Cơ chế phân loại nợ mới tại Thông tư 11/2021/TT-NHNN vừa triển khai đã bộc lộ bất cập. Ảnh: Dũng Minh

Cơ chế phân loại nợ mới tại Thông tư 11/2021/TT-NHNN vừa triển khai đã bộc lộ bất cập. Ảnh: Dũng Minh

Kiến nghị tháo gỡ cơ chế phân loại nợ mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cơ chế phân loại nợ theo nhóm nợ cao nhất trên Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay đang bộc lộ những tác động không mong muốn.

Những câu chuyện thực…

Anh Đồng Văn Linh (Hải Phòng), khách hàng của một công ty tài chính liên tiếp hoàn thành nghĩa vụ với công ty trong 28 tháng qua khi thanh toán số tiền trung bình hàng tháng là 1,2 triệu đồng. Tuy nhiên, giữa tháng 12/2021, anh Linh bất ngờ được thông báo, do có món nợ xấu tại một tổ chức tín dụng (TCTD) khác nên thẻ của anh tại công ty tài chính bị khóa và cần tất toán với dư nợ tại thời điểm phát sinh là hơn 10 triệu đồng.

“Tôi đã giải thích với công ty tài chính lý do có nợ xấu là vì việc kinh doanh thua lỗ bởi ảnh hưởng của dịch bệnh, dẫn đến chậm thanh toán một khoản vay tại TCTD khác và phát sinh nợ xấu nhóm 4 trên CIC. Tôi cũng đã kiến nghị với công ty tài chính là việc bị khóa thẻ và phải tất toán dư nợ bất ngờ ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng thanh toán của tôi, nhưng phía công ty hướng dẫn tôi cần phải tất toán hoặc xác nhận không còn nợ quá hạn tại TCTD đó thì mới được xem xét mở thẻ”, anh Linh nói.

Tương tự, chị Lương Thị Huyền Thanh (Hà Nội) là một khách hàng tốt trong 21 tháng qua của công ty tài chính trên, luôn hoàn thành nghĩa vụ thanh toán hàng tháng. Tuy nhiên, do dịch bệnh nên công việc không thuận lợi, chị Thanh không thanh toán nợ đúng thời hạn tại một TCTD khác và món nợ đã chuyển nhóm tại CIC. Do đó, giữa tháng 11/2021, thẻ của chị tại công ty tài chính đã bị khóa.

Nhân viên công ty tài chính giải thích, việc khoá thẻ được thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, bởi khách hàng phát sinh nợ xấu ở nơi khác, nên CIC đã chuyển nợ lên nhóm 3. Công ty sẽ mở lại thẻ khi khách hàng tất toán hoặc xác nhận không còn nợ quá hạn, nợ xấu ở nơi khác, nếu không, khách hàng cần thanh toán tổng dư nợ tại công ty.

“Tôi hiểu, nhân viên công ty tài chính đang làm theo quy định của cơ quan quản lý, nhưng ở góc độ cá nhân, tôi rất bức xúc vấn đề khóa thẻ tại TCTD A chỉ vì phát sinh nợ xấu với TCTD B. TCTD A không có quyền can thiệp vào vấn đề tôi vay bên TCTD B”, chị Thanh nêu quan điểm.

Cập nhật nhóm nợ cao nhất áp dụng với toàn bộ các tổ chức tín dụng có thể sẽ gây ra hệ quả không mong muốn trong thời kỳ các doanh nghiệp, cá nhân vẫn còn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Thực tế cho thấy, trường hợp khách hàng đang sử dụng thẻ tín dụng của một TCTD bất ngờ bị khoá thẻ do có nợ xấu tại các TCTD khác là vấn đề chung mà các công ty tài chính trên thị trường cho vay tiêu dùng đang gặp tương tự.

Về vấn đề này, lãnh đạo một số công ty tài chính có chung chia sẻ: “Chúng tôi thấu hiểu bức xúc của khách hàng, tuy nhiên, công ty phải làm theo quy định mới của Ngân hàng Nhà nước trong việc ghi nhận và cập nhật nợ kéo theo”.

Cụ thể, ngày 30/7/2021, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 11/2021/TT-NHNN về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/10/2021.

Theo đó, về việc phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro, hàng tháng sau khi thực hiện phân loại nợ, cam kết ngoại bảng, TCTD cần thực hiện điều chỉnh nhóm nợ theo nhóm nợ của danh sách khách hàng do CIC cung cấp; căn cứ kết quả điều chỉnh nhóm nợ để điều chỉnh số tiền trích lập dự phòng rủi ro của tháng cuối cùng của quý.

“Các TCTD đều tuân thủ quy định mới của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, việc thực hiện cập nhật nhóm nợ cao nhất, đồng thời trích lập dự phòng rủi ro dựa trên nhóm nợ cao nhất này gây nhiều tác động không mong muốn với TCTD, toàn ngành ngân hàng, nhất là khách hàng - những người đang gặp khó khăn do dịch bệnh”, lãnh đạo một tổ chức tín dụng nói.

... và hệ luỵ

Lãnh đạo tổ chức tín dụng trên nhận xét, ban hành Thông tư 11/2021/TT-NHNN là quyết sách của Ngân hàng Nhà nước nhằm tạo nền tảng pháp lý vững chắc để đánh giá, phản ánh chất lượng tín dụng và tình hình tài chính của tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, chính sách này tạo ra “sức căng” tài chính với khách hàng một cách đột ngột.

