Không nên ban hành khung giá đất cố định cho một giai đoạn dài đến 5 năm.
Bất cập khung giá đất
Mới đây, UBND TP.HCM đã có công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét bỏ quy định về khung giá đất. Lý do được Thành phố đưa ra là hiện nay, những quy định về việc xác định thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ trong giao dịch nhà đất thường thấp hơn giá đất tại bảng giá do UBND Thành phố ban hành.
Hiện khung giá đất ở tại TP.HCM (thuộc loại đô thị đặc biệt) có mức tối thiểu là 1,5 triệu đồng/m2 và tối đa là 162 triệu đồng/m2, chênh lệch rất lớn so với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường. Dựa vào khung giá đất này, hàng năm TP.HCM sẽ ban hành hệ số K (hệ số điều chỉnh giá đất) theo từng khu vực, nhưng không quá 30%.
Theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư, giá đất hiện nay so với giá sàn Nhà nước quy định quá chênh lệch. Đơn cử, đường Nguyễn Huệ, Đồng Khởi và Lê Lợi (quận 1), khung giá đất của Nhà nước quy định chỉ là 162 triệu đồng/m2, trong khi giá đất thực tế hiện nay ở các tuyến phố này hơn 1 tỷ đồng/m2.
Vì vậy, khi thực hiện các giao dịch chuyển nhượng nhà đất, bên mua và bên bán thường thống nhất ghi giá trị chuyển nhượng tại các hợp đồng thấp hơn hoặc bằng quy định tại bảng giá đất, nhằm giảm số tiền phải thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước.
UBND TP.HCM kiến nghị các bộ nghiên cứu bổ sung quy định về việc thu thập thông tin chào mua, chào bán trên thị trường (kể cả giá chào mua, chào bán của chính chủ đầu tư thực hiện dự án) để đề xuất mức giá phù hợp. Trên cơ sở đó, so sánh, đánh giá các yếu tố khác biệt giữa tài sản thẩm định giá và tài sản so sánh làm cơ sở xác định, thẩm định giá đất. Trường hợp chưa thể bổ sung ngay vào các văn bản quy phạm pháp luật, kiến nghị các bộ chấp thuận cho Thành phố thực hiện thí điểm.
Do khung giá đất hiện nay chưa tiệm cận với giá thị trường, nên Thành phố kiến nghị Thủ tướng xem xét bỏ quy định về khung giá đất tối thiểu, tối đa theo Nghị định 96/2019/NĐ-CP.
Giao quyền tự quyết cho địa phương
Luật sư Võ Thiện Hiển, Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng, quy định bảng giá đất tối thiểu dẫn tới khi tiến hành giao dịch, giá trị thực các sản phẩm bất động sản sẽ không được thể hiện trên hợp đồng, mà thấp hơn hoặc ngang bằng với bảng giá đất. Đây rõ ràng là một cách lách luật để trốn thuế, nhưng lại… hợp pháp, Nhà nước bị thất thu một khoản thuế đất tương đối lớn.
Không nên ban hành khung giá đất cố định cho một giai đoạn dài đến 5 năm. Thực tế đã cho thấy sự khác biệt rất lớn giữa giá đất giao dịch trên thị trường với khung giá này.
Chưa kể, giá của những sản phẩm giao dịch không được thể hiện trên hợp đồng thì cơ quan quản lý nhà nước không có cơ sở dữ liệu đúng đắn, dẫn tới chuyện định giá không chính xác, thiếu thống nhất. Đây là một trong những bất cập lớn nhất của quy định về bảng giá đất, khung giá đất tối thiểu.
Ở góc độ khác, việc ban hành và điều chỉnh khung giá đất hàng năm không đơn thuần chỉ để thu thuế trên các hợp đồng giao dịch nhà đất, mà quy định này còn ảnh hưởng đến phần lớn doanh nghiệp địa ốc trong việc tính tiền sử dụng đất.
Nếu không cân nhắc kỹ lưỡng, thì việc điều chỉnh khung giá đất khả năng sẽ tác động rất mạnh theo hướng tiêu cực tới thị trường địa ốc. Bởi khung giá đất liên quan đến hàng loạt vấn đề, đặc biệt là tiền sử dụng đất sẽ trở thành “ẩn số”, khiến chi phí đầu tư của các doanh nghiệp đội lên, dẫn đến giá thành sản phẩm tăng, trút gánh nặng lên người mua nhà.
Theo ông Dương Minh Tiến, Tổng giám đốc Công ty Asia New Time, lo lắng lớn của hầu hết các nhà đầu tư bất động sản là “ẩn số” tiền sử dụng đất, bởi một khi khung giá đất tăng theo mỗi lần điều chỉnh sẽ có sự tác động mạnh đến tiền sử dụng đất của doanh nghiệp.
“Với hầu hết các doanh nghiệp khi đầu tư một dự án bất động sản, tiền sử dụng đất luôn là bài toán đau đầu. Các dự án có quy định cụ thể về tiền sử dụng đất thì doanh nghiệp dễ tính toán trong đầu tư, nhưng với các dự án chưa có quy định tiền sử dụng đất, mức nộp là ẩn số, tạo nhiều rủi ro thanh khoản và giá bán. Một khi bài toán về tiền sử dụng đất là ẩn số sẽ khiến các doanh nghiệp không dám mạnh dạn đầu tư, dẫn đến thị trường bị đình trệ, nguồn cung khan hiếm”, ông Tiến nói.
Còn bà Trần Thị Khánh Linh, Trưởng bộ phận định giá, Savills TP.HCM cho rằng, bảng giá đất cho giai đoạn 5 năm là khá dài vì tình hình giá bất động sản thay đổi nhanh. Do đó, cần có cơ chế tham mưu về mặt thời gian, loại hình dự án như thế nào để cập nhật thường xuyên.
Nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ cần nghiên cứu bỏ hẳn khái niệm tiền sử dụng đất, mà thay thế bằng sắc thuế sử dụng đất ở với thuế suất nhất định, khoảng 10 - 15% bảng giá đất. Như vậy vừa minh bạch, vừa dễ tính toán và loại trừ được cơ chế xin - cho.