Ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch LP Group.
Chính sách vĩ mô cần mang tính kiến tạo
Kinh tế toàn cầu đang đối mặt với thách thức lớn do ảnh hưởng của tình trạng lạm phát tăng cao, xung đột chính trị tại châu Âu, đứt gãy chuỗi cung ứng trên nhiều lĩnh vực và kéo dài. Điều này sẽ tác động trực tiếp đến dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của các nhà đầu tư nói chung cũng như các đối tác lớn của Việt Nam nói riêng.
Để tìm lại vị thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư, doanh nghiệp Việt đang trông chờ hành động của Chính phủ và các gói hỗ trợ. Nhưng, câu hỏi đặt ra là, “nước xa” (các gói hỗ trợ) có khả năng cứu được “lửa gần” (doanh nghiệp cạn kiệt dòng vốn và đứng trước nguy cơ phá sản) hay không?
Đây là thách thức lớn và để giải quyết được, các doanh nghiệp rất mong Chính phủ thực hiện 3 nhóm giải pháp.
Một là, nhanh chóng mở các gói tín dụng (tập trung cho sản xuất và thương mại) để khơi thông dòng vốn vào thị trường hàng hóa, thương mại. Hãy để các ngân hàng khối quốc doanh tự do tham gia vào “làn sóng” tăng lãi suất huy động. Nhìn vào lợi nhuận 9 tháng đầu năm của các ngân hàng quốc doanh lớn, có thể thấy, họ hoàn toàn có khả năng thực hiện được điều này.
Hai là, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ xúc tiến đầu tư giữa các quốc gia, tăng cường hoạt động mở cửa đón giao thương sau khi đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát, bởi khi thực hiện hoạt động đầu tư, nhà đầu tư luôn cần di chuyển đến tận nơi để tìm hiểu cơ hội và ra quyết định, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài.
Ba là, tạo ưu đãi cho những doanh nghiệp dẫn đầu, đặc biệt là những doanh nghiệp tạo ra được lợi nhuận khi thị trường khó khăn. Chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp có đóng góp lớn vào ngân sách không làm mất đi tính công bằng trong việc ban hành chính sách, mà ngược lại, còn khuyến khích các doanh nghiệp nỗ lực hơn, nhà đầu tư cân nhắc trách nhiệm xã hội hơn.
Tạo niềm tin với nhà đầu tư
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/10/2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đã đạt hơn 22,46 tỷ USD. Tuy con số này giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2021, nhưng trong bối cảnh hiện tại, đây là tín hiệu lạc quan và thể hiện Việt Nam vẫn đang là điểm đến của nhà đầu tư.
Bài toán giữ niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước lúc này được đặt ra, từ đó tăng thêm tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư so với các quốc gia khác trong khu vực. Ở góc độ chính sách pháp luật, Nhà nước với vai trò kiến tạo cần hành động, bao gồm cả việc ban hành văn bản và thực thi chính sách trên thực tế. Có hai nhóm công việc về pháp lý mà Chính phủ phải nhanh chóng hành động nếu muốn “giữ chân” nhà đầu tư.
Cũng như các nền kinh tế mới nổi khác, Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng chúng ta có tiềm lực lớn để có thể kiến tạo những di sản kinh tế từ hôm nay.
Đầu tiên, trong quá trình xây dựng và ban hành văn bản pháp luật, cần lắng nghe những ý kiến đóng góp và phản biện từ công dân, doanh nghiệp vào các dự thảo; chính sách ban hành phải có tính thực thi cao. Việc áp dụng chính sách đối với hoạt động kinh doanh và đầu tư trong thời điểm kinh tế khó khăn cần thay đổi theo chiều hướng linh hoạt để hỗ trợ người kinh doanh. Hệ quả của việc xử phạt nặng khi dòng tiền kinh doanh tại doanh nghiệp cạn kiệt đến phá sản là các bên đều thiệt hại.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng quản lý chuyên ngành nên tích cực truyên truyền về tuân thủ pháp luật, thay vì soát xét (hoặc gây phiền hà) và xử phạt nặng. Việc hình sự hóa vấn đề dân sự hay bắt giam lãnh đạo doanh nghiệp cũng cần cân nhắc kỹ. Việc xử phạt người vi phạm để răn đe cần song hành với việc điều chỉnh quy định pháp luật và tuyên truyền về quy định đó. Có như vậy, sẽ khơi thông nguồn lực đưa vào kinh doanh của các nhà đầu tư lớn.
