Nguồn lực phải được phân bổ và sử dụng theo cơ chế thị trường
PGS.TS Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam
Doanh nghiệp tư nhân hiện nay chưa thực sự được bình đẳng trong việc tiếp cận nguồn lực cho sản xuất - kinh doanh. Để gỡ bỏ rào cản này, trước hết, nguồn lực phải được phân bổ và sử dụng theo cơ chế thị trường, ai làm ăn tốt, có hiệu quả thì được tiếp cận nguồn lực dễ dàng.
Hiện nay, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam còn yếu về vốn, năng lực quản trị, quy mô nhỏ lẻ, sức cạnh tranh không cao nên dễ bị tổn thương, dẫn tới phá sản. Để tăng cường “sức khoẻ” cho khối doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh, đủ sức cạnh tranh trên thị trường, cần có những hành động cụ thể thúc đẩy thể chế hoá những cơ chế, chính sách mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khoá XII của Đảng đã đề ra.
Đó là chính sách đất đai; chính sách tài chính, tín dụng; chính sách lao động - tiền lương; chính sách hỗ trợ về đào tạo, khoa học và công nghệ; chính sách hỗ trợ về thông tin, xúc tiến thương mại.
Phải rà soát và xoá bỏ những văn bản có quy định đi ngược lại yêu cầu, nhiệm vụ khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân; những quy định hạn chế quyền kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân; những quy định làm tăng chi phí đầu vào của doanh nghiệp (như chi phí về điện, viễn thông, cước phí vận chuyển, cước phí kho bãi... đang quá cao).
Đồng thời, khắc phục tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo, không đúng chức năng, kéo dài của nhiều cơ quan quản lý nhà nước, gây phiền hà cho doanh nghiệp; khắc phục tình trạng hình sự hoá các quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự đang gây lo lắng cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, tiếp tục đổi mới thể chế. Thể chế kinh tế phải bảo đảm thúc đẩy sự hình thành, phát triển và từng bước hoàn thiện các loại thị trường. Khung pháp lý phải tạo sân chơi bình đẳng, phải có những quy phạm pháp luật áp dụng chung cho các thành phần kinh tế, cho nhà đầu tư tư nhân và nước ngoài, khắc phục mọi kỳ thị, phân biệt đối xử đối với kinh tế tư nhân.
Cần xác định rõ các lĩnh vực mũi nhọn
Ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Quốc tế Sơn Hà, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam
Nghị quyết Trung ương 5, khóa XII của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân xác định, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế. Hiện nay, doanh nghiệp tư nhân đã và đang được tạo môi trường phát triển thuận lợi, mạnh mẽ hơn. Chúng tôi có niềm tin rất lớn về sự phát triển của kinh tế tư nhân.
Tuy nhiên, cần nhanh chóng hiện thực hóa quan điểm chỉ đạo trong Nghị quyết Trung ương 5 vào cuộc sống, các cấp thi hành cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển. Việt Nam cần xác định rõ các lĩnh vực mũi nhọn, tập trung phát triển bằng các giải pháp, hành động cụ thể, quyết liệt.
Nền kinh tế Việt Nam đang có những bước hồi phục, được ghi nhận ở sự tăng trưởng về nhiều mặt. Khát vọng vươn lên của các doanh nhân trẻ Việt Nam ngày trở nên cứng cáp hơn, sâu sắc hơn. Đây là những mầm non khoẻ, những hạt giống tốt sẵn sàng vươn ra biển lớn để mang thương hiệu Việt, giá trị Việt ra thế giới.
Hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu là điều kiện cần để khuyến khích và tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam có thể cạnh tranh bình đẳng và phát huy được tối đa tiềm năng phát triển.
Hội Doanh nghiệp Trẻ Hà Nội đã và đang hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp trẻ Thủ đô và phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam và các Hội Doanh nghiệp trẻ địa phương giúp đỡ các doanh nhân trẻ trên toàn quốc tham gia tích cực và hiệu quả vào quá trình hội nhập toàn cầu.
Doanh nghiệp cần môi trường kinh doanh bình đẳng, an toàn, thông thoáng và minh bạch
Ông Hà Quang Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Sữa Hà Nội (Hanoimilk)
Muốn phát triển kinh tế tư nhân thì Nhà nước cần tin tưởng và trao cho khu vực này nhiệm vụ “đầu tàu” của nền kinh tế. Trong đó, hỗ trợ cho những doanh nghiệp tư nhân lớn vươn lên tỏa sáng, dẫn dắt thị trường và dần dần khẳng định vai trò chủ đạo trong nền kinh tế.
