Rất nhiều ý kiến doanh nghiệp và các chuyên gia đã thẳng thắn đề xuất cần xem xét lại nội dung Thông tư 37 của Bộ Công thương về kiểm tra hàm lượng Formaldehit và amin thơm trong sản phẩm dệt may tại Hội thảo “Thông tư số 37 và mức độ giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm đối với sản phẩm dệt may” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Dự án hỗ trợ Tái cơ cấu kinh tế nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam (RCV) do Chính phủ Úc tài trợ vừa tổ chức.
"Hình như khi soạn thảo, cơ quan soạn thảo và ban hành đã không căn cứ Nghị quyết 19. Trong các căn cứ pháp lý liệt kê không có Nghị quyết 19, mà căn cứ vào những văn bản mà Nghị quyết 19 đã yêu cầu bổ sung, sửa đổi" - TS. Nguyễn Đình Cung
Tại Hội thảo, các hiệp hội cho rằng, dù Thông tư 37 chưa đi vào thực hiện, nhưng tới nay đã có nhiều ý kiến phản ảnh của các doanh nghiệp về Thông tư này.
Nhìn chung, ban soạn thảo đã điều chỉnh, sửa đổi Thông tư 32 theo hướng bài bản hơn, đầy đủ nội dung hơn so với Thông tư 32, nhưng điều đáng quan tâm là nội dung của Thông tư 37 hoàn toàn khác với các bản dự thảo khi đưa ra cho các Bộ, ban ngành, hiệp hội, doanh nghiệp tham gia, góp ý, khiến cho các doanh nghiệp rất lúng túng trong việc tìm hiểu và thực hiện.
Mặc dù Thông tư 37 đã đưa ra một số mức kiểm tra khác nhau như: kiểm tra thông thường, kiểm tra giảm, kiểm tra hồ sơ, kiểm tra xác suất theo hướng giảm nhẹ hơn thủ tục kiểm tra cho các trường hợp nhập khẩu với tần suất cao và tuân thủ pháp luật về chất lượng sản phẩm (cụ thể là hàm lượng formaldehyt và amin thơm). Tuy nhiên, các doanh nghiệp đều phản ảnh là còn rất nhiều vấn đề, Thông tư 37 chưa rõ ràng và có xu hướng tăng thêm đối tượng, tăng thủ tục cho doanh nghiệp.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, Thông tư 37 không đáp ứng tất cả, cũng như từng yêu cầu cụ thể của Nghị quyết 19 đối với việc sửa đổi Thông tư 32.
"Hình như khi soạn thảo, cơ quan soạn thảo và ban hành đã không căn cứ Nghị quyết 19. Trong các căn cứ pháp lý liệt kê không có Nghị quyết 19, mà căn cứ vào những văn bản mà Nghị quyết 19 đã yêu cầu bổ sung, sửa đổi".
Chính vì vậy, ông Cung đề xuất Bộ Công thương xem xét đình chỉ hiệu lực thi hành thông tư này và nghiên cứu, bổ sung sửa đổi Thông tư 32 theo đúng yêu cầu Nghị quyết 19/CP.
Theo yêu cầu của Nghị quyết 19, một trong những nhiệm vụ của Bộ Công thương là “Sửa đổi, bổ sung Thông tư số 32/2009/TT-BCT về kiểm tra hàm lượng formaldehyt trên các sản phẩm dệt may theo hướng miễn kiểm tra đối với: nguyên liệu sản xuất; sản phẩm trung gian; sản phẩm khuyến mại nhỏ; sản phẩm quen thuộc đã được nhập khẩu nhiều lần và đã kiểm tra chất lượng với số lần tương ứng; sản phẩm nhập khẩu từ khu vực có tiêu chuẩn kỹ thuật cao hơn hoặc có thương hiệu nổi tiếng; sản phẩm có xác nhận, chứng nhận của cơ quan tổ chức có thẩm quyền của nước xuất khẩu hoặc nhà sản xuất có uy tín đạt chất lượng cao. Thực hiện đăng ký và trả kết quả kiểm tra qua mạng thông tin điện tử”. Thực hiện tinh thần này, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư số 37/2015/TT-BCT ngày 30/10/2015, thông tư này sẽ có hiệu lực từ ngày 15/12/2015, thay thế Thông tư số 32. Tuy nhiên, nội dung Thông tư 37 chưa đáp ứng được yêu cầu của Nghị quyết số 19, chưa giải quyết được khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, thậm chí còn tăng thêm chi phí và điều kiện kiểm tra cho DN. |