơ truyền thống, cách phố cổ Hội An khoảng 3 km. Nhờ phương pháp canh tác sạch, không sử dụng hóa chất, rau Trà Quế không chỉ nổi tiếng về chất lượng, mà còn trở thành sản phẩm du lịch độc đáo.

Năm 2024, làng rau Trà Quế được Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc (UN Tourism) vinh danh là một trong những “làng du lịch tốt nhất thế giới”, trở thành đại diện duy nhất của Việt Nam nhận giải thưởng danh giá này trong năm 2024.

Ông Nguyễn Văn Lanh, Phó chủ tịch UBND TP. Hội An cho biết, Thành phố định hướng phát triển du lịch xanh, trong đó làng rau Trà Quế là mô hình tiêu biểu về du lịch cộng đồng. Sự kết hợp giữa du lịch trải nghiệm, ẩm thực và văn hóa đã giúp làng rau Trà Quế trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất trong hệ thống du lịch cộng đồng tại Hội An.

Tương tự, tại Lâm Đồng hiện có hơn 30 điểm du lịch canh nông được cơ quan chức năng công nhận, với tổng vốn đầu tư lên tới 377 tỷ đồng, trải rộng trên hơn 300 ha.

Ông Nguyễn Văn Trung, chủ vườn hoa cẩm tú cầu tại xã Xuân Thọ (TP. Đà Lạt) là một trong những người tiên phong tổ chức bán vé tham quan vườn hoa. Mỗi ngày, nhà vườn đón khoảng 50 lượt khách, giá vé 50.000 đồng/người. Vào các dịp lễ, Tết, lượng khách tăng mạnh.

Nhiều tiềm năng là vậy, nhưng du lịch canh nông tại Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Hiện nay, phần lớn các mô hình còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch bài bản và chưa có chiến lược dài hạn. Hạ tầng tại nhiều điểm du lịch còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách quốc tế…

Để du lịch canh nông thực sự “cất cánh”, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân. Cần quy hoạch tổng thể gắn với chiến lược phát triển kinh tế nông thôn. Đồng thời, phải đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm và đẩy mạnh quảng bá, nhằm thu hút du khách và tạo động lực phát triển lâu dài.

Tin bài liên quan