Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc
Báo cáo trước Quốc hội trong phiên họp sáng nay (25/3), Tổng Kiểm toán Nhà nước, ông Hồ Đức Phớc cho biết, trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, với sự quyết tâm cao, Ban cán sự Đảng, Đảng ủy, lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước đã quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và tổ chức thực hiện các nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước.
Ngay từ năm 2016, để triển khai thi hành Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015, thực hiện Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2020, Kiểm toán Nhà nước đã ban hành Kế hoạch xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý liên quan đến hoạt động của Kiểm toán Nhà nước.
Kết quả, đã ban hành 32 văn bản quy phạm pháp luật và 57 văn bản quản lý nội bộ, trong đó đã xây dựng và ban hành mới hệ thống 39 Chuẩn mực Kiểm toán Nhà nước theo chuẩn quốc tế ISSAI phù hợp với đặc thù của Việt Nam.
Công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán có nhiều đổi mới cả về nội dung và cách thức tổ chức thực hiện, chất lượng ngày càng được nâng cao, bám sát các định hướng lớn của Đảng, Nhà nước, các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm, các vấn đề có rủi ro cao về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công theo hướng ngày càng khoa học, minh bạch và công khai
Giai đoạn 2016-2021, hầu hết các cuộc kiểm toán đều kết hợp, lồng ghép 3 loại hình kiểm toán gồm kiểm toán tài chính, kiểm toán hoạt động và kiểm toán tuân thủ. Theo đó, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 353.733 tỷ đồng, tăng 3,5 lần so với giai đoạn 2011-2015.
Đồng thời, chuyển 20 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật, 02 vụ việc đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý; cung cấp 498 hồ sơ, báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho cơ quan của Quốc hội, Ủy ban kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan Nhà nước khác có thẩm quyền
Trong nhiệm kỳ vừa qua, Tổng kiểm toán Nhà nước cho biết, đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 786 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý sai quy định hoặc không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn, góp phần làm lành mạnh nền tài chính quốc gia
Về kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán: Nhiệm kỳ 2016-2021, số kiến nghị về xử lý tài chính của Kiểm toán Nhà nước đã được các đơn vị thực hiện là 237.578 tỷ đồng, đạt 73,6% tổng số kiến nghị; có 136/786 văn bản đã được Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương thực hiện hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.
Đánh giá về báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Nguyễn Đức Hải cho biết, trong nhiệm kỳ vừa qua, Kiểm toán Nhà nước đã từng bước khẳng định được vị thế là cơ quan kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật và là công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được trong nhiệm kỳ 2016-2021, Ủy ban đề nghị Kiểm toán Nhà nước lưu ý một số vấn đề như chưa đảm bảo 100% báo cáo tài chính của các Bộ, cơ quan Trung ương và Báo cáo quyết toán các địa phương được kiểm toán thường xuyên hàng năm theo yêu cầu của Luật Ngân sách nhà nước.
Tỷ lệ thực hiện kiến nghị về xử lý tài chính tăng song vẫn còn nhiều kiến nghị chưa được thực hiện (bình quân đạt 73,6%). Thực hiện kiến nghị liên quan đến hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung văn bản còn thấp (136/786 văn bản kiến nghị), thấp hơn so với nhiệm kỳ trước.
Việc công khai Báo cáo kiểm toán cơ bản đã được thực hiện theo quy định, tuy nhiên hiệu quả, tính lan tỏa còn hạn chế; việc tiếp cận, khai thác thông tin, kết quả kiểm toán còn chưa thuận lợi, dễ dàng đối với các đối tượng theo quy định.
Ông Nguyễn Đức Hải cho rằng, công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật cho hoạt động Kiểm toán Nhà nước cần tiếp tục triển khai để sớm ban hành các văn bản quy định chi tiết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước, đặc biệt là quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, quy định để xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động kiểm toán, quy định về kiểm tra đối chiếu, quy định việc truy cập dữ liệu điện tử tại đơn vị kiểm toán.
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chuẩn mực, quy trình, hướng dẫn kiểm toán để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ kiểm toán các doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ, kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề.
Trên thực tế, việc phối hợp để xử lý chồng chéo trong kiểm toán, thanh tra, kiểm tra đã có nhiều tiến bộ. Song Kiểm toán Nhà nước cần tăng cường các giải pháp để xử lý triệt để chồng chéo giữa Kiểm toán Nhà nước và thanh tra chuyên ngành, thanh tra các địa phương.
Đặc biệt, Kiểm toán Nhà nước cần phân tích rõ hơn giải pháp, yếu tố tác động, mối liên hệ với việc chấn chỉnh kỷ luật tài chính, ngân sách của quốc gia để đạt được kết quả kiến nghị xử lý tài chính bằng 3,5 lần so với nhiệm kỳ trước, tránh hiểu lầm kiến nghị kiểm toán tăng đồng nghĩa với kỷ luật tài chính, ngân sách đi xuống.
So với nhiệm kỳ 2011 - 2015, số vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện chuyển sang cơ quan điều tra tăng 9 vụ việc, tương ứng tăng 45%.
Đó là vụ việc liên quan đến Công ty cổ phần DAP số 2 - Vinachem thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, dấu hiệu vi phạm pháp luật của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Dầu khí Hoàng Ngân, Ban Quản lý Dự án Công trình Liên hợp Lọc Hóa Dầu Nghi Sơn, Cục Hải quan thành phố Đà Nẵng, Sở Y tế tỉnh Bình Dương, hành vi có dấu hiệu chuyển giá, trốn thuế của Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu tại Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Dự án Nhà máy sản xuất Ethanol Bình Phước...