Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Hoàn thảo luận về vấn đề tham nhũng trong lĩnh vực đất đai

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Hoàn thảo luận về vấn đề tham nhũng trong lĩnh vực đất đai

Kiến nghị thành lập cơ quan giám sát đất đai theo vùng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cho rằng lợi ích từ việc vi phạm pháp luật về đất đai đang lớn hơn chi phí và hậu quả khiến nhiều người cố tình vi phạm, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Hoàn đề nghị nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về đất đai, trong đó có giải pháp thành lập cơ quan giám sát đất đai theo vùng. 

Chiều 8/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022.

Phát biểu thảo luận về công tác phòng chống tham nhũng, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hoá) đề nghị Chính phủ cần đặc biệt quan tâm đến phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai.

Cụ thể, theo ông Hoàn, cần tăng cường thực thi pháp luật và xử lý nghiêm hành vi sử dụng đất bất hợp pháp, với ý nghĩa đây là việc được quyền sử dụng nguồn lực đất đai thông qua hành vi trái pháp luật.

Vị đại biểu diễn giải, cũng giống như các hành vi phạm tội thông thường dưới góc độ kinh tế, sử dụng đất trái pháp luật có thể được coi là hành vi kinh tế dựa trên vấn đề quyết định về chi phí và lợi ích.

Những người vi phạm pháp luật đạt được những lợi ích bất hợp pháp và những giá trị nhất định thông qua những hành động vi phạm pháp luật của họ, làm thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước và các thành viên khác trong xã hội.

Tất nhiên, họ cũng phải trả những chi phí nhất định, bao gồm thời gian, sự chuẩn bị, những lợi ích có thể có khi từ bỏ việc chấp hành pháp luật và các chế tài pháp lý mà họ có thể phải chịu sau khi thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Việc theo đuổi lợi ích rất lớn thu được từ đất đai của các tổ chức và cá nhân có liên quan, nhu cầu thu ngân sách và sự cạnh tranh để tăng trưởng kinh tế của chính quyền địa phương được coi là yếu tố chính thúc đẩy việc vi phạm pháp luật đất đai.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Hoàn

Thông qua việc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật đất đai, các tổ chức, cá nhân sai phạm có thể thu được những lợi ích rất lớn về kinh tế - xã hội mà thực tiễn trong thời gian qua đã cho thấy.

Việc quyết định vi phạm pháp luật đất đai của các bên liên quan phụ thuộc vào cách họ xác định mối quan hệ giữa lợi ích của việc sử dụng đất bất hợp pháp và chi phí và hậu quả của nó.

"Một khi họ tin rằng lợi ích mong đợi của việc sử dụng đất bất hợp pháp cao hơn chi phí và hậu quả họ phải trả thì với tư cách là người kinh doanh họ sẽ quyết định vi phạm pháp luật", ông Hoàn nhận định.

Cụ thể, theo đại biểu đoàn Thanh Hoá, giá phải trả của việc vi phạm pháp luật đất đai chủ yếu bao gồm tiền bồi thường cho những người bị thiệt hại về quyền lợi, tác động tiêu cực đến sự phát triển lâu dài của địa phương, sự trừng phạt có thể xảy ra và làm mất đi tương lai chính trị của người có chức vụ, quyền hạn có liên quan.

Đối với những doanh nghiệp, cá nhân thì chi phí phải bỏ ra chủ yếu bao gồm thời gian lao động, vốn đầu vào cho việc sử dụng đất bất hợp pháp và các khoản tiền có thể bị phạt, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu bị điều tra, truy tố.

Từ đó, đại biểu Lê Thanh Hoàn cho rằng, việc tăng cường thực thi pháp luật đất đai có hiệu quả sẽ có tác động rất lớn, rất quan trọng đến những chi phí, hậu quả khi cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật phải bỏ ra và gánh chịu.

Bởi phần lớn chi phí cố định như bồi thường kinh tế, thời gian hoặc lao động, vốn đầu tư mà người vi phạm pháp luật phải trả cho việc sử dụng đất bất hợp pháp sẽ không cao hơn so với việc sử dụng đất hợp pháp.

Và một khi hiệu quả của việc thực thi pháp luật đất đai tăng lên thì khả năng bị điều tra và trừng phạt sẽ tăng lên, khi đó thiệt hại và hậu quả từ hành vi vi phạm pháp luật sẽ rất lớn, thường sẽ vượt quá lợi ích thu được nếu mà thực hiện đúng pháp luật về đất đai.

"Như vậy, nếu chúng ta thực thi pháp luật về đất đai không nghiêm sẽ dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật đất đai ngày càng tăng và ngược lại nếu chúng ta thực thi nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về đất đai cũng như tạo ra cơ chế, chính sách phù hợp thì chắc chắn vi phạm pháp luật về đất đai trong thời gian tới sẽ giảm", ông Hoà nhận định.

Cùng với đó, vị đại biểu đề nghị nghiên cứu, xem xét việc thành lập các cơ quan kiểm tra, thanh tra, giám sát đất đai quốc gia theo vùng trực thuộc cơ quan trung ương đóng tại địa phương.

Trước đó, sáng 8/11, báo cáo công tác năm 2022 trước Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí thông tin, trong năm 2022 (từ 1/9/2021 đến 30/9/2022), các khiếu kiện hành chính tăng 893 vụ (11%) so với năm 2021.

Viện kiểm sát các cấp đã kiểm sát việc giải quyết 9.020 vụ án hành chính theo thủ tục sơ thẩm, nội dung chủ yếu phát sinh từ quan hệ quản lý Nhà nước về đất đai, nhiều vụ việc rất phức tạp, khiếu kiện đông người, tập trung khiếu kiện Uỷ ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, cưỡng chế giải phóng mặt bằng, tái định cư...

Tin bài liên quan