Cụ thể, việc ghi nhận nợ kéo theo từ các TCTD khác sẽ dẫn đến việc TCTD phải chuyển từ thu nợ trong hạn sang quá hạn, thậm chí là nợ xấu để phù hợp với mức độ rủi ro của khách hàng. Tính đồng loạt thu nợ trong cùng thời điểm của toàn bộ các TCTD sẽ tạo ra áp lực trả nợ rất lớn với khách hàng, đặc biệt là khách hàng có thiện chí trả nợ, họ có xu hướng tìm nguồn tài chính ngắn hạn để hoàn thành các nghĩa vụ với TCTD.

Theo phó tổng giám đốc phụ trách nguồn vốn một TCTD, từ thực tế và số liệu của đơn vị, phần lớn khách hàng vẫn đang có mức trả nợ ổn định, dù phát sinh nợ quá hạn tại một TCTD khác. Có trường hợp, dư nợ của khách hàng phát sinh nợ quá hạn thấp hơn so với tổng dư nợ trong hạn của khách hàng tại TCTD khác. Trong khi đó, với quy định hiện tại, toàn bộ dư nợ của khách hàng tại các TCTD đều phân vào nhóm nợ cao nhất.

“Do đó, chính sách nợ kéo theo đang gây áp lực một cách bất lợi cho khách hàng. Trong giai đoạn gặp nhiều khó khăn về tài chính, thu nhập do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, việc áp dụng nợ kéo theo sẽ càng tạo ra áp lực với khách hàng. Áp lực này có thể dẫn đến những hệ lụy xã hội khác và đây có thể là một trong các nguyên nhân khiến khách hàng tìm đến tín dụng đen, vốn là một trong những vấn đề trọng điểm mà Ngân hàng Nhà nước đang ra sức đẩy lùi và ngăn chặn”, vị phó tổng giám đốc phụ trách nguồn vốn nhấn mạnh.

Khách hàng bị ảnh hưởng, đương nhiên các TCTD bị ảnh hưởng. Tác động đầu tiên và trực tiếp tới TCTD là các chỉ số thể hiện chất lượng danh mục giảm, chi phí dự phòng tăng.

Đặc biệt, thực hiện chủ trương của Ngân hàng Nhà nước, các TCTD hiện xây dựng nhiều chính sách để hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng với việc phân loại nợ mới theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN, tình trạng nợ kéo theo, được lãnh đạo các TCTD cho rằng, sẽ ngày càng nghiêm trọng. Vì vậy, việc thực thi các chính sách theo định hướng của cơ quan quản lý sẽ gặp khó khăn. Đồng thời, chi phí dự phòng rủi ro cho nợ kéo theo không còn trong khả năng dự báo của các TCTD, gây ra gánh nặng về mặt chi phí, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua, nhiều khách hàng nỗ lực thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ đúng hạn, nhưng tại một thời điểm nhất định nào đó, khách hàng không đủ khả năng hoàn thành nghĩa vụ trả nợ cho toàn bộ các TCTD. Với quy định phân loại nợ mới tại Thông tư 11/2021/TT-NHNN, nợ kéo theo, nợ quá hạn, nợ xấu của toàn ngành sẽ bị đẩy lên mức cao hơn nhiều so với thực tế.

Lãnh đạo nhiều TCTD cho rằng, việc này tác động không chỉ riêng khách hàng, TCTD, mà còn tới toàn ngành ngân hàng. Không phủ nhận, cập nhật nhóm nợ cao nhất áp dụng với toàn bộ các TCTD là một chính sách tổng thể nhằm đánh giá và quản lý chất lượng nợ trên góc độ toàn xã hội, đây được xem là khung pháp lý chặt chẽ hơn để phân loại nợ và trích lập dự phòng, đảm bảo cho cả ngành áp dụng các tiêu chuẩn giống nhau. Tuy nhiên, chính sách này có thể sẽ gây ra những hệ quả không mong muốn trong thời kỳ các doanh nghiệp, cá nhân vẫn còn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Chính sách tái cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 của Ngân hàng Nhà nước hiệu quả đạt được sẽ không cao do chưa phát huy hết ưu điểm với cả TCTD lẫn khách hàng.

Vì thế, các TCTD đề xuất, trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội chịu tác động chưa lường trước bởi đại dịch, Ngân hàng Nhà nước cân nhắc cho phép tạm hoãn việc ghi nhận và cập nhật nợ kéo theo. Cụ thể, tạm hoãn cơ chế thực hiện trích lập dự phòng rủi ro dựa trên kết quả điều chỉnh phân loại nợ, cam kết ngoại bảng theo nhóm nợ của khách hàng do CIC cung cấp với các hoạt động cho vay tiêu dùng tín chấp ít nhất trong năm 2022, đến khi Ngân hàng Nhà nước có chính sách phù hợp.

Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo chất lượng tín dụng toàn ngành cũng như khách hàng được cấp tín dụng phù hợp trong khả năng chi trả, đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét ban hành chính sách số lượng khoản cấp tín dụng tiêu dùng tối đa cho một khách hàng.

Tin bài liên quan