Dòng tiền trên thị trường chứng khoán đang chững lại, khiến thanh khoản giảm

Dòng tiền trên thị trường chứng khoán đang chững lại, khiến thanh khoản giảm

Kiên nhẫn chờ xu hướng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các chỉ báo phân tích kỹ thuật cho thấy, xu hướng tăng của VN-Index chưa bị bẻ gãy, nhưng thị trường cũng chưa cho thấy các điều kiện cần và đủ để mạnh tay giải ngân.

Xu hướng dài hạn ở đồ thị tháng duy trì trên mức MA(5) cho thấy, thị trường vẫn đang trong xu hướng tăng. Chỉ báo MA(5) khá hữu dụng trong việc xác định xu hướng. Ngoài ra, chỉ báo MACD có tính chắc chắn cao đảm bảo mô hình 2 đáy và chưa lên cao, nên rủi ro gãy xu hướng không lớn. Có chăng, xu hướng ngắn hạn sẽ bị ảnh hưởng bởi tình hình vĩ mô. VN-Index đi ngang trong biên độ 1.100 - 1.250 điểm có nhiều xác suất xảy ra.

Về xu hướng ngắn hạn, nhịp điều chỉnh lớn chưa có dấu hiệu kết thúc, dù nhịp hồi có thể kéo dài hơn, khi VN-Index đi lên vùng kháng cự 1.120 - 1240 điểm. Yếu tố cần quản trị là thanh khoản thấp dễ khiến thị trường “rung lắc” mạnh trong phiên và chịu áp lực bán vào cuối phiên. Theo mô hình sóng C giảm ngắn hạn, chỉ số chung vẫn có nguy cơ lùi xuống vùng 1.070 - 1.100 điểm.

Xét yếu tố vĩ mô, các dữ liệu tháng 4/2024 được công bố cho thấy, kinh tế vẫn ổn và sức mua phục hồi, nhưng điều kiện chính sách tiền tệ, tỷ giá và lãi suất đang có áp lực tăng sau thời gian nới lỏng nhanh hơn thế giới. Biến động chính trị trên thế giới có tác động tâm lý đến nhà đầu tư và vụ việc tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An liên quan tới một loạt dự án đầu tư công có thể ảnh hưởng đến hoạt động giải ngân. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) duy trì nền lãi suất cao, khả năng cắt giảm lãi cơ bản chỉ còn một lần trong năm nay dự kiến tác động không nhỏ đến nhóm xuất khẩu trong nước.

Điểm tích cực là lãi suất tiết kiệm thấp, trong khi lãi suất cho vay khá cao, giúp biên lợi nhuận nhóm ngân hàng duy trì ở mức cao. Thị trường tỷ giá và vàng hạ nhiệt trong ngắn hạn sau nỗ lực nhập khẩu vàng và bán dự trữ ngoại hối của cơ quan chức năng. Thị trường bất động sản dần phục hồi là động lực kéo nhóm xây dựng, ngân hàng, vật liệu xây dựng đi lên.

Trên thị trường chứng khoán, dòng tiền đang dịch chuyển theo hướng phân hóa, tập trung vào các cổ phiếu có dòng tiền mạnh và triển vọng phục hồi lợi nhuận. Một số nhóm ngành đang được dòng tiền quan tâm là bất động sản (DIG,TCH), chứng khoán (VCI, HCM), bán lẻ (FRT, MWG, DGW), hóa chất (DGC), công nghệ (FPT), ngân hàng (TCB, MBB, CTG), viễn thông (VGI, VTP).

Khối nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục có động thái bán ròng, do chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và thế giới cũng như định giá ở thị trường Việt Nam so với một số thị trường khác như Mỹ, Trung Quốc kém hấp dẫn. Mặc dù vậy, thị trường có sức hấp thụ tốt lực bán của khối ngoại. Khối này có thể quay lại mua ròng nếu Fed hạ lãi suất.

Với lãi suất điều hành tại Việt Nam, một bộ phận nhà đầu tư nghiêng về phương án trong tháng 6 tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng lãi suất, nếu không cân bằng được những căng thẳng về tỷ giá và giá vàng. Một nhóm nhà đầu tư khác nhận định, Ngân hàng Trung ương khó có thể tăng lãi suất, vì hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp nhìn chung vẫn yếu, nền kinh tế chưa hết khó khăn, cần có điều kiện thuận lợi từ yếu tố lãi suất thấp để hồi phục.

Giả sử lãi suất điều hành có tăng 0,5%/năm như lãi suất tái cấp vốn tăng từ 4,5% lên 5%/năm theo dự báo của một số nhà đầu tư, thì mức tăng đó cũng khó có thể gây tác động xấu, bởi mặt bằng lãi suất vẫn ở mức thấp. Tuy nhiên, nếu lãi suất điều hành giảm thì đây có thể là một chỉ báo đáng lưu ý đối với thị trường trong trung và dài hạn.

Hiện tại, chiến thuật được nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp lựa chọn là mua dần cổ phiếu ở vùng giá thấp hơn vùng bán trước đó.

Tin bài liên quan