Khuyến khích, tạo hành lang pháp lý cho các mô hình mới
Khi một doanh nghiệp dùng cổ phiếu để góp vốn vào một công ty quản lý và đầu tư bất động sản mới, nhà đầu tư có quyền đắn đo lựa chọn hợp tác và dư luận có quyền bàn tán. Nhưng ở vai trò của Chính phủ, nhà quản lý, cần nghiên cứu, kiến tạo hành lang pháp lý để mô hình mới này hoạt động tốt nhằm đảm bảo quyền lợi của các bên.
Với các mô hình kinh doanh mới như công nghệ chuỗi khối (blockchain), công nghệ bất động sản (proptech)… hay mô hình đã khẳng định được giá trị cho nền kinh tế như thương mại điện tử (e-commerce), công nghệ tài chính (fintech), hành lang pháp lý luôn là điểm then chốt. Cần xây dựng hành lang pháp lý để những mô hình đổi mới sáng tạo này có cơ chế hoạt động kinh doanh và rõ ràng về trách nhiệm pháp lý.
Có thể nói, cho đến nay, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (năm 2017) vẫn chưa phát huy được tác dụng trên thực tế. Khi Chính phủ, mà người trực tiếp làm việc với doanh nghiệp là cơ quan chức năng có thẩm quyền, có văn bản về chủ trương khuyến khích triển khai các mô hình kinh doanh mới, sẽ thúc đẩy nhiều hướng đi mới hơn cho doanh nghiệp. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, thời điểm nền kinh tế khó khăn, nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up) sẽ phát huy thế mạnh của mình.
Thời điểm “vàng” để M&A
Chủ trương của Việt Nam là thu hút đầu tư, nhưng không đánh đổi môi trường sống, luôn tạo điều kiện phát triển kinh tế cho tất cả các thành phần để “không ai bị bỏ lại phía sau”. Đây là định hướng đúng đắn. Bên cạnh đó, cần phát triển thêm các hệ giá trị kinh tế đầu tư tài sản cho giai đoạn mới. Cũng như các nền kinh tế mới nổi khác, Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng chúng ta có tiềm lực lớn để có thể kiến tạo những di sản kinh tế từ hôm nay.
Ví dụ, trong lĩnh vực bất động sản, cơ quan chức năng rà soát bằng thanh tra và yêu cầu cam kết từ chủ đầu tư đối với các dự án bỏ hoang, chậm tiến độ. Trường hợp cần thiết, tiến hành thu hồi tài nguyên sử dụng không đúng mục đích, kiểm soát đầu cơ. Theo đánh giá của các nhà đầu tư, tiềm năng kinh doanh bất động sản tại Việt Nam khá lớn, nhưng việc tiếp cận quỹ đất khó khăn, do thủ tục pháp lý kéo dài và quan trọng hơn, là giá đất đang ở mức cao.
Có thể thấy, đây là thời điểm “vàng” để tiến hành các hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) dự án và cũng là cơ hội tái cấu trúc doanh nghiệp theo hướng đầu tư linh hoạt hơn, trong đó có mô hình đầu tư kinh doanh nắm giữ tài sản (holdings). Tuy nhiên, cần kiểm soát chặt chẽ, nhất là những trường hợp nhà đầu tư “vẽ dự án trên giấy” để huy động vốn hoặc “làm đẹp báo cáo tài chính” rồi để dự án dang dở, không thực hiện, với “tấm áo giáp ngụy biện” là thiếu vốn không thể triển khai…
Tóm lại, về kiến tạo chính sách để khơi thông dòng vốn, người dân đang trông chờ vào hành động của Chính phủ, đó là điều kiện cần. Điều kiện đủ phải là hành động tích cực từ hai phía - Chính phủ và doanh nghiệp. Bản thân doanh nghiệp sẽ tự đào thải và bị bỏ lại phía sau nếu họ “buông tay” và thiếu nỗ lực trong giai đoạn thử thách này. Dòng vốn chỉ là một phần của bức tranh kinh doanh, nhà đầu tư cần nhìn nhận đúng và đi tìm nguồn lực phù hợp với mình, bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ.
Luật sư Nguyễn Văn Lộc
Nhà sáng lập Hãng Luật LPVN, chuyên cung cấp dịch vụ luật sư riêng và luật sư gia đình cho các doanh nhân.
Chủ tịch LP Group (thành viên LP Group Holdings) - công ty đầu tư và tư vấn quản lý tài sản có mặt tại Việt Nam từ năm 2011.
Tác giả cuốn sách “Pháp lý trong kinh doanh” (xuất bản năm 2016), phục vụ nhu cầu tham khảo kiến thức luật của đông đảo doanh nhân trẻ, start-up, doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam.