Kiến nghị thực thi Đối tác bù trừ trung tâm (CCP) để tăng sức mua cho nhà đầu tư chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2023, Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCharm) đã đề xuất thực hiện Đối tác bù trừ trung tâm (CCP) cho thị trường chứng khoán, xem đây là biện pháp giúp hỗ trợ việc nâng hạng thị trường.
Kiến nghị thực thi Đối tác bù trừ trung tâm (CCP) để tăng sức mua cho nhà đầu tư chứng khoán

Báo cáo của AmCharm cho biết, việc thực hiện cơ chế Đối tác bù trừ trung tâm (CCP) thực sự cho thị trường chứng khoán thứ cấp là một bước quan trọng, giúp phát triển hạ tầng thị trường vốn của Việt Nam mạnh mẽ hơn và thân thiện với nhà đầu tư hơn bằng cách giảm thiểu rủi ro đối tác và hoạt động thiếu hiệu quả, chẳng hạn như yêu cầu ký quỹ trước giao dịch. Mô hình CCP nên kết hợp các thông lệ tốt nhất toàn cầu về quản lý rủi ro, vai trò, trách nhiệm và nghĩa vụ pháp lý của các bên liên quan.

Trước đó, vào tháng 8/2022, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã tổ chức Hội thảo tham vấn về triển khai cơ chế đối tác bù trừ trung tâm (CCP) cho thị trường cơ sở. Tại đây, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán đã trình bày về hai mô hình nhằm triển khai mô hình Đối tác bù trừ trung tâm (CCP) cho thị trường cơ sở, bao gồm mô hình 1 là khi ngân hàng lưu ký được đóng vai trò là thành viên bù trừ và mô hình 2 là khi ngân hàng lưu ký không là thành viên bù trừ.

"Các nhà đầu tư và tổ chức trung gian toàn cầu hiện đang lo ngại về mô hình được đề xuất liên quan đến ký quỹ trước giao dịch và yêu cầu các ngân hàng lưu ký trở thành thành viên bù trừ cho CCP, điều này trái với thông lệ tốt nhất toàn cầu. Yêu cầu ký quỹ trước giao dịch làm mất đi một trong những lợi ích chính được các nhà đầu tư toàn cầu hoan nghênh và phá vỡ việc đảm bảo các nguyên tắc cơ bản về chuyển giao chứng khoán đồng thời với việc thanh toán tiền (DVP) nhằm bảo vệ tất cả các bên.

Đồng thời, việc yêu cầu các ngân hàng lưu ký trở thành thành viên bù trừ của CCP thay mặt cho tất cả các khách hàng lưu ký của mình cũng không phù hợp với mô hình và thông lệ tốt nhất quốc tế, điều này mang lại khả năng tiếp cận thị trường vốn cao hơn cho các ngân hàng lưu ký. Đây là yếu tố mà đa phần các ngân hàng trung ương trên thế giới đều ngăn chặn do tính chất nhạy cảm đối với sự ổn định tài chính tổng thể", báo cáo của AmCharm cho biết.

“Do việc triển khai CCP tại Việt Nam sẽ tác động đến toàn bộ hệ sinh thái thị trường chứng khoán, chúng tôi cho rằng mô hình này chỉ nên được triển khai khi quan điểm của tất cả những thành viên thị trường (những thành viên thị trường trong và ngoài nước, nhà đầu tư và đơn vị trung gian của họ – bên lưu ký, ngân hàng lưu lý toàn cầu, công ty môi giới kinh doanh quốc tế…) được thống nhất”.

Về những lợi ích của việc triển khai CCP, TS. Nguyễn Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) cho biết, khi triển khai mô hình CCP cho thị trường chứng khoán cơ sở, sức mua của nhà đầu tư sẽ được tăng lên đáng kể khi thay vì phải có đủ 100% tiền ký quỹ trước khi mua như hiện nay, nhà đầu tư chỉ cần ký quỹ theo yêu cầu của thành viên bù trừ (dự kiến từ 10 - 20%).

Thanh khoản của thị trường sẽ được cải thiện khi nghiệp vụ bán chứng khoán chờ về sẽ được áp dụng ngay khi triển khai cơ chế đối tác bù trừ trung tâm cho hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán do các tính năng liên quan đã được tích hợp trong hệ thống công nghệ thông tin mới cũng như khung pháp lý cho các giao dịch này đã tiếp tục được hoàn thiện trong dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 203/2015/TT-BTC về hướng dẫn giao dịch trên thị trường chứng khoán.

Công tác quản lý rủi ro mất khả năng thanh toán sẽ được nâng cao, hoàn thiện theo hướng VSD thông qua cơ chế thế vị tham gia vào giao dịch để đảm bảo thanh toán cho nhà đầu tư trong trường hợp xảy ra mất khả năng thanh toán.

“Tôi tin rằng, việc triển khai cơ chế CCP cho thị trường chứng khoán cơ sở sẽ có tác động rất quan trọng đến việc nâng hạng thị trường chứng khoán từ hạng cận biên lên mới nổi, cũng như là cơ hội giúp thị trường chứng khoán Việt Nam có được bước phát triển mạnh mẽ mới. VSD đã hoàn tất cả các khâu chuẩn bị và sẵn sàng triển khai mô hình này khi hệ thống công nghệ thông tin mới của thị trường đi vào hoạt động”, ông Sơn cho biết.

Tin bài liên quan