Kiến nghị về xây dựng sàn giao dịch trái phiếu

0:00 / 0:00
0:00
Đề xuất về việc xây dựng sàn giao dịch trái phiếu tại Việt Nam là một giải pháp tối ưu, nhưng vẫn phải cẩn trọng.
Việt Nam cần chuẩn bị kế hoạch phù hợp cho lộ trình xây dựng sàn giao dịch trái phiếu. Ảnh: Đức Thanh

Việt Nam cần chuẩn bị kế hoạch phù hợp cho lộ trình xây dựng sàn giao dịch trái phiếu. Ảnh: Đức Thanh

Kênh giao dịch điện tử công khai về trái phiếu

Trên thế giới, bên cạnh sàn giao dịch chứng khoán nói chung, nhiều quốc gia đã xây dựng sàn giao dịch dành riêng cho thị trường trái phiếu. Đơn cử, tại Hoa Kỳ, Nasdaq được hình thành từ năm 2018. Đây là sàn giao dịch trái phiếu của các nhà đầu tư tổ chức toàn cầu đối với trái phiếu không chuyển đổi. Trong quá trình vận hành thị trường, Nasdaq tuân thủ quy trình niêm yết hiệu quả, đảm bảo tiêu chuẩn đầu vào của những trái phiếu được giao dịch trên sàn, xây dựng môi trường đầu tư trái phiếu lành mạnh về lâu dài.

Tại Việt Nam, cách đây gần 20 năm, đề xuất ban đầu về việc thiết lập sàn giao dịch trái phiếu chính phủ đã được cân nhắc. Thời điểm đó, giao dịch trái phiếu tại thị trường thứ cấp chưa phổ biến và tính thanh khoản không cao. Nhà môi giới trái phiếu bấy giờ cũng chưa hiểu hết cơ hội và rủi ro của thị trường trái phiếu để cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác đến nhà đầu tư.

Ngoài ra, nhiều quan điểm trước đây cho rằng, thị trường trái phiếu chỉ phù hợp với nhà đầu tư chuyên nghiệp như các định chế, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại; còn nhà đầu tư cá nhân không nên tham gia thị trường này, bởi việc xác định chất lượng trái phiếu doanh nghiệp thấp và độ rủi ro cao.

Đến năm 2008, Quyết định 86/QĐ-BTC về phê duyệt Đề án Xây dựng thị trường giao dịch trái phiếu chính phủ chuyên biệt được ban hành, đánh dấu bước hình thành quan trọng trong việc xây dựng và phát triển sàn giao dịch trái phiếu chính phủ với 2 mô hình: mô hình đa định chế (giai đoạn 2008-2011) và mô hình thị trường liên định chế (giai đoạn sau năm 2011).

Trái phiếu doanh nghiệp hiện được chia làm 2 loại: trái phiếu niêm yết (đăng ký và lưu ký tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán, giao dịch dựa trên các quy định của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM và Hà Nội); trái phiếu OTC (giao dịch trên thị trường OTC dựa trên thỏa thuận mua bán riêng giữa các nhà đầu tư). Tuy nhiên, đến nay, Việt Nam vẫn chưa có sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ chuyên biệt trên thị trường.

Tại Thái Lan, ban đầu, giao dịch trái phiếu thông qua thị trường OTC chỉ cho phép nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp tham gia. Ngày 26/11/2003, sàn giao dịch điện tử trái phiếu đầu tiên tại nước này ra đời dưới tên gọi là Sở Giao dịch trái phiếu Thái Lan (TBX), tạo nền tảng cho sự tham gia của những nhà đầu tư cá nhân.

Cuối năm 2020, hầu hết các trái phiếu niêm yết ở TBX được phát hành bởi cơ quan Chính phủ hoặc các doanh nghiệp nhà nước như Bộ Tài chính, Hãng hàng không quốc tế Thái Lan, Ngân hàng nhà ở Chính phủ, Cơ quan quản lý nhà ở quốc gia, Cơ quan quản lý đường cao tốc và vận tải nhanh…

Tuy nhiên, sau gần 18 năm hoạt động dưới sự quản lý của Sở Giao dịch chứng khoán Thái Lan (SET), TBX đã ngừng sàn giao dịch trái phiếu kể từ ngày 1/3/2021. Nguyên nhân chính là SET nhận thấy, nhà đầu tư cá nhân trên thị trường Thái Lan ít quan tâm đến giao dịch trái phiếu, còn nhà đầu tư tổ chức thường lựa chọn giao dịch trái phiếu qua kênh phi tập trung (OTC), việc duy trì TBX không có nhiều ý nghĩa đối với thị trường trái phiếu.

Một số kiến nghị

Một là, trước tình trạng mất niềm tin vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp do mua lầm những trái phiếu doanh nghiệp không có uy tín trên thị trường, xây dựng sàn giao dịch trái phiếu có thể giải quyết bài toán niềm tin hiện tại, hạn chế và giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư khi mua phải các trái phiếu thiếu chất lượng. Tuy vậy, Việt Nam cần chuẩn bị kế hoạch phù hợp cho lộ trình xây dựng sàn giao dịch trái phiếu.

