Cùng với các giải pháp mang tính kỹ thuật, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia kiến nghị Chính phủ áp dụng một số biện pháp để giảm mặt bằng lãi suất, nhằm hỗ trợ lành mạnh cho TTCK. Về vấn đề này, ĐTCK có cuộc trao đổi với TS Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia.
Được biết, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã kiến nghị Chính phủ xem xét triển khai một số giải pháp hỗ trợ TTCK. Bao giờ các giải pháp này được áp dụng, thưa ông?
Qua trực tiếp tiếp xúc, lắng nghe nhu cầu của các NĐT lớn nước ngoài, có 3 vấn đề họ mong muốn TTCK Việt Nam cần sớm cải thiện nếu muốn thu hút hiệu quả dòng vốn đầu tư gián tiếp, đó là: thanh khoản, chất lượng hàng hóa và tăng room mua cổ phần.
Trên cơ sở nhu cầu này, cũng như xuất phát từ đòi hỏi phục hồi lành mạnh, bền vững TTCK, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã kiến nghị Chính phủ xem xét triển khai một số giải pháp cụ thể. Trong đó, trọng tâm là tăng room mua cổ phần cho NĐT nước ngoài.
Tuy nhiên, cũng cần triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng hàng hóa cho TTCK. Muốn vậy, ngoài đẩy nhanh CPH các DNNN lớn, có chất lượng, cần khẩn trương thoái vốn nhà nước khỏi các DN mà Nhà nước không cần nắm cổ phần chi phối.
Điều cần lưu ý là phải nâng cao tỷ lệ cổ phần phát hành lần đầu ra công chúng, chứ bán nhỏ giọt 5 - 7% như thời gian qua thì sẽ không thể thu hút được NĐT lớn nước ngoài tham gia. Các NĐT cũng mong đợi việc CPH các tập đoàn, tổng công ty lớn sắp tới phải gắn với niêm yết trên TTCK, nhằm tăng tính minh bạch trong hoạt động.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nghiên cứu các kiến nghị trên để cụ thể hóa vào Đề án tái cơ cấu TTCK.
Đề án chi tiết này đang được khẩn trương hoàn chỉnh và theo kế hoạch sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý I/2012 để sớm tổ chức triển khai. Như vậy, khoảng đầu quý II/2012, các giải pháp hỗ trợ thị trường sẽ được triển khai lồng ghép với biện pháp tái cơ cấu TTCK.
Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng kiến nghị Chính phủ xem xét chỉ đạo loại bỏ việc áp dụng trần lãi suất huy động 14%/năm vào đầu quý II/2012, để kéo lãi suất cho vay giảm dần?
Tỷ lệ lạm phát tính theo tháng đã giảm khá bền vững từ tháng 7/2011. Theo độ trễ của chính sách thắt chặt tiền tệ, thì tỷ lệ lạm phát sẽ tiếp tục giảm trong nửa đầu năm 2012.
Nếu chính sách tiền tệ, tài khóa được duy trì theo hướng chặt chẽ, thận trọng trong thời gian tới, cùng với mặt bằng giá hàng hoá thế giới trong năm 2012 ước giảm khoảng 4%, thì theo dự báo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, lạm phát trong năm 2012 của Việt Nam giảm còn 7 - 8%, GDP tăng trưởng khoảng 5,5 - 5,9%.
Bởi vậy, trên cơ sở diễn biến vĩ mô của quý I/2012, chúng tôi kiến nghị Chính phủ xem xét chỉ đạo loại bỏ việc áp dụng trần lãi suất huy động 14%/năm, cũng như áp dụng một loạt giải pháp khác để kéo mặt bằng lãi suất giảm xuống. Chỉ có như vậy mới hỗ trợ lành mạnh cho DN, cũng như TTCK, thị trường bất động sản.
Nhưng một khi vấn đề căng thẳng thanh khoản của hệ thống ngân hàng như hiện tại chưa được giải quyết, thì nỗ lực giảm mặt bằng lãi suất là không khả thi, thưa ông?
Đúng vậy. Do đó, trong hệ thống giải pháp mà chúng tôi kiến nghị, thì trước hết phải giải quyết cho được tình trạng đáng lo ngại nhất trong nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô năm 2012 là đảm bảo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng.
Kinh nghiệm thế giới cho thấy, ngay cả khi lạm phát đã giảm khá sâu và ổn định kéo dài hàng năm, nhưng mặt bằng lãi suất vẫn không thể giảm một khi thanh khoản của hệ thống ngân hàng không được đảm bảo, cũng như kỳ vọng lạm phát của người dân chưa bị “đánh sập”.
Việc bỏ áp dụng trần lãi suất huy động 14%/năm là một trong những giải pháp mạnh nhằm cải thiện thanh khoản cho hệ thống ngân hàng.
Để giảm thiểu tác động không mong muốn của giải pháp này, đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước đồng thời áp dụng các giải pháp như khống chế tỷ lệ tăng trưởng tín dụng với tỷ lệ khác nhau tùy thuộc vào “sức khỏe” của các nhóm ngân hàng; tăng cường công tác thanh tra, xử lý vi phạm trong hoạt động huy động và cho vay.
Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu trong quý I/2012 sẽ cải thiện thanh khoản cho hệ thống ngân hàng. Đảm bảo thanh khoản là bước 1, trước khi thực hiện bước 2 là giải quyết nợ xấu và bước 3 là tái cấu trúc tổ chức và hoạt động của hệ thống ngân hàng, nhằm đảo bảm hoạt động an toàn, bền vững.