Đồng thời, tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, an toàn, thông thoáng và minh bạch để các doanh nhân yên tâm, phấn khởi, chăm chỉ làm ăn, phấn đấu làm giàu cho bản thân và đóng góp nhiều nhất cho xã hội. Theo đó, các quy luật của nền kinh tế thị trường cần được tuân thủ.
Song song với việc xây dựng môi trường vĩ mô để cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển, ở tầm vi mô, các cơ quan bộ, ngành và địa phương cần lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp và thường xuyên tổ chức các cuộc tiếp xúc làm việc, đối thoại với doanh nghiệp.
Việc lắng nghe và xem xét giải quyết một cách nghiêm túc các kiến nghị của doanh nghiệp không chỉ giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển, mà còn rất hữu ích để tổng kết rút kinh nghiệm cho việc xây dựng, điều chỉnh các chính sách vĩ mô.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, triệt để thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước để các loại hình doanh nghiệp thực sự bình đẳng khi kinh doanh trên thị trường. Giảm thiểu sự “lấn sân” của các doanh nghiệp nhà nước đối với khu vực kinh tế tư nhân.
Cần tạo nên một khối doanh nghiệp Việt Nam, cùng bước vào sân chơi hội nhập
Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen
Khối doanh nghiệp nhà nước từng chiếm vị thế áp đảo trong nền kinh tế, được ưu ái nhiều mặt, với hy vọng tạo nên những “quả đấm thép” vì sự phát triển. Đến nay, kinh tế nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, nhưng vai trò tiên phong suy giảm. Thay vào đó, Chính phủ chủ trương đẩy nhanh cổ phần hóa, đồng thời khuyến khích hơn nữa sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.
Cộng đồng doanh nghiệp tư nhân ý thức rất rõ hội nhập là điều tích cực, nhưng chúng tôi đang hội nhập trong thế yếu vì đại đa số doanh nghiệp còn non trẻ, yếu về vốn, công nghệ, năng lực quản trị, chất lượng lao động còn thấp, tác phong công nghiệp còn yếu...
Mặc dù vậy, chúng tôi ý thức rằng, bây giờ hoặc không bao giờ, bởi hội nhập là cơ hội lớn nhất để cộng đồng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam phát triển và đuổi kịp khu vực và quốc tế. Doanh nghiệp tư nhân có thể lấy lao động thắng quy mô, lấy sáng tạo để thắng chuyên nghiệp, lấy nỗ lực và tốc độ để bù cho vị thế của người đi sau.
Cùng chung trách nhiệm trước vận hội phát triển của đất nước, doanh nghiệp nhà nước cùng doanh nghiệp tư nhân cần tạo nên một khối doanh nghiệp Việt Nam, cùng nhau bước vào sân chơi hội nhập. Doanh nghiệp Việt đang ở thế yếu về nhiều mặt so với doanh nghiệp nước ngoài trên chính thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp Việt cần liên kết với trách nhiệm và ý thức tự cường dân tộc vượt qua thách thức.
Mong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sớm đi vào cuộc sống
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam
Doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm hơn 98% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Vì vậy, mong muốn của doanh nghiệp tư nhân cũng chính là mong muốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Chúng tôi rất phấn khởi khi Đảng và Chính phủ đã nhất quán chủ trương coi doanh nghiệp tư nhân là động lực quan trọng phát triển kinh tế của đất nước và có nhiều hành động thiết thực để cải thiện, kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi cho doanh nghiệp.
Hiện nay, doanh nghiệp nhỏ và vừa kỳ vọng vào Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, với những cơ chế, chính sách hỗ trợ tập trung cho khu vực này. Chúng tôi mong Luật sớm được đi vào cuộc sống, hỗ trợ, tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp phát triển.
Nhìn tổng thể thì doanh nghiệp tư nhân cần nhất trong bối cảnh hiện nay là xã hội nhận thức đúng, tích cực về giới dân doanh như là một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế. Được xã hội nhận thức đúng, đánh giá đúng thì hoài bão, ước mơ kinh doanh của dân doanh sẽ tăng thêm nhiều. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần sự hỗ trợ theo hướng giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị.
Tất nhiên, các doanh nghiệp cần hệ thống pháp luật về kinh doanh minh bạch, công bằng và lành mạnh; hệ thống thủ tục hành chính đơn giản và thuận tiện; nền tư pháp bảo vệ cho họ được an toàn.