Việt Nam nên xây dựng sàn giao dịch chuyên biệt cho thị trường trái phiếu trên cơ sở từng bước tiếp cận nhà đầu tư trái phiếu trên thị trường, khuyến nghị nhà đầu tư tham gia bằng các chính sách vĩ mô linh hoạt như: thuế (thuế thu nhập cá nhân, thuế bán trái phiếu), phí (phí giao dịch trái phiếu niêm yết, phí chuyển nhượng trái phiếu OTC, phí lưu ký trái phiếu, phí môi giới).

Hai là, thực hiện nội dung chương trình hành động của Chính phủ trong Nghị quyết 54/NQ-CP về mục tiêu dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt 20% GDP đến năm 2025, trái phiếu vẫn là kênh huy động vốn quan trọng của thị trường. Với thông điệp mạnh mẽ từ Công điện số 311/CĐ-TTg ngày 11/4/2022 về các biện pháp ổn định thị trường chứng khoán nói chung và thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng, Chính phủ không thể để một kênh huy động vốn tiềm năng như trái phiếu bị hẹp dần do những quy định pháp luật.

Theo điểm b, khoản 1, Điều 31, Luật Chứng khoán 2019 và điểm a, b, khoản 1, Điều 8, Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP, thì đối tượng mua trái phiếu (bao gồm cả trái phiếu chuyển đổi/không chuyển đổi và trái phiếu kèm chứng quyền/không kèm chứng quyền) là nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Nhà đầu tư cá nhân muốn tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ phải đảm bảo điều kiện về giá trị danh mục chứng khoán tối thiểu (2 tỷ đồng) và thời gian nắm giữ tối thiểu (180 ngày).

Ngoài ra, việc xác nhận nhà đầu tư chuyên nghiệp hiện nay chỉ có giá trị trong vòng 3 tháng. Quy định này sẽ gây bất lợi trong quá trình khuyến khích nhà đầu tư cá nhân tham gia sàn giao dịch trái phiếu. Thay vì “siết chặt” quy định vào đối tượng tham gia, Chính phủ nên cân nhắc nới điều kiện cho nhà đầu tư cá nhân và tăng cường các hoạt động quản trị rủi ro trong quá trình giao dịch.

Đồng thời, ban hành chính sách hoạt động và cơ chế điều hành, giám sát sàn giao dịch trái phiếu nhằm đồng bộ phương thức giao dịch và vai trò của cơ quan quản lý trên thị trường trái phiếu, đặc biệt là những quy định liên quan đến xếp hạng trái phiếu doanh nghiệp trước khi lên sàn giao dịch, ngăn chặn tình trạng “trái phiếu rác”, nâng cao chất lượng trái phiếu niêm yết trên thị trường Việt Nam.

Ba là, nâng cao chất lượng công nghệ thông tin trên sàn giao dịch trái phiếu đáp ứng mục tiêu xây dựng sàn giao dịch trái phiếu để đảm bảo khả năng cung cấp dịch vụ giao dịch trái phiếu trực tuyến. Trong đó, cải thiện công nghệ trong giao dịch trái phiếu, duy trì thanh toán linh hoạt, tách biệt với hệ thống thanh toán giao dịch cổ phiếu hiện tại. Điều này sẽ thu hút nhà đầu tư nước ngoài giao dịch trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy mục tiêu chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Trong ngắn hạn, cần có sự phối hợp đồng bộ về phương thức giao dịch và quy trình thanh toán trên sàn giao dịch trái phiếu. Về dài hạn, tích hợp nhiều hoạt động liên quan, từ khâu thẩm định, định giá, phát hành, giao dịch, cho đến giám sát đáo hạn và thu hồi nợ, nợ xấu trái phiếu, góp phần chuyên nghiệp hóa quy trình hoạt động của sàn giao dịch trái phiếu tại Việt Nam và thuận tiện cho công tác quản lý và phát triển thị trường tài chính bền vững.

Bốn là, xây dựng bộ quy tắc nghề nghiệp dành cho người hành nghề môi giới trái phiếu. Quy định các vấn đề liên quan đến trình độ hành nghề, nguyên tắc hoạt động, tiêu chuẩn đạo đức với nhà môi giới trái phiếu nên được xem xét để chuẩn mực hóa đạo đức và hành vi của người hoạt động trong lĩnh vực môi giới trái phiếu; qua đó, phòng tránh, giảm thiểu rủi ro trên thị trường trái phiếu và khẳng định vai trò tư vấn của người môi giới trái phiếu trên sàn giao dịch trái phiếu.

Để giao dịch trái phiếu tại Việt Nam, hiện nay, nhà đầu tư có 3 hình thức: tham gia đấu thầu trái phiếu chính phủ, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp trực tiếp tại nơi phát hành trái phiếu hoặc giao dịch trên thị trường thứ cấp thông qua các thành viên giao dịch được pháp luật quy định. Thực tế, cách đánh giá về tiêu chuẩn trái phiếu niêm yết hiện nay còn nhiều hạn chế và chính sách giao dịch ở mỗi thành viên giao dịch có những khác biệt, tạo nên sự không thống nhất về phương thức hoạt động, chưa đảm bảo chất lượng trái phiếu niêm yết trên thị trường.

Tin bài liên quan