Một trong những thông tin được nhà đầu tư quan tâm nhất là 2 gói hỗ trợ, gồm một gói tín dụng 250.000 tỷ đồng và một gói hỗ trợ giảm thuế, phí 30.000 tỷ đồng, Thủ tướng chỉ đạo phải sớm được triển khai.
Chỉ thị của Thủ tướng cho biết, ngay trong tháng 3 này, các bộ, ngành liên quan như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư… cần có đề xuất, báo cáo Thủ tướng về những giải pháp gỡ khó thời đại dịch.
Như vậy, khối doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, nhất là doanh nghiệp trong những ngành chịu tác động tiêu cực từ đại dịch, có cơ hội để chờ đợi sự chung tay, hỗ trợ này.
Trên TTCK, trong một chia sẻ gần đây với những người cùng ngành, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán SHS Vũ Ðức Tiến nêu câu hỏi: “Chính phủ tung nhiều gói hỗ trợ, nhưng nhà đầu tư chứng khoán có được hỗ trợ gì không? Nếu có, nhà đầu tư phải làm cách nào để tiếp cận được?”.
Vấn đề ông Tiến nêu ra “trúng” tâm tư của nhiều chủ thể, trong bối cảnh nhà đầu tư chứng khoán chưa từng có tên trong số các chủ thể được nhận hỗ trợ, trong khi họ luôn là đối tượng phải chịu sự mất mát trực tiếp mỗi khi nền kinh tế có biến động.
Trong lần đại dịch này, VN-Index mất 9% kể từ đầu năm 2020 đến nay, đồng nghĩa với việc khoảng 20 tỷ USD đã bay khỏi tài khoản nhà đầu tư. Nếu loại trừ cổ đông Nhà nước (sở hữu khoảng 35% vốn hóa), thì các nhà đầu tư khác đang chịu chung mất mát khoảng 13 tỷ USD.
Tổng giám đốc công ty đang phục vụ hàng chục nghìn nhà đầu tư này cho rằng, nhà đầu tư chứng khoán cũng là chủ thể cần được hưởng nguồn vốn ưu đãi từ Nhà nước để trụ lại với thị trường.
Theo đó, các ngân hàng cần nới rộng room tín dụng cũng như cho phép công ty chứng khoán được hưởng lãi suất ưu đãi, để từ đó hỗ trợ lại nhà đầu tư.
Hiện nay, “cửa” tín dụng từ ngân hàng sang công ty chứng khoán khá hẹp do Thông tư 19/2017/TT-NHNN quy định, các ngân hàng được sử dụng tối đa 5% vốn điều lệ để cho vay đầu tư cổ phiếu.
Ngoài việc dòng vốn hẹp, nếu các ngân hàng cứ áp dụng lãi vay thương mại cho công ty chứng khoán như hiện nay thì nhà đầu tư sẽ chịu áp lực kép: giá cổ phiếu giảm mạnh, lãi margin cao, rất khó để trụ lại và đi bền với thị trường.
Trong góc nhìn của ông Nhữ Ðình Hòa, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Bảo Việt, nếu các ngân hàng tăng room cho vay chứng khoán sẽ có tác dụng kích cầu đầu tư trong giai đoạn hiện nay.
Việc Thông tư 19/2017/TT-NHNN quy định chung mức 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng được dùng cho vay đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, 5% dùng cho vay đầu tư cổ phiếu là quá hẹp.
Cùng với đó, quy định này cần phân định sâu hơn và dòng chảy tín dụng cần linh hoạt hơn theo chất lượng các cổ phiếu trên sàn.
Vậy làm thế nào để dòng tín dụng chảy rộng hơn và ưu đãi hơn đến nhà đầu tư chứng khoán? Ngành chứng khoán cần truyền thông, cần kiến nghị các cơ quan chức năng để tạo ra sự thấu hiểu của xã hội về chủ thể nhà đầu tư chứng khoán - đối tượng đang phải chịu những mất mát trực tiếp từ đại dịch.
Chính phủ cần giữ chân nhà đầu tư ở lại bằng những giải pháp hỗ trợ thấm đến nhà đầu tư, mới hy vọng họ tiếp tục góp sức xây dựng thị trường vốn, thị trường tài chính Việt Nam.