Chính vì vậy, thời gian qua, kiến tạo những động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế không chỉ dừng lại ở quyết tâm chính trị, mà được thể hiện bằng những hành động, quyết sách cụ thể của Đảng, của Chính phủ đến các cấp thừa hành.
Tái cơ cấu nền kinh tế, mà một trong những trụ cột là tái cơ cấu DNNN nằm trong tổng thể các giải pháp đổi mới mô hình tăng trưởng đó. Chưa bao giờ tiến trình cải cách khu vực DNNN được chú trọng và nâng lên thành nhiệm vụ chính trị trọng tâm như hiện nay.
Trong Thông điệp đầu năm 2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh, tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là cổ phần hóa, phải được coi là nhiệm vụ hàng đầu và xuyên suốt. Thủ tướng khẳng định, bên cạnh việc nâng cao hiệu quả hoạt động, tính minh bạch, kiện toàn quản trị, phải đặt DNNN trong môi trường cạnh tranh bình đẳng của thị trường, trong tiếp cận vốn và các nguồn lực khác.
“Chỉ có như vậy, chúng ta mới nâng cao được hiệu quả hoạt động của DNNN, tăng cường sức mạnh của kinh tế nhà nước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và tái cơ cấu nền kinh tế”, Thủ tướng khẳng định.
Đối với khu vực DNNN, tiến trình tái cơ cấu có thể chia thành hai cấp độ!
Thứ nhất là cơ cấu lại chức năng của thành phần kinh tế này cho đúng nguyên tắc vận hành của kinh tế thị trường, tạo sự bình đẳng về vị thế với các khu vực, thành phần khác.
Cấp độ thứ hai là thay đổi hệ thống quản trị, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN bằng cách thay đổi cấu trúc sở hữu.
Theo TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, chỉ khi triển khai được hai cấp độ này, khu vực DNNN mới thực sự vận hành thông suốt và trở thành một bánh xe hiệu quả, đưa nền kinh tế vào quỹ đạo tăng trưởng mới.
Có thể nói, quyết tâm tái cơ cấu DNNN đang rất lớn và hiệu quả của tái cơ cấu mang lại cũng rất dễ nhìn ra. Như Thủ tướng đã khẳng định, hầu hết DN được cổ phần hóa đều làm ăn có lãi nhờ công khai minh bạch, ngăn chặn được tiêu cực.
Tuy nhiên, cũng có thể nhìn thấy từ nhiệm vụ tái cơ cấu DNNN “một núi” công việc phải làm. Hệ thống DNNN đang sở hữu một lượng cực lớn tài sản của đất nước, chiếm tới 60% tỷ trọng nền kinh tế, nhưng đang chịu không ít điều ong tiếng ve về hiệu quả kinh doanh, hiệu suất sử dụng vốn. Tư duy quản trị còn nặng tâm lý bao cấp, hệ lụy để lại từ nhiều chục năm trước và sự nhập nhằng giữa hoạt động kinh doanh hay công ích…
Nhưng hãy nhìn theo chiều ngược lại. Nếu giải phóng được sức ì này, với quy mô cực lớn, khu vực kinh tế nhà nước sẽ trở thành một động lực đủ mạnh để kéo cả nền kinh tế đi lên!
“Cơ chế và hướng đi đã có. Giờ chỉ cần quyết tâm và trách nhiệm”. Đó là lời phát biểu tâm huyết của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị giao ban tái cơ cấu DNNN tổ chức tháng 8 vừa qua.
Từ “trách nhiệm” không chỉ được nhắc chung chung mà gắn với trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, là “việc của lãnh đạo DN, không ai làm thay được” và nếu không làm thì sẽ bị thay thế.
Tinh thần quyết liệt đó đã được thể hiện qua những kết quả cụ thể. Theo Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN, 9 tháng đầu năm, cả nước sắp xếp được 92 DN, trong đó cổ phần hóa 71 DN. Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã thoái 3.488 tỷ đồng vốn đầu tư ngoài ngành, gấp 3,6 lần năm 2013.
Tất nhiên, nhiệm vụ trước mắt còn rất nặng nề với hàng chục ngàn tỷ đồng vốn đầu tư ngoài ngành cần thoái, hàng trăm DNNN cần cổ phần hóa… Với tinh thần đó, Báo ĐTCK thực hiện Chuyên đề “Tái cơ cấu DNNN: Đón đầu cơ hội” nhằm cung cấp một bức tranh toàn cảnh, những cách làm khoa học, quyết liệt và hiệu quả trong quá trình tái cơ cấu DNNN. Đồng thời, giới thiệu đến các NĐT những cơ hội đầu tư nhiều tiềm năng từ tiến trình tái cơ cấu quy mô lớn này…
Ban Biên tập Báo Đầu tư xin chân thành cảm ơn Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Pvcombank, Tổng công ty Thép - CTCP, Tổng công ty Hàng hải, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy, CTCK FPTS, CTCK SHS... đã tham gia thực hiện chuyên đề này.