Kiến nghị thêm một loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp giao thông vượt dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp thì việc tiếp tục duy trì, bổ sung các chính sách hỗ trợ về tài chính là điều cần thiết để các doanh nghiệp vận tải có thể trụ vững.
Hàng không là lĩnh vực chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi những tác động của dịch Covid-19.

Hàng không là lĩnh vực chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi những tác động của dịch Covid-19.

Bộ GTVT vừa có công văn số 2911/BGTVT – VT gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ bổ sung cho các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trong lĩnh vực GTVT.

Theo đó, Bộ GTVT đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành xem xét một số chính sách, giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực GTVT.

Cụ thể, trong lĩnh vực vận tải hàng không, Bộ GTVT đề xuất tiếp tục kéo dài chính sách giảm 50% giá dịch vụ hạ, cất cánh tàu bay đối với các chuyến bay nội địa; áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá đến hết năm 2021.

Đặc biệt, Bộ GTVT cũng muốn Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành có liên quan xem xét kiến nghị khác của các cơ quan, đơn vị trong ngành hàng không Việt Nam về việc hỗ trợ tín dụng, lãi suất ngân hàng, thời hạn thanh toán.

Trong lĩnh vực đường sắt, Bộ GTVT đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan xem xét cho phép lùi thời gian thực hiện Nghị định số 65/2018/NĐ-CP ngày 12/5/2018 của Chính phủ về thực hiện niên hạn sử dụng đầu máy, toa xe thêm 3 năm so với thời gian thực hiện quy định tại Điều 19 của nghị định; bổ sung Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31/3/2017 của Chính phủ về tín dụng đầu tư nhà nước để các dự án đóng mới đầu máy, toa xe đường sắt thuộc danh mục được vay vốn ưu đãi của Ngân hàng phát triển Việt Nam.

Cơ quan quản lý Nhà nước về GTVT cũng muốn cấp có thẩm quyền sớm phê duyệt 2 Đề án “Quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư” để triển khai Nghị định số 46/2018/NĐ-CP; Đề án tái cơ cấu Tổng công ty ĐSVN để làm cơ sở cho Tổng công ty ĐSVN triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả.

Đối với lĩnh vực vận tải đường bộ, Bộ GTVT đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan xem xét cho phép kéo dài hiệu lực của Thông tư số 112/2020/TT-BTC ngày 29/12/2020 quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 đến hết ngày 31/12/2021; Thông tư số 74/2020/TT-BTC ngày 10/8/2020 của Bộ Tài chính về việc hỗ trợ phí bảo trì đường bộ đối với các xe ôtô kinh doanh vận tải hành khách (ô tô chở người, các loại xe buýt vận tải hành khách công cộng) được giảm 30%; xe ôtô tải kinh doanh vận tải (xe ôtô tải, ôtô chuyên dùng, xe đầu kéo) được giảm 10% đến hết ngày 31/12/2021.

Bộ GTVT cũng muốn có thêm những giải pháp hỗ trợ để hỗ trợ đơn vị kinh doanh vận tải khôi phục sản xuất kinh doanh như: giảm thuế giá trị gia tăng về 0%; giảm 50% thuế thu nhập DN cho các ngành nghề bị thiệt hại nghiêm trọng bởi dịch; cho giãn nộp 06 tháng đối với số thuế còn nợ đọng đến ngày 31/12/2021 (không tính lãi chậm nộp); không thu phí đậu, đỗ, đón khách tại sân bay, nhà ga, bến cảng và giảm 50% giá dịch vụ qua bến xe đối với xe khách; giảm 50% lệ phí đăng ký cho các xe đăng ký mới để kinh doanh vận tải đến 31/12/2021.

Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp vận tải đường bộ vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid 19, Bộ GTVT đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các ngân hàng thương mại xem xét tiếp tục giảm 50% lãi suất vay cho các khoản phải trả lãi (trong số này Nhà nước hỗ trợ 25% và ngân hàng 25%), áp dụng mức lãi suất ưu đãi cho DN nhưng tối đa không quá 6%/năm; giãn nợ bao gồm cả gốc và lãi từ 6 đến 12 tháng cho các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô; Giảm 50% phí chuyển tiền, phí duy trì tài khoản, phí SMS Banking, Internet Banking.

Đối với lĩnh vực vận tải hàng hải, Bộ GTVT đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế xem xét bổ sung đối tượng được ưu tiên tiêm vắcxin phòng ngừa Covid-19 là thuyền viên làm việc trên tàu biển, người làm việc trực tiếp với tàu biển (người làm nhiệm vụ kiểm tra, hoa tiêu và công nhân bốc xếp hàng hóa trên tàu…).

Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao xem xét hỗ trợ thủ tục nhập cảnh cho sỹ quan, thuyền viên Việt Nam làm việc trên tàu biển hoạt động tuyến quốc tế quá thời hạn hợp đồng lao động được hồi hương; xem xét đưa thuyền viên Việt Nam hết hạn hợp đồng đang mắc kẹt ở nước ngoài vào danh sách ưu tiên trên các chuyến bay cứu trợ của Chính phủ Việt Nam, thời gian thực hiện là trong năm 2021.

Ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, các chính sách của Quốc hội, Chính phủ đưa ra để hỗ trợ các cho các doanh nghiệp trong thời gian qua là rất kịp thời, đúng nội dung và có sức hỗ trợ rất lớn cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

“Trong tình hình diễn biến của dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp thì việc tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp là cần thiết”, lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định.

Tin bài